Thực hư chuyện Phật hiện thân trên cây

06:12, 23/12/2013

Mấy ngày qua người dân huyện Tam Bình đồn thổi việc về đêm, đức Phật hiện thân ngự trên ngọn cây sao của một hộ dân phía sau chùa Phước Sơn (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình). Những người hiếu kỳ trong khu vực đến xem rồi dần dần tin lan truyền đến các nơi khác trong và ngoài tỉnh, làm mất trật tự an ninh địa phương.


Ảnh chụp từ xa, phía Đường tỉnh 904 nhìn vào, ngọn cây có dáng Phật tọa.

 

Còn ở góc độ khác thì tán cây vẫn bình thường

Mấy ngày qua người dân huyện Tam Bình đồn thổi việc về đêm, đức Phật hiện thân ngự trên ngọn cây sao của một hộ dân phía sau chùa Phước Sơn (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình). Những người hiếu kỳ trong khu vực đến xem rồi dần dần tin lan truyền đến các nơi khác trong và ngoài tỉnh, làm mất trật tự an ninh địa phương.

Tối 17/12/2013 nhằm ngày 15/11 Quý Tỵ, tại chùa Phước Sơn tổ chức đêm nhạc mừng ngày Khánh đản đức Phật A Di Đà.

Để chuẩn bị đêm lễ, chùa Phước Sơn trang hoàng lễ đài rực rỡ với đèn lồng, đèn cao áp. Nhờ ánh đèn đêm lễ, 3 cây sao của hộ dân phía sau chùa được phủ sáng, làm ngọn cây rực sáng lung linh huyền ảo… Có người tưởng tượng ra hình đức Phật ngự tọa trên cây và cho rằng “đức Phật hiện thân”. Thế là theo tin đồn, người hiếu kỳ kéo đến ngày càng nhiều.

Thỏa sức tưởng tượng

Chúng tôi có mặt tại chùa Phước Sơn vào khoảng 19 giờ đêm 22/12/2013. Trên đoạn Đường tỉnh 904 cách cổng chùa khoảng 500m, đông nghẹt người hiếu kỳ, có cả mấy chiếc ôtô đậu. Lực lượng Công an huyện Tam Bình phải túc trực để giữ trật tự và điều tiết giao thông.  

Trong cái lạnh đầu Đông, khi đến nơi mọi người còn mặc áo lạnh, nhưng chỉ vài phút sau thì mồ hôi đã ướt áo. Xung quanh, nhiều người bàn tán “Kìa, Phật Như Lai”, có người nói “Phật Bồ Tát”, có người nói “Đường Tam Tạng”… theo sự tưởng tượng của mình.  Vừa thấy tôi lấy máy ảnh ra chụp, một bà khoảng 50- 60 tuổi khều vai hỏi: “Chú chụp được hình không?”

Tôi trả lời được, bà ấy xuýt xoa: “Vậy là chú có phước lắm nghen, mấy bữa nay có nhiều người chụp nhưng không được. Chú nhớ rửa cho tui một tấm nghe, bao nhiêu tiền cũng được” Rồi bà xoắn xít hỏi địa chỉ “để mai mốt lấy hình”. Vòng vào khuôn viên chùa, nơi khoảng đất trống mới vừa được dọn cỏ cây hình như để xây dựng gì đó, nhiều người đang quỳ hướng về lùm cây lạy lấy lại để.

Tiếp tục nhấp máy vài cái nữa thì nghe một chị khoảng hơn 40 tuổi nói: “Giờ này chụp chưa đẹp bằng lúc nửa đêm, có hào quang đẹp lắm”.
 
Một người khác nói chen vào: “Tui có thấy gì đâu, chỉ là tàng cây có ánh sáng đèn pha vào mờ mờ ảo ảo thôi”. Chị kia nổi nóng: “Thử giờ đó xem đi, coi lạy hông cho biết…” Một sư cô đứng sau nói: “Đúng vậy, khoảng nửa đêm đẹp hơn, vì lúc ấy có nhiều sương nên… giống như có hào quang”.

Tiến vào gần sân chùa, một số người chen nhau đi ra nói: “Ở ngoài thấy vậy chứ vô gần thì chỉ là tàng cây thôi…”

Một anh đậu xe sát vào lề đường vào chùa nói nhỏ: “Có gì đâu, đèn sáng rực phản chiếu lên tàng cây, rồi người này người kia tưởng tượng, bàn tán. Nhưng mà nhờ vậy đêm nào tui cũng có người bao xe ôm chở đi xem, kiếm chút đỉnh!”

Đang lúc người người sôi nổi bàn tán thì một cảnh sát giao thông kêu cảnh sát trật tự: “Gọi xe cấp cứu, có người xỉu”. Vài phút sau, xe cứu thương Bệnh viện Đa khoa  Tam Bình đến. Một cô gái khoảng 23- 24 tuổi được đưa lên xe. Mẹ cô lắc nhẹ hỏi có sao không, cô gái trả lời yếu ớt “… mệt quá!”

Đến 21 giờ, người đến xem vẫn không ngớt. Chỉ đến khi nhà chùa tắt đèn, mọi người mới lần lượt ra về...

Những người hàng đêm chứng kiến nói gì?

Sáng hôm sau (23/12), chúng tôi trở lại đây. Chị Thủy, nhà ở cạnh cổng chùa thấy chúng tôi thấy chúng tôi dừng xe, liền nói: “Đèn pha chiếu qua sáng trưng, đứng từ xa cứ tưởng tượng này nọ. Đồng ý là đèn điện chiếu qua nhìn lên tàng cây đẹp thiệt, nhưng tui tưởng tượng không ra… Mấy ngày nay xe cộ rần rần tới khuya mệt chết”.

Chúng tôi vào chùa, những người làm công quả cho biết sư cô Vạn- trụ trì- đi họp mặt ở Giáo hội Phật giáo tỉnh; sư cô Thắng- phó trụ trì- đang thiền.

Chú Đường- người làm công quả trong chùa nói:

“Tất cả tùy duyên mỗi người, có hay không thì nhà chùa cũng không dám khẳng định, ai thấy được thì có phước có phần”. Chú Đường cho biết có ra lộ đứng xem một lần vào ban đêm, rồi vào chùa, ai hỏi gì cũng không dám nói.

Chị bán quán cà phê và tạp hóa gần chùa cho biết, 2 hôm trước có một phụ nữ đến quán hỏi mua mì chay và nhờ chị nấu dùm nhưng chị không nấu, dù bà này nói từ sáng tới giờ đi từ TP Hồ Chí Minh tới chưa ăn gì hết.
 
Chị sợ bán cho người này, người kia làm ảnh hưởng đến an ninh địa phương nên nói với bà ấy “Bà cứ nhịn đói rồi… sẽ mau thấy phật”. Chị nói “Nhìn ra hướng đó thấy tàng cây có ánh đèn chiếu vào sáng sáng vậy thôi mà đêm nào cũng có người kéo đến rần rần làm mệt cả công an và chính quyền địa phương”.


 Lực lượng công an huyện Tam Bình vất vả giữ trật tự ATGT.

Rời quán cà phê, theo sự chỉ đường của chị chủ quán, chúng tôi tầm đến chủ nhà có cây sao nọ. Gặp chị Trần Thạch Gồng- chủ nhà, chị cho biết: Chị về đây làm dâu đã hơn 20 năm, hồi mới về đã thấy có cây sao này rồi, chẳng những một cây mà 3 cây mọc sát bụi tre. Má chồng chị nói lại, đến nay cây sao cũng khoảng 90 năm tuổi (bề hoành khoảng 8 tấc).

Vừa nói, chị Gồng dắt chúng tôi ra sau vườn xem cây. “Mấy ngày nay đi đâu cũng có người chỉ nói “đó, chủ cây sao có Phật đó”, làm tui ngại muốn chết”- chị Gồng bẽn lẽn nói. Chị cho biết, mấy hôm đầu nghe đồn, chị ra lộ xem nhưng cũng không tưởng tượng được gì. “Tui ở nhà, ít đi chùa lắm, rằm thì thỉnh thoảng ăn chay, rồi thờ cúng ông bà, cũng tín ngưỡng Phật trời, nhưng nhìn có thấy gì đâu”- chị nói.

Ông Nguyễn Tấn Tiến- Phó Chủ tịch MTTQ huyện Tam Bình khẳng định, ông đã đến xem thực hư trong ngoài và hiện tượng trên là do ánh đèn từ sân lễ phản chiếu vào, tạo viền sáng trên tàng cây và một số người giàu tưởng tượng đã đồn thổi thêm…

Bài, ảnh: HÙNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh