Tái cơ cấu nông nghiệp- vấn đề cấp thiết

07:12, 06/12/2013

Trong phiên thảo luận hôm qua (5/12), các đại biểu HĐND tỉnh tập trung xung quanh kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội, công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong năm 2013 và phương hướng năm 2014. Trong đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Trong phiên thảo luận hôm qua (5/12), các đại biểu HĐND tỉnh tập trung xung quanh kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội, công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong năm 2013 và phương hướng năm 2014. Trong đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.


Chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn là đưa khoa học công nghệ áp dụng cho sản xuất để có năng suất, hiệu quả cao hơn.
Ảnh: DƯƠNG THU

Nỗ lực nhiều nhưng… vẫn khó

Năm 2013, giá trị sản xuất toàn ngành nông lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 18.948 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2012, trong đó ngành nông nghiệp tăng 1,8%, còn ngành thủy sản giảm 3,28%.

So cùng kỳ năm trước, cây lúa giảm cả 3 mặt: diện tích giảm 2,1%, năng suất giảm 0,3%, sản lượng thu hoạch giảm 2,74%. Cây màu có phần khởi sắc hơn. Do nhiều loại cây màu trúng mùa, được giá, cho thu nhập khá đã thúc đẩy phong trào trồng màu phát triển. Diện tích gieo trồng các loại cây màu ước đạt trên 43.000ha và sản lượng cả năm trên 876.000 tấn.

So với những tháng đầu năm 2013, đàn vật nuôi có bước phục hồi khá nhanh do giá tiêu thụ một số sản phẩm đã tăng trở lại và người nuôi có lãi. Giá heo hơi tăng 19%, giá gà công nghiệp tăng 54%, giá vịt tăng 9% so cùng kỳ năm 2012.

Nghề nuôi thủy sản tiếp tục gặp khó do giá cá tra nguyên liệu luôn ở mức thấp, có thời điểm giá bán dưới giá thành nên người nuôi thua lỗ, việc đầu tư nuôi thả mới vì thế cũng hạn chế. Hiện, dù có nhiều mô hình nuôi thủy sản như cá điêu hồng, cá lóc, lươn,… đang phát triển và cho hiệu quả kinh tế khá nhưng do quy mô nuôi nhỏ, chiếm tỷ trọng thấp nên chưa có tác động nhiều đến tăng trưởng chung của ngành thủy sản.

Giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản năm 2013 tăng chỉ 1% dù được ghi nhận là có bước chuyển vì những tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng của ngành “âm” 0,76% nhưng so với chỉ tiêu đề ra từ 3- 3,5% thì sự tăng này quả là rất thấp.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Đại biểu Nguyễn Văn Trí (đơn vị huyện Long Hồ) phân tích khá chi tiết những nguyên nhân khiến giá trị nông- lâm- thủy sản đạt thấp. Ngoài các nguyên nhân như công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và cây trồng chưa hữu hiệu, kịp thời; giá cả mặt hàng nông sản sút giảm và kéo dài, ông cũng nhấn mạnh công tác quản lý thị trường chưa được chặt chẽ dẫn đến giá cả vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi cứ tăng liên tục, trong khi giá đầu ra của sản phẩm giảm thấp buộc người nông dân phải bỏ chuồng trại, treo ao.

Đại biểu Nguyễn Văn Nghiệm (đơn vị huyện Mang Thít) cho rằng phải xác định kỹ trồng cây gì, nuôi con gì, cây nào là cây chủ lực để có sự quy hoạch chứ trồng theo kiểu “da beo” (không quy hoạch, tự phát) thì không thể phát triển lâu dài.

Ông cụ thể vấn đề nuôi trồng thủy sản “lúc lên, lúc xuất khẩu được thì vỗ tay hoan nghênh, lên đài, lên báo, mạnh ai nấy nuôi; đến khi không xuất khẩu được thì rơi vào… khủng hoảng thừa, không bán được”.


Mô hình lúa chất lượng cao tại Hiếu Phụng (Vũng Liêm).
Ảnh: TÂM UYÊN

Liên quan đến cây lúa, đại biểu Nguyễn Văn Lê (đơn vị huyện Trà Ôn) đề cập đến cánh đồng mẫu lớn. Ông cho rằng, qua hơn 2 năm thực hiện, số diện tích được đưa vào cánh đồng mẫu lớn còn quá… khiêm tốn.
 
Điều này cho thấy việc đầu tư chưa được thỏa đáng; việc liên kết, liên doanh chưa được mở rộng, các ngành chức năng chưa có sự quan tâm đúng mức để cho dân tự sản, tự tiêu nên sản xuất không có lời. Ông khẳng định: Trong sản xuất nông nghiệp, không liên kết liên doanh thì không thể đưa nông nghiệp phát triển bền vững được!

Đại biểu cho rằng tái cơ cấu ngành nông nghiệp là điều cần thiết. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phan Nhựt Ái cho biết, hiện ngành cũng đang xây dựng đề án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh làm thế nào mở rộng thị trường tiêu thụ.

Việc nuôi con gì, trồng cây gì ngành cũng sẽ nghiên cứu để làm thế nào tăng thu nhập cho người dân.

Đó cũng là một trong những nhiệm vụ được UBND tỉnh đề ra lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2014 là tập trung xây dựng, triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững, trong đó chú trọng củng cố, nâng cao các tổ chức hợp tác nhằm đủ sức thực hiện hợp đồng liên kết; tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp nhất là những sản phẩm chủ lực, có thương hiệu.

Vấn đề này cũng được Bí thư Tỉnh ủy Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh trong phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp: Tỉnh ủy sẽ bàn và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó xác định những ngành nghề, lĩnh vực, giống cây, vật nuôi chủ lực để phát huy thế mạnh của tỉnh!

THANH TÂM- DUY UYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh