Bà Soi thuộc ấp Hồi Tường (xã Xuân Hiệp)- là vùng sâu và cũng là căn cứ địa cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến, giành độc lập dân tộc của huyện Trà Ôn. Chỉ vài năm xa cách, nay trở lại đã cho thấy Xuân Hiệp có biết bao thay đổi.
“Sông Măng Thít có dòng nước xoáy
Rạch Bà Soi nước chảy vòng cung”...
Bà Soi thuộc ấp Hồi Tường (xã Xuân Hiệp)- là vùng sâu và cũng là căn cứ địa cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến, giành độc lập dân tộc của huyện Trà Ôn. Chỉ vài năm xa cách, nay trở lại đã cho thấy Xuân Hiệp có biết bao thay đổi.
Vùng quê này vốn có rất nhiều con đường đất, những chiếc cầu lắt lẻo gập ghềnh nay đã được thay thế bằng những con đường nhựa, đường đan và cầu bê tông vững chắc; nhiều nhà lá lụp xụp cũng đã được thay bằng những ngôi nhà tường khang trang. Những ngôi trường tạm bợ đều được kiên cố hóa… Tất cả đều cho thấy Xuân Hiệp hôm nay đã đổi thịt thay da.
Với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể; những năm gần đây, Xuân Hiệp đã tạo được sự đột phá mạnh mẽ để phá thế độc canh cây lúa, bằng việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN- TTCN) và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp.
Kết quả của bước đột phá ấy là từ chỗ sản xuất CN- TTCN gần như con số không ngày nào thì vùng quê ấy nay có đến 5 cơ sở quy mô vừa và nhỏ như: xí nghiệp xay xát lương thực, Công ty Chế biến lương thực Xuân Hòa, Công ty CP Nhựa Sao Việt, DNTN Sản xuất- Thương mại Anh Khoa, nhà máy xay lúa Thành Tiền.
Hiện tại hoạt động CN-TTCN và thương mại đã giải quyết việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 890 lao động.
Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, những năm qua Xuân Hiệp đã chuyển đổi hàng trăm hecta đất trồng lúa kém hiệu quả, lên liếp lập vườn trồng cây ăn trái. Đến nay, diện tích vườn của xã này có đến 475ha, tăng hàng trăm hecta so với năm 1995; trong đó có hơn 350ha cho thu nhập.
Với những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như cây có múi, xoài, sầu riêng, măng cụt và nhãn, nhà vườn ở vùng quê này có được thu nhập cao gấp 2- 3 lần so với trồng lúa. Đáng chú ý nữa là Xuân Hiệp hôm nay còn có 74ha vườn đang cho thu nhập được trồng xen cây ca cao, nhằm tăng thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích.
Ngoài kinh tế vườn, nông dân vùng quê này giờ đây cũng bắt đầu đến với cây màu. Dù đây là cây trồng còn khá mới, nhưng từ đầu năm đến nay, diện tích màu ở Xuân Hiệp đã có đến hơn 21ha, phần lớn trong số đó được trồng xen canh trên chân đất lúa.
Điều này cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thực sự được nông dân địa phương đặc biệt quan tâm.
Trong chăn nuôi, bên cạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho vật nuôi, nhằm hạn chế tổn thất từ dịch bệnh, nông dân, ở đây còn rất quan tâm trong việc chọn những vật nuôi chi phí đầu tư thấp, nhất là về thức ăn.
Minh chứng là năm 2013, đàn heo, đàn gia cầm ở Xuân Hiệp không tăng, hoặc tăng không đáng kể, thì đàn bò tăng đến hàng trăm con.
Nâng tổng đàn vật nuôi này toàn xã lên 810 con, trở thành một trong những địa phương có tổng đàn bò nhiều nhất huyện Trà Ôn. Đây là vật nuôi không chỉ phù hợp tập quán của nông dân, chi phí đầu tư thức ăn thấp mà hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, so với nhiều vật nuôi khác ở địa phương.
Nói về sự thay da đổi thịt của địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa- Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và sự đồng thuận cao của người dân trong việc phá thế độc canh cây lúa bằng phát triển CN- TTCN và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý nên tình hình kinh tế và đời sống xã hội ở Xuân Hiệp đã có bước vươn lên rất đáng kể.
Bằng chứng là đến năm 2013 này, hộ nghèo ở đây chỉ còn 173 hộ, chiếm 5,51% so với tổng số hộ trên địa bàn, giảm 53 hộ so với cuối năm 2012; trong tổng số 2.287 nhà ở trên địa bàn chỉ còn 60 nhà cây, lá; còn lại đa phần đã kiên cố và bán kiên cố.
Về điện, có 2.226 hộ đưa được điện vào nhà sử dụng qua điện kế của gia đình, chiếm 98,9% tổng số hộ ở địa phương. Về nước sạch, 100% hộ có hệ thống cung cấp nước của các nhà máy đi qua đều sử dụng nước máy; còn số hộ ngoài hệ thống cung cấp nước thì sử dụng nước mặt sau khi được xử lý.
Vẫn theo lời Bí thư Đảng ủy xã, nhờ kinh tế gia đình phát triển, nên người dân càng chung sức chung lòng xây dựng quê hương. Năm 2013, người dân Xuân Hiệp đã đóng góp hàng trăm triệu đồng, hiến trên 10.000m2 đất đang sản xuất (quy thành tiền khoảng 1,2 tỷ đồng) để xây dựng giao thông nông thôn và giao thông kết hợp thủy lợi đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của trên và các chương trình mục tiêu quốc gia, cộng với sự đóng góp của người dân địa phương, Xuân Hiệp đã có được 5km đường tỉnh cũng là đường liên xã; trong 16,6km đường liên ấp thì đã có 11,9km đạt chuẩn đường nông thôn mới; 32,8km đường vào cụm dân cư thì đã có 19,6km đạt chuẩn nói trên.
Cả 4 điểm trường gồm mẫu giáo, 2 tiểu học và THCS đều được kiên cố hóa; trong đó có 2 trường đã đạt chuẩn cấp quốc gia. Trụ sở làm việc, chợ và trạm y tế cũng đã được đầu tư xây dựng xong từ nhiều năm trước. Theo chuẩn xã nông thôn mới, đến nay Xuân Hiệp đã hoàn thành 8 tiêu chí, trong đó có 2 tiêu chí vừa đạt được trong 6 tháng đầu năm và đang phấn đấu hoàn thành thêm tiêu chí về y tế trong cuối năm nay.
Nước sông Măng ngày đêm lên xuống, rạch Bà Soi nước vẫn chảy vòng cung, như lòng người dân vùng quê ấy trước sau một lòng thủy chung với cách mạng.
TRỌNG DÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin