Nối kết nhịp cầu an sinh

02:01, 14/01/2014

Tính đến cuối năm 2013, dư nợ ủy thác tín dụng chính sách giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và các đoàn thể chính trị- xã hội của tỉnh đạt gần 1.137 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ. Từ nguồn vốn ủy thác này, nhiều gia đình chính sách, hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống.


Những hộ cận nghèo được giải ngân tại UBND xã Long Phước (Long Hồ).

Tính đến cuối năm 2013, dư nợ ủy thác tín dụng chính sách giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và các đoàn thể chính trị- xã hội của tỉnh đạt gần 1.137 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ. Từ nguồn vốn ủy thác này, nhiều gia đình chính sách, hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Nhịp cầu an sinh

Trong năm 2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai các chương trình vay vốn tín dụng chính sách với trên 44.000 hộ vay. Theo đó, các cấp hội tổ chức các mô hình hiệu quả hỗ trợ trên 2.500 hộ phụ nữ thoát nghèo. Bên cạnh, thành lập mới 1.275 tổ góp vốn xoay vòng, giúp trên 29.000 chị em với tổng số tiền gần 17,8 tỷ đồng; phối hợp tổ chức 213 lớp dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho hơn 6.270 lao động nữ…

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trịnh Thị Kim Anh, thông qua các CLB, tổ sản xuất, hợp tác... cán bộ hội hướng dẫn, tổ chức cho hội viên, phụ nữ giúp nhau sản xuất, mua bán, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Đồng thời, các hộ vay có ý chí vươn lên thoát nghèo, chí thú làm ăn, tiết kiệm,...

Điển hình như các chị Nguyễn Thị Sanh (Phường 3- TP Vĩnh Long) vay 8 triệu mua bán tạp hóa, đến nay cửa hàng mở rộng, kinh doanh nhiều loại hàng hóa, mua được xe gắn máy và nhiều vật dụng gia đình.

Chị Sơn Thị Sama (xã Đông Bình- Bình Minh) hộ nghèo, không đất canh tác. Vợ chồng chị phải sống bằng nghề “ai kêu gì mần đó” để lo cho các con ăn học. Nhờ vay 10 triệu đồng từ NHCSXH, chị đã nuôi 2 con bò. Ngoài ra, chị còn đan thảm lục bình để kiếm thêm thu nhập. Chồng chị ngoài làm thuê còn nuôi thêm 2 ao cá. Nhờ vậy, năm 2010 gia đình chị thoát nghèo, với mức thu nhập hàng năm vài chục triệu đồng từ tiền bán bò và cá.

Với nguồn vốn tín dụng ủy thác từ NHCSXH, Hội Cựu chiến binh TX Bình Minh đã giúp cho nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Hà Thanh Bình (thương binh 4/4, ở phường Đông Thuận) phát triển mô hình VAC trên diện tích 2.000m2 từ nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, đã vươn lên làm giàu và mua được 8 công đất trồng chuyên canh mận da xanh kết hợp chăn nuôi heo, gà, cá. Mỗi công mận đem về cho ông nguồn lợi nhuận vài chục triệu đồng/năm, giúp ông thoát nghèo một cách bền vững.

Nhiều năm qua, Tỉnh Đoàn phối hợp với NHCSXH tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên được vay vốn phát triển sản xuất. Từ đây, nhiều đoàn viên thanh niên đã xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình của anh Trần Ngọc Thảo (xã Long Mỹ- Mang Thít).

Từ 15 triệu đồng vay, anh đã nuôi 6 con heo nái. Hiện tại, mỗi năm anh bán được 12 lứa heo con, lời gần 50 triệu/năm. “Chương trình hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế đã mang lại hiệu quả thiết thực”- anh Thảo cho biết.

Cùng đó, các chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo… đã giúp nhiều gia đình khó khăn trong tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Theo NHCSXH, toàn tỉnh hiện có 3.040 tổ tiết kiệm và vay vốn đã được củng cố. Trong đó có 1.815 tổ đạt loại tốt, 980 tổ khá và 245 tổ trung bình, không còn tổ yếu kém. Với hơn 9.000 cán bộ quản lý tổ tiết kiệm vay vốn toàn tỉnh đã giúp mạng lưới hoạt động tín dụng chính sách khá bền vững, dư nợ hàng năm tăng trưởng ổn định với khả năng quản lý, kiểm soát tốt.

Nâng cao chất lượng nguồn vốn ủy thác

Tính đến cuối năm 2013, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị- xã hội (hội nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên) đạt gần 1.137 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng- Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh Vĩnh Long, trong năm qua, tổ chức hội các cấp đã chú trọng triển khai thực hiện dịch vụ ủy thác tín dụng chính sách của NHCSXH, do đó hiệu quả của công tác ủy thác tiếp tục được củng cố và nâng cao.

Trong quá trình thực hiện các hội đoàn thể đã chỉ đạo quản lý tốt vốn ủy thác, xử lý nợ đến hạn, quá hạn, nợ bị rủi ro và các khoản nợ bị chiếm dụng thu hồi chậm, nợ lãi tồn đọng… đồng thời góp phần cùng NHCSXH củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn.

Tuy nhiên thời gian qua, vẫn còn tình trạng các cấp hội, tổ tiết kiệm và vay vốn chưa thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay và công đoạn thực hiện bình xét công khai các hộ đủ điều kiện vay vốn nên vẫn còn xảy ra một số trường hợp bình xét cho vay sai đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra sử dụng vốn sau khi vay chưa đi vào chiều sâu nên hiệu quả sử dụng vốn vay chưa cao.

Năm 2014 là năm cuối thực hiện đề án củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn tỉnh. NHCSXH tỉnh lưu ý các cấp hội đoàn thể, đặc biệt là hội đoàn thể cấp xã rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm tạo điều kiện cho các hộ này được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay của hội viên và hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. BCĐ công tác ủy thác tín dụng các cấp có giải pháp chấn chỉnh sai sót yếu kém kịp thời nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng nguồn vốn ủy thác.

Năm 2013, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giải ngân được 594,5 tỷ đồng với hơn 59.000 lượt hộ vay. Dư nợ đạt 1.142,5 tỷ đồng, tăng 109,5 tỷ đồng so đầu năm với hơn 97.000 khách hàng còn dư nợ, đạt 99,82% kế hoạch năm.
 
Trong đó, đối tượng vay gồm hơn 23.500 lượt hộ nghèo, 12.200 hộ cận nghèo, trên 11.700 lượt hộ vay đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 7.700 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay giải quyết việc làm 1.700 lượt hộ, tạo việc làm cho gần 2.700 lao động; cho vay mua nhà trả chậm trong cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ đã xây được gần 440 căn nhà mới. Các chương trình tín dụng trên chiếm 89% tổng dư nợ.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh