![](/file//e7837c027f6ecd14017ffa4e5f2a0e34/dataimages/201411/original/1076442_86420.jpg)
Đến Tam Bình những ngày này sẽ thấy từng hàng hoa cúc, vạn thọ, hướng dương đang phơi mình dưới nắng một màu vàng óng, hòa với không khí rộn ràng, vui tươi của mùa xuân làm nên bức tranh quê yên bình và trong trẻo...
Đến Tam Bình những ngày này sẽ thấy từng hàng hoa cúc, vạn thọ, hướng dương đang phơi mình dưới nắng một màu vàng óng, hòa với không khí rộn ràng, vui tươi của mùa xuân làm nên bức tranh quê yên bình và trong trẻo...
Những chậu hoa vạn thọ được chăm sóc cẩn thận trước khi mang ra chợ bán.
Hôm chúng tôi tới thăm cũng vào lúc anh Nguyễn Thanh Hùng (ấp Phú Sơn A, xã Long Phú) đang chăm chút, tưới nước cho 700 chậu hoa vừa vạn thọ, thược dược, hướng dương chuẩn bị mang ra chợ tết.
Hơn chục năm nay, cứ vào tháng 10 âm lịch là anh bắt đầu trồng hoa thược dược, sau đó đến hướng dương và vạn thọ. Nhìn hàng hoa được chăm chút thẳng hàng, sắc vàng tươi tắn trông thật đẹp mắt, anh cười tươi: “Nhờ trồng hoa, tui có thể “bỏ túi” 5- 7 triệu đồng để ăn tết. Nay mai sẽ đem ra chợ Cái Sơn bán”.
Anh dự kiến sẽ bán hoa vạn thọ với giá 30.000- 45.000 đ/cặp; thược dược và hướng dương giá 60.000- 70.000 đ/cặp. Theo anh, chi phí năm nay cao hơn năm rồi, nhưng nhờ anh tận dụng phân rơm sẵn có tại địa phương nên giá bán ra không tăng nhiều.
Dẫn chúng tôi xem luống bông trồng có hàng lối rất đẹp mắt, anh La Văn Mỹ và chị Lê Thị Ra (ấp Phú Tân, xã Phú Lộc) vui như… tết. Anh chị chỉ có hơn 2 công đất nhưng chia ra trồng đủ loại hoa.
Khoảng 3 năm nay, anh chị phá bỏ vườn tạp chuyển sang trồng hoa màu. Nhờ có kỹ thuật chăm sóc tốt mà lứa bông tết năm nào, anh chị cũng bỏ túi vài chục triệu đồng.
Với khoảnh đất nhỏ trồng vạn thọ, “cứ 2 tháng/lần là bỏ túi hơn 1 triệu đồng khỏe re”. Cầm cặp hoa dừa Thái trên tay, chị Ra khoe: “Đây là giống hoa tui mới nghiên cứu để bán vụ tết này”. Bên cạnh, số lượng cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, Hà Lan, mai dạ thảo cũng được nhân số lượng gấp đôi để đón tết. Theo anh Mỹ: “Yêu cầu trồng bông cho đẹp, thì dù có “đụng chợ” cũng không cần phải lo”.
Với 25 năm theo nghề, anh Nguyễn Văn Hiệp (ngụ ấp Phú Sơn A, xã Long Phú) có thể tự tin: “không sợ dội chợ” vì hoa của anh trồng đẹp và tươi tốt hơn hẳn. Ngoài việc kéo rơm về tận dụng làm phân bón, anh còn tự để giống, gieo hột trồng hướng dương, thược dược. Đặc biệt, với kinh nghiệm nhiều năm trồng hoa tết lại là người tiên phong “truyền nghề” lại cho các hộ lân cận, anh có “chiêu” riêng để chăm sóc nên hoa của anh luôn trội hơn, vì thế chỉ cần mang ra chợ bán là anh hết hàng sớm.
Từ xa, nhìn thấy hàng hướng dương trổ bông vàng rực, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Anh cho biết: “Tui thường đăng ký lô bán ở chợ Ba Càng. Với những chậu hoa hướng dương như thế này, tui dự kiến sẽ bán 80.000 đ/cặp, thược dược 50.000 đ/cặp, vạn thọ 40.000- 50.000 đ/cặp. Tết này cũng kiếm được tiền ăn tết và dư chút đỉnh để dành”.
Anh kể, đây là nghề cha truyền con nối, nhờ nghề này mà cuộc sống gia đình anh ngày càng tốt hơn, không còn cảnh “mượn tiền ăn tết” như trước nữa. Những năm gần đây, nhiều bà con trong xóm thấy anh làm ăn có hiệu quả nên tìm đến học hỏi, được anh truyền đạt kinh nghiệm và trồng thử nên diện tích trồng hoa tết đang được nhân rộng. Cái hay là mỗi hộ tìm cho mình một chợ để bán nên khỏi phải lo “đụng hàng”.
Nghề trồng hoa bán tết nơi đây tuy không “rầm rộ” như các xứ xở hoa Cái Mơn, Sa Đéc, nhưng nhiều năm nay đã mang lại cho những hộ nông dân một cái tết đầy đủ, ấm áp, đoàn viên bên gia đình.
Bài, ảnh: YẾN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin