![](/file//e7837c027f6ecd14017ffa4e5f2a0e34/dataimages/201411/original/1076284_A4-a-11.jpg)
Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá ngày càng hoàn thiện như: cảng cá Định An, Láng Chim, khu neo đậu tránh trú bão Cung Hầu… ngư dân vùng biển Trà Vinh đang kỳ vọng vào đề án “Hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới tàu khai thác xa bờ giai đoạn 2014- 2016” để nâng cao hiệu quả hoạt động làm giàu từ biển; đồng thời bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển…
Tiêu thụ cá biển ở huyện Trà Cú từ các tàu khai thác biển…
Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá ngày càng hoàn thiện như: cảng cá Định An, Láng Chim, khu neo đậu tránh trú bão Cung Hầu… ngư dân vùng biển Trà Vinh đang kỳ vọng vào đề án “Hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới tàu khai thác xa bờ giai đoạn 2014- 2016” để nâng cao hiệu quả hoạt động làm giàu từ biển; đồng thời bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển…
Phương tiện lạc hậu, quanh quẩn ven bờ
Với chiều dài bờ biển hơn 65km, khai thác biển đã và đang trở thành lĩnh vực quan trọng ở Trà Vinh không chỉ về mặt kinh tế, mà còn về quốc phòng- an ninh của địa phương. Tuy nhiên, với năng lực của đội tàu công suất nhỏ, lạc hậu dẫn đến hiệu quả nghề khai thác thấp, chủ yếu quanh quẩn ven bờ.
Ông Nguyễn Văn Sang- Chi cục phó Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Trà Vinh, cho biết: “Tỉnh hiện có hơn 1.350 tàu khai thác hải sản, với tổng công suất 81.347CV; trong đó chỉ có 180 tàu có công suất máy từ 90CV trở lên, có khả năng khai thác đánh bắt xa bờ; còn lại đa số là tàu cá có công suất nhỏ hoạt động ven bờ”.
Do cường lực khai thác tăng nhưng ngư trường không được mở rộng, dẫn đến hiệu quả của các đội tàu không cao; sản phẩm khai thác có kích thước nhỏ, chất lượng thấp, cá tạp chiếm tỷ lệ cao trong các mẻ lưới.
Hiện tại nhiều tàu cá loại tàu gỗ đã xuống cấp, các máy thông tin liên lạc, máy định vị đã sử dụng nhiều năm, nay đã cũ kỹ. Chính sự lạc hậu về trang thiết bị và phương tiện nên phần lớn tàu đánh bắt xa bờ của Trà Vinh chỉ tập trung khai thác gần bờ.
Ông Trần Công Đức (Khóm 2, thị trấn Định An, huyện Trà Cú) bộc bạch:
“Từ năm 2012, ông đầu tư chiếc tàu có công suất 230CV, mua thêm lưới cụ để khai thác mùa vụ mới. Thời gian qua, mỗi chuyến biển khoảng 7 ngày, tàu khai thác được 2- 2,5 tấn thủy sản các loại (chủ yếu mực, cá tạp, cá mồi). Nhờ tàu mới, máy móc công suất lớn nên hiệu quả khai thác tăng hơn 1,5 lần so với trước đây.
Tàu nhỏ, công suất máy tầm trung hiện nay làm ăn không còn hiệu quả nữa. Muốn vươn khơi xa phải đầu tư tàu, máy lớn để bám biển dài ngày. Song, cái khó là số tiền hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng để thay đổi tàu khiến nhiều ngư dân không kham nổi”.
Hơn 15 năm theo nghiệp “hạ bạc”, ngư dân Lê Văn Hiền (ấp Động Cao, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải) chia sẻ: “So với nhiều địa phương khác, nghề biển ở Trà Vinh chủ yếu là phương tiện nhỏ, muốn vươn khơi xa nhưng lực bất tòng tâm”.
Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Trà Vinh, sau nhiều cuộc hội thảo và thăm dò nguyện vọng của ngư dân, hiện nay nhiều hộ mong muốn có nguồn vốn vay để đầu tư đổi mới tàu. Tuy nhiên, khi ngư dân sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn đều bị ngân hàng từ chối vì các ngân hàng ngán ngại việc cho ngư dân vay đầu tư đánh bắt xa bờ, bởi khó thu hồi.
Ông Lâm Tấn Thanh- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú nhìn nhận, ngư dân chỉ có khai thác xa bờ mới có hiệu quả, còn khai thác gần bờ thì rất bấp bênh.
Cần giúp ngư dân bám biển
Tại kỳ họp HĐND tỉnh vào tháng 12/2013, Trà Vinh đã quyết định hỗ trợ hơn 12,3 tỷ đồng giúp ngư dân đóng mới tàu khai thác xa bờ. Chủ trương này đang thổi luồng sinh khí phấn chấn cho nhiều ngư dân hành nghề khai thác thủy- hải sản ở Trà Vinh.
Ông Phan Văn Cẩm (thị trấn Định An, huyện Trà Cú) bày tỏ: “Chúng tôi luôn mong muốn vươn ra ngư trường xa hơn, nhưng không có vốn để nâng cấp, sửa chữa tàu thuyền. Mới đây tỉnh có chính sách “trợ lực” ngư dân đóng mới tàu khai thác xa bờ nên ngư dân mừng lắm”.
Ông Phan Văn Hòa- người nhiều năm trong nghề khai thác biển- nói: “Tôi có 2 tàu, mỗi chiếc công suất 270CV đi đánh bắt hiệu quả không cao vì khi gặp thời tiết cấp 5, cấp 6 thì tàu không đủ khả năng đánh bắt. Nếu có vốn đóng tàu mới tàu từ 350- 400CV để vươn khơi xa, khả năng bám biển sẽ dài ngày hơn và hiệu quả sẽ cao hơn”.
Theo ước tính, tổng kinh phí thực hiện đề án sau 3 năm (2014- 2016), hơn 12,3 tỷ đồng từ ngân sách địa phương; đồng thời ngư dân đóng góp thêm từ nguồn vay vốn ngân hàng. Các nghề khai thác xa bờ được hỗ trợ gồm: nghề lưới vây, nghề lưới rê, nghề câu, tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá và nghề lưới kéo xa bờ,...
Chủ tàu cá tham gia đề án được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng để đầu tư đóng mới, mua mới hoặc cải hoán tàu đánh bắt xa bờ trong thời gian 3 năm. Theo đó, chính sách ưu đãi đối với đóng mới tàu là hỗ trợ 210 triệu đồng/tàu; cải hoán thay máy tàu công suất máy từ 250CV trở lên, mức hỗ trợ 105 triệu đồng/tàu; công suất máy từ 90CV đến dưới 250CV, hỗ trợ 75 triệu đồng/tàu.
Ông Trần Trung Hiền- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh cho biết, việc triển khai thực hiện đề án hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản xa bờ là rất cần thiết, nhằm hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, tạo tiền đề phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ ngày càng hiệu quả.
Phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 400 tàu cá công suất máy từ 90CV trở lên và năm 2020 là 700 tàu. Ngoài việc góp phần phát triển kinh tế biển, còn là nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trên biển.
Phát triển kinh tế biển không chỉ là vấn đề xóa đói giảm nghèo cho ngư dân và người dân ven biển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn vì mục tiêu bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững cương thổ quốc gia, đưa đất nước tiến lên giàu mạnh.
Năm 2013, tổng sản lượng thủy- hải sản tỉnh Trà Vinh ước đạt 154.574 tấn, tăng 5% so cùng kỳ. Trong đó, khai thác biển đạt khoảng 60.000 tấn. Tuy nhiên, do nguồn lực khai thác xa bờ hạn chế, sản phẩm thủy sản chủ yếu tiêu thụ nội địa nên giá trị kim ngạch xuất khẩu mang lại còn thấp so với tiềm năng và thế mạnh địa phương. |
Bài, ảnh: ĐÌNH CẢNH- KỲ DUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin