Xây dựng thương hiệu “hạt ngọc” đồng bằng

07:12, 10/12/2013

Được mệnh danh là cường quốc xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn Thái Lan từ 10- 20 USD/tấn. Vì sao?


Chất lượng lúa, gạo Việt Nam chưa thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường xuất khẩu.

Được mệnh danh là cường quốc xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn Thái Lan từ 10- 20 USD/tấn. Vì sao?

Theo các chuyên gia, bên cạnh yếu kém hệ thống kho bãi phục vụ phơi sấy, cánh thương lái ở ĐBSCL còn “đấu” nhiều giống lúa với nhau sau khi thu mua, làm giảm giá trị hạt gạo trên thị trường xuất khẩu.

Lúa trộn, gạo đấu

Anh Minh Dũng- một thương lái đang thu mua lúa ở Tam Bình cho biết: Trước đây do ít giống lúa, một năm làm 2 vụ nên sau khi mua dễ phân loại, còn hiện đã tăng vụ, hàng chục thứ giống nên rất khó kiểm soát. “Nhiều giống lúa bây giờ cũng hao hao giống nhau nên cũng dễ trộn. Mua lúa trong dân còn phân biệt chứ xuống ghe trộn chung lại, thường gọi lúa dài, lúa tròn, gạo 5% tấm hay 10% tấm chứ ít khi phân biệt rạch ròi”- anh Dũng cho biết thêm.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, gạo Việt Nam phẩm chất kém là do nông dân sản xuất và bảo quản sau thu hoạch yếu. Lúa ở ĐBSCL chủ yếu thu hoạch vào mùa mưa lũ và các tỉnh bị ngập úng nhiều, như Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp… Nông dân làm ruộng chưa chú ý đến nâng cao, cải tiến lúa có phẩm chất cao.

Còn theo PGS.TS Phạm Văn Dư- Cục phó Cục Trồng trọt, với hàng trăm nhãn mác gạo khác nhau hiện diện trên thị trường với đủ loại chất lượng sẽ tạo sự phong phú thị trường lúa gạo nhưng ngược lại sẽ khó có tiêu chuẩn xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

“Đa số doanh nghiệp không đủ năng lực mua tập trung, phải gom từng lô hàng nhỏ lẻ để xuất khẩu nên xảy ra chuyện “đấu” gạo. Bên cạnh đó, quy mô hệ thống kho bãi nhỏ không dự trữ được khi thu hoạch cũng làm cho chất lượng gạo suy giảm”- anh Dũng cho biết thêm.

Còn theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: “Lúa phơi không đủ nắng nên qua hệ thống sấy, hạt gạo không đạt chất lượng, xỉn màu xảy ra chuyện kỳ kèo trong các hợp đồng xuất khẩu ngày phổ biến”.

Xây dựng thương hiệu hạt gạo

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện tại do nhu cầu của thế giới tăng cao, nên nông dân bán gạo với giá cao. Tuy vậy, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam lại kém hẳn so với gạo của Thái Lan. Những thị trường nhập khẩu gạo cao cấp trên thế giới, hiện vẫn do Thái Lan nắm giữ.

Hiện Myanmar đang sản xuất 2 vụ lúa/năm và Campuchia đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống thủy lợi canh tác lúa. Mặt khác, các nước Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… sẽ tăng sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo, vì vậy Bộ Nông nghiệp và PTNT; Bộ Công thương đang thay đổi chiến lược xuất khẩu và tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo. Trong đó, mô hình cánh đồng mẫu lớn được ưu tiên chọn lựa.


Không đủ năng lực mua tập trung nên các thương lái thường “đấu” lúa trong quá trình thu mua.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho biết: Những năm gần đây, mô hình cánh đồng mẫu lớn, quy trình canh tác cùng một loại giống, gieo sạ thu hoạch đồng loạt và có doanh nghiệp bao tiêu đang hé mở hướng đi tốt. Thực tế đã có một số doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu ký hợp đồng với hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất giống lúa xác nhận để có lúa thuần, chất lượng gạo đồng nhất để xây dựng thương hiệu, bán có giá cao.

Có nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển thương hiệu gạo Việt phải thay đổi tư duy, phải có thời gian và các điều kiện.

Ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, điều cơ bản trước tiên cần phải có các giống lúa chất lượng, nhưng phải bảo đảm số lượng và chất lượng gạo theo từng phân khúc thị trường để quảng bá và tiếp thị. Nhưng đến khi có thị trường thì tính ổn định, bền vững của loại giống này cũng phải được quan tâm. Gạo Việt Nam không cạnh tranh được trên thị trường xuất khẩu là do cách quản lý và phân phối giống còn bất hợp lý.

Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, phải đi từ cơ sở, từ nông dân làm ra sản phẩm vì trước nay nông dân tự quyết định trồng loại gì, giống gì, tiêu chuẩn nào dựa trên cảm tính mà chưa có đánh giá đúng mức thị trường.

Những năm 1990, gạo xuất khẩu của Việt Nam đa phần là gạo chất lượng thấp (35- 45% tấm). Hiện, tỷ lệ gạo 5- 10% tấm đã ở mức trên 50%. Tuy nhiên tỷ lệ gạo chất lượng cao, gạo thơm cho những thị trường xuất khẩu cao cấp vẫn còn ít.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh