Vinh danh miền Tài tử

06:12, 07/12/2013

Tại TP Baku- Azerbaijan, UNESCO vừa vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tại TP Baku- Azerbaijan, UNESCO vừa vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

So ra, trong số các di sản, đờn ca tài tử thuộc loại “trẻ tuổi” nhất, mới chỉ hơn trăm năm. Bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian, đờn ca tài tử có sức sống mạnh mẽ trong đời sống người dân nông thôn Nam Bộ, được trao truyền rất tự nguyện và “hồn nhiên” qua nhiều thế hệ. Người Nam Bộ ít ai biết mình đã học ca ở đâu và ai là thầy dạy. Cứ đi, cứ nghe và cứ ca- như thấm vào máu thịt.

Tài tử, nên những người đờn người ca đều là bạn bè lối xóm, bà con họ hàng, thậm chí cả gia đình mấy thế hệ, không câu nệ trẻ già cũng đều chơi chung, ca chung. Vui là vui điệu hát câu hò, vui là vui ngón đờn điêu luyện. Nên cũng không ai chú trọng xem người ca diễn mặc gì, trang phục ra sao. Cứ áo bà ba, quần vải đen cũng đủ thành nghệ sĩ đêm trăng.

Ban nhạc tài tử có đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân đôi chút với cây guitar phím lõm. Kho tàng âm nhạc tài tử Nam Bộ vô cùng phong phú về bài bản, đa dạng về hơi điệu, nhưng vẫn bảo đảm âm luật hẳn hoi, từ cách ôm đàn, so dây tới gõ nhịp song loan. Nhạc cũng có thứ lớp, bài bản Nam , Bắc, Oán, Vọng cổ… Nhưng ban nhạc thì “một trời tài tử”, là anh Bảy đờn cò ngẫu hứng cùng chú Tám guitar phím lõm. Những cung bậc buồn vui hòa giọng ca chân chất mượt mà của chị Chín, cô Hai.

“Sàn diễn” càng tài tử hơn, một bữa tiệc rượu sân nhà ai đó hay quanh đám tre ngà đêm sáng trăng… Người ca, người nghe cũng không hề phân biệt. Đang gật gù nghe mà gặp câu mùi, thấm ý cũng… ca luôn nửa bản phụng hoàng hay một khúc nam ai. Tài tử và ngẫu hứng- đậm chất phương Nam , tràn trề nghĩa làng tình xóm.

Đờn ca tài tử đã được vinh danh tầm thế giới, đã trở nên “sang trọng” hơn, nói như anh bạn ghiền sáu câu “từ nay tui ca vọng cổ là ca có thương hiệu đàng hoàng đó nghe”. Nhưng rất đồng ý với Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam ): cứ để đờn ca tài tử phát triển tự nhiên như nó vốn có là cách bảo tồn hiệu quả nhất.

PHƯƠNG NAM

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh