Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, người trí thức đáng kính đã ra đi...

07:03, 14/03/2014

LTS: Tòa soạn đã nhận khá nhiều bài viết về cuộc đời, sự nghiệp của bà từ các cộng tác viên thân thiết. Người gọi bà là chị, người gọi bà là má,… với tất cả tình thương mến dành cho một phụ nữ hiền từ, đôn hậu, gắn bó với cách mạng nhưng chịu nhiều mất mát. Những bài viết này thay nén tâm hương dâng lên bà- Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè.

LTS: Bà Năm Mè, tức Bùi Thị Mè- người con của xã Quới An (Vũng Liêm) đã ra đi mãi mãi vào lúc 20 giờ 15 ngày 10/3/2014, hưởng thọ 94 tuổi, tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh.

Tòa soạn đã nhận khá nhiều bài viết về cuộc đời, sự nghiệp của bà từ các cộng tác viên thân thiết. Người gọi bà là chị, người gọi bà là má,… với tất cả tình thương mến dành cho một phụ nữ hiền từ, đôn hậu, gắn bó với cách mạng nhưng chịu nhiều mất mát. Những bài viết này thay nén tâm hương dâng lên bà- Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè.

Nguồn: Internet


Năm 1946, khi thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Nam Bộ, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Nhơn- Bùi Thị Mè với danh nghĩa là thương gia, đã có những hoạt động hợp pháp ủng hộ kinh tế cho cuộc kháng chiến. Những năm sau đó, khi ở Bến Tre, khi Trà Vinh, bà luôn tìm cách liên lạc với tổ chức để hoạt động hợp pháp ủng hộ cho cách mạng.

29 tuổi (năm 1950), bà bắt tay vào mở trường trung học tư thục ở xã Long Đức (Châu Thành- Trà Vinh) và làm hiệu trưởng.

Thật ra đây là một cơ sở hợp pháp của Tỉnh ủy Trà Vinh. Năm 1955, Tỉnh ủy Trà Vinh bố trí bà làm Tổng Thư ký Hội Phụ nữ của tỉnh và là Ủy viên BCH Hội Chẩn tế- xã hội tỉnh Trà Vinh.

Từ 1950- 1957, bà hoạt động hợp pháp dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Trà Vinh. Bà là một trong những trí thức và có uy tín khi tiếp xúc với các trí thức, thương gia và các tầng lớp xã hội khác, kể cả bà con Khmer để vận động họ cùng chung tay ủng hộ phong trào kháng chiến tại Trà Vinh.

Năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh đóng cửa ngôi trường với lý do: Hiệu trưởng thân “Cộng”, Ban giáo sư thân “Cộng”, dạy đường lối chống Chính phủ. Với sự khôn khéo, bà về Sài Gòn gặp Bộ trưởng Bộ GD chất vấn, tố cáo chính quyền của chế độ Ngô Đình Diệm tại Trà Vinh để tạo một thế hợp pháp trong hoạt động bán công khai. Đấu tranh thắng lợi, bà lên Sài Gòn tiếp tục dạy và hoạt động trong giới trí thức tại Sài Gòn.

Tháng 12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) miền Nam Việt Nam được thành lập, Tỉnh ủy Trà Vinh giới thiệu bà vào công tác ở Khu ủy Khu Tây Nam Bộ, được cử là Ủy viên Ủy ban MTDTGP khu Tây Nam Bộ.

Năm 1964, bà được Trung ương Cục miền Nam rút về làm công tác tuyên truyền đối ngoại, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, do bà thành thạo tiếng Pháp; rồi được tổ chức bố trí sang phụ trách Ban Phụ vận ở Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1965, tại Đại hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam, bà được bầu vào BCH Hội Phụ nữ Giải phóng, đồng thời kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam.

Trước tình hình phát triển của cách mạng miền Nam , Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập năm 1969 do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch. Bà được phân công giữ nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Y tế- Thương binh và Xã hội.

Trên cương vị là thứ trưởng chuyên trách công tác xã hội- thương binh, từ 1969- 1976, bà đã có nhiều hoạt động sôi nổi, sâu sát cơ sở, phong trào, đóng góp công lao của mình vào cách mạng giải phóng miền Nam .

Với tác phong giản dị, dễ gần, tính tình hiền lành, nữ thứ trưởng duy nhất trong Bộ Y tế- Thương binh và Xã hội và lúc ấy đã góp phần chỉ đạo sâu sát về công tác này ở toàn miền Nam, phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ cứu nước.

Năm 1974, theo yêu cầu của cách mạng cần mở rộng công tác tuyên truyền đối ngoại về cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, bà được Trung ương Cục cử ra Hà Nội dự Đại hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Tại Hà Nội, bà đã tiếp xúc với nhiều đoàn phụ nữ quốc tế. Với vốn tiếng Pháp thành thạo, cộng với sự thông minh, nhanh nhẹn của một nhà giáo, bà đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho các đoàn phụ nữ Liên Xô, Cu Ba, Algieri .v.v...
 
Qua bà và các đại biểu phụ nữ ở Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam , bạn bè quốc tế hiểu thêm về cuộc đấu tranh bất khuất giành độc lập tự do của nhân dân miền Nam . Sau đại hội, bà được bầu làm Ủy viên BCH Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam .


Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè (giữa) cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Long.
Ảnh: THÚY QUYÊN

Về đời riêng, tháng 1/1974, bà gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam . Trong những năm chiến tranh, dù hoạt động công khai hay bí mật, đi đến đâu bà cũng được nhân dân đùm bọc, che chở.
 
Bà kể, ở nhiều trận càn, bị mắc kẹt trong vòng vây bọn giặc nhưng bà được đồng bào hết lòng che chở mới thoát khỏi kẻ thù. Với bà, tôn trọng dân, giữ mối quan hệ tốt đẹp với dân như Bác Hồ dạy: “Đi dân nhớ, ở dân thương” là bí quyết thành công trong vận động quần chúng.

Sau ngày nước nhà thống nhất, bà về công tác ở Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh, chăm lo mạng lưới chữ thập đỏ, hỗ trợ công tác thương binh- xã hội.
 
Bà cũng là một trong những phụ nữ đã chịu đựng nhiều hy sinh qua 2 cuộc chiến tranh. Nỗi mất mát trong chiến tranh không thể nào bù đắp, khi bà đã mất chồng và 3 đứa con tại chiến trường.

Bà có 6 người con (2 gái, 4 trai) thì trong 4 người con tham gia kháng chiến của bà, hết 3 đã hy sinh, còn một thì trở thành thương binh.

Trong suốt cuộc đời mình, bà vẫn một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân. Hễ có dịp là bà tham gia hoạt động nhân đạo, xã hội. Không quản tuổi cao, sức yếu, bà đi vận động nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo, nhất là các cháu nhỏ mồ côi, bệnh tật.

Hôm nay, đến viếng bà lần cuối tại số 3– Phùng Khắc Khoan, trong căn nhà bình dị mà bà ở từ sau ngày Sài Gòn giải phóng đến nay. Cũng tại căn nhà này, bà Bùi Thị Mè- Má Năm đã đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long và hằng trăn trở về trẻ em nghèo Vĩnh Long sao cho chúng được học hành, tiếp bước đi lên cùng trang lứa.

Bà Bùi Thị Mè: “Đối với tôi, Đảng đã ở trong tim từ những ngày đầu tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong hoàn cảnh công tác hợp pháp, tôi thấy càng lăn lộn, thử thách trong phong trào càng rắn rỏi, nỗ lực nên dù đứng trong tổ chức hay không tôi vẫn phấn đấu không ngừng”.

Thạc sĩ Phạm Bá Nhiễu

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh