Sẽ bị kiện ra tòa giải quyết nợ đọng!

07:03, 19/03/2014

Tình hình kinh tế khó khăn chưa hết đeo bám các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh. Hệ quả là sản xuất kinh doanh khó khăn, đình đốn, kéo theo việc thực hiện chế độ chính sách, tiền lương, việc trích nộp BHXH, BHYT, đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của đơn vị sử dụng lao động cho cơ quan BHXH trì trệ.


Nhiều người lao động vẫn còn mù mờ về BHTN. Ảnh minh họa: VINH HIỂN

Tình hình kinh tế khó khăn chưa hết đeo bám các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh. Hệ quả là sản xuất kinh doanh khó khăn, đình đốn, kéo theo việc thực hiện chế độ chính sách, tiền lương, việc trích nộp BHXH, BHYT, đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của đơn vị sử dụng
lao động cho cơ quan BHXH trì trệ.

Chế tài xử lý chưa triệt để

Nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp có sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh hiện đang tăng nhanh, kéo dài và dây dưa khó đòi. Tính đến tháng 3/2014, tổng nợ đọng toàn tỉnh lên gần 55,5 tỷ đồng với 1.116 đơn vị.
 
Trong đó, nợ BHXH hơn 34 tỷ đồng (61,5%), nợ BHYT hơn 20 tỷ đồng, nợ BHTN 1,3 tỷ đồng. Có doanh nghiệp nợ hơn 1 tỷ đồng hoặc gần 2,5 tỷ đồng với thời gian dài và số lao động đông. Trong tổng nợ, ngân sách nhà nước nợ tiền đóng và hỗ trợ đóng BHYT hơn 17,3 tỷ đồng, chiếm trên 31%.

Trong danh sách 166 đơn vị, doanh nghiệp mà Tổ Thu nợ BHXH, BHYT của tỉnh Vĩnh Long lọc ra để có văn bản gửi thu hồi và trực tiếp vận động thu hồi, có tổng số nợ hơn 18,6 tỷ đồng. Đây là những đơn vị có số tiền nợ từ 10 triệu đồng và thời gian nợ từ 3 tháng trở lên.

Điều đáng nói có đơn vị chỉ với 4 hay 11 lao động, nhưng có thời gian nợ lâu và số nợ lên đến trên 400- 500 triệu đồng. Trên địa bàn huyện Long Hồ, một công ty với 1.036 lao động, có thời gian nợ 4 tháng, tổng số nợ gần 2,5 tỷ đồng.

Đây là công ty nằm trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong 1.116 đơn vị nợ đọng, có 86 đơn vị đã giải thể, phá sản, ngưng hoạt động, không liên hệ giao dịch. Thật sự có doanh nghiệp đã... “chết”- Tổ Thu nợ xác nhận.

Theo ông Nguyễn Bá Thanh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long, Phó Thường trực Tổ Thu nợ BHXH, BHYT của tỉnh, việc thu hồi nợ khó khăn, trong nhiều nguyên nhân khách quan, có thể nói nguyên nhân chính là các biện pháp chế tài để xử lý vi phạm thời gian vừa qua chưa được triệt để.
 
Ông nói, nợ bảo hiểm năm 2013 tăng gần gấp đôi so năm 2012. Thực trạng này bắt nguồn từ việc đơn vị sản xuất kinh doanh gặp khó, có đơn vị sử dụng lao động đã thu tiền lương, thưởng của người lao động nhưng không trích nộp BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH.

“Không chỉ các đơn vị vi phạm trích nộp tiền BHXH, BHYT mà còn vi phạm về việc “xâm phạm quyền lợi của người lao động”- ông Nguyễn Bá Thanh xác định.

Ở phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị “than” tình hình sản xuất khó khăn, giá nguyên vật liệu đầu vào cao, giá thành sản xuất tăng, lãi ngân hàng cao, kinh doanh chật vật,... dẫn đến nợ bảo hiểm “xấu” như trên, đã ảnh hưởng đến việc trích nộp, thu hồi nợ.

Kiện ra tòa, giải quyết nợ đọng!

“Năm nay, Tổ Thu nợ kiên quyết khởi kiện một số đơn vị ra tòa để thu hồi nợ đọng”- Tổ Thu nợ khẳng định quyết liệt. Trước khi kiện đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng tiền BHXH, BHYT của người lao động mà không trích nộp cho cơ quan chức năng, Tổ Thu nợ sẽ tham mưu với UBND tỉnh hoặc Thanh tra Lao động ra quyết định xử phạt hành chính các đơn vị, doanh nghiệp theo Nghị định 95 của Chính phủ.

Cùng với đó là áp dụng trích tài khoản doanh nghiệp có nợ theo Thông tư liên tịch 03/2008/TTLT-BLĐTB&XH-BTC-NHNN giữa Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

“Nếu quá thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH theo luật định (1 năm kể từ ngày đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN) mà cơ quan có thẩm quyền chưa xử lý thì cơ quan BHXH lập hồ sơ khởi kiện ra tòa”- giải pháp của Tổ Thu nợ có nêu.


Nhiều đơn vị thực hiện tốt BHXH, BHYT, BHTN. Ảnh minh họa: VINH HIỂN

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Vĩnh Long Văn Hữu Huệ cũng cho rằng, ngoài trực tiếp đến đơn vị kinh doanh thu hồi nợ, gửi công văn cho đơn vị để yêu cầu trích nộp tiền bảo hiểm, giải quyết chế độ cho người lao động; thì tổ thu nợ cần gửi công văn cho đơn vị chủ quản của đơn vị, doanh nghiệp để tác động thêm thu hồi nợ.

Ông cũng đồng tình: “Đối với đơn vị cố tính chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm của người lao động, ngành chức năng nên kiện ra tòa giải quyết theo quy định”.

Về việc đang có sự vênh nhau giữa các số liệu báo cáo, thống kê số lượng doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và lao động trên địa bàn, mấu chốt nằm ở 3 cơ quan: Kế hoạch- Đầu tư, Lao động- Thương binh và Xã hội và Cục Thuế.

Chỉ đạo giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Thanh yêu cầu Tổ Thu nợ phải có báo cáo thống nhất giữa 3 ngành này về các số liệu nêu trên, để quản lý số doanh nghiệp trên địa bàn, thu hồi hiệu quả nợ đọng, giải quyết tốt chế độ, chính sách về lao động, tiền lương và BHXH cho người lao động.

Mới đây, Tổ Thu nợ đã ngồi lại với sở, ngành liên quan, bàn bạc và thống nhất 3 cơ quan trên sẽ báo cáo các số liệu ở thời điểm cả năm 2013, quý I/2014 và sẽ công bố vào 31/3/2014.

* Ông Nguyễn Bá Thanh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long:

Bên cạnh khó khăn của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, vẫn có đơn vị làm ăn hiệu quả nhưng có hiện tượng chiếm dụng nguồn quỹ của BHXH, đặc biệt là khoản tiền của người lao động đóng góp. Các đơn vị này đã thu tiền lương, thưởng của người lao động nhưng không thực hiện trích nộp cho cơ quan BHXH.

* Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Chánh Thanh tra tỉnh Vĩnh Long, Tổ trưởng Tổ Thu nợ BHXH, BHYT thuộc UBND tỉnh Vĩnh Long:

Nợ BHXH, BHYT xác định năm 2014 sẽ tiếp tục phát triển và việc thu hồi sẽ khó khăn. Tổ Thu nợ sẽ tác động thu hồi nợ đạt kế hoạch đề ra.
 
Số nợ sẽ chia ra 2 loại: một loại thì tổ tiếp tục vận động, thuyết phục, tác động để thu hồi; một loại là doanh nghiệp còn hoạt động và làm ăn có hiệu quả, mà cố tình không nộp BHXH, BHYT thì tổ mạnh dạn làm tham mưu cho UBND tỉnh để kiện ra tòa xử lý theo quy định.

MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh