Với đặc điểm của vùng sông nước, kinh rạch chằng chịt, cùng với các yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập và thách thức về biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển hệ thống đô thị bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Với đặc điểm của vùng sông nước, kinh rạch chằng chịt, cùng với các yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập và thách thức về biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển hệ thống đô thị bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
“Phát triển đô thị xanh, bền vững là vấn đề bức xúc của cuộc sống, nhất là trước nhu cầu xây dựng và phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới” - ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phát biểu khi đề cập đến vấn đề “Liên kết phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh”.
|
Thành phố Vĩnh Long xanh - sạch - đẹp. |
Xác lập không gian đô thị
Phát triển đô thị là phương thức, động lực để phát triển kinh tế, xã hội của mỗi khu vực, vùng miền, địa phương. Khu vực ĐBSCL được xác định là một trong 6 vùng đô thị cơ bản của cả nước. Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thời gian qua, đô thị vùng có nhiều thay đổi diện mạo, kiến trúc, cảnh quan. Các đô thị đã và đang không ngừng thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc.
Đến nay, toàn vùng có 158 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I trực thuộc Trung ương, 3 đô thị loại II, 12 đô thị loại III, 15 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Hệ thống đô thị phân bố theo hành lang dọc hệ thống sông chính và các trục giao thông quan trọng của vùng như các hành lang Tây sông Hậu, Tây sông Tiền và sông Cổ Chiên, Đông sông Tiền, đô thị ven biển Đông; ven biển Tây, Quốc lộ 1A từ TP. Hồ Chí Minh đến Cà Mau.
Sau hơn 4 năm thực hiện Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính Phủ, đến nay bước đầu trong vùng đã hình thành các vùng và hành lang phát triển không gian theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.
Theo đó, các vùng đô thị trung tâm (gồm đô thị hạt nhân là TP. Cần Thơ với các đô thị vệ tinh độc lập là Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long); vùng phụ cận (gồm các đô thị Ô Môn, Cái Răng, Bình Minh, An Châu, Phú Hội, An Hữu, Cái Tàu Hạ, Mỹ Thọ và Thanh Bình) và vùng đối trọng (với các đô thị tỉnh lỵ Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu, Vị Thanh, Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Bến Tre và Tân Thạnh) đã hình thành; đồng thời, các hành lang phát triển không gian đô thị đã được xác lập.
Còn tính từ thời điểm sau Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL được phê duyệt, toàn vùng có 13 đô thị được nâng loại, trong đó 1 đô thị nâng lên loại II, 2 đô thị loại III và hình thành mới 6 đô thị loại V.
Cùng với sự phát triển đô thị, các chuyên gia cho rằng, các đô thị trong vùng đã và đang đối mặt với không ít vấn đề như sự phát triển nóng về không gian đô thị không đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật (chưa hoàn chỉnh hoặc chưa có) dẫn đến tình trạng kẹt xe, ngập lụt cục bộ, ô nhiễm.
Mặt khác, năng lực quản lý, trình độ quy hoạch đô thị chưa theo kịp sự phát triển nên ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống, sinh hoạt của một bộ phận không nhỏ người dân. Việc liên kết giữa các đô thị trong vùng chưa đồng bộ, chặt chẽ. Các đô thị nằm trong những khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu…
Tôn trọng “cấu trúc đô thị nước”
Theo các chuyên gia của Bộ Xây dựng, hệ thống đô thị của ĐBSCL có đặc trưng sông nước, có nhiều tiềm năng để phát triển trở thành một khu vực đô thị năng động của cả nước. Song, những tiềm năng đó cũng chính là những thách thức cho việc phát triển trong tương lai. Đó là khu vực có hệ thống đô thị khá lớn, địa hình trũng thấp, nhiều kinh rạch đã và đang là một trong những khu vực chịu tác động rõ ràng và nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Trong khi đó, theo TS.KTS. Trần Thị Lan Anh và Ths. Lê Hồng Thủy, dự báo đến năm 2015, toàn vùng sẽ phát triển lên 192 đô thị và đến năm 2020 là 204 đô thị. Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2012, khi nước biển dâng lên 1 m, 13 tỉnh, thành trong vùng đều có nguy cơ ngập nặng, trong đó có 63 đô thị có nguy cơ ngập cao. Bên cạnh đó, nước biển dâng, mưa trễ, nước ngọt đổ về ít hơn, nhiều tỉnh (trong đó có đô thị) sẽ bị nước mặn xâm nhập sâu.
Tại vùng ngập lũ, khu vực ngập sâu hơn 3 m có 9 đô thị, với khoảng 220 ngàn người chịu tác động; khu vực ngập từ 2-3 m có 6 đô thị, với khoảng 81 ngàn người chịu tác động; khu vực ngập từ 1 - 2 m có 18 điểm đô thị, với dân số khoảng 700 ngàn người chịu tác động và 23 điểm đô thị nằm trong khu vực ngập dưới 1 m.
Chính vì thế, việc liên kết phát triển đô thị bảo vệ nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên và môi trường là một trong những vấn đề cần được ưu tiên thực hiện tại vùng. Để phát huy lợi thế, tiềm năng về đất đai, mặt nước với hệ thống sông ngòi chằng chịt, rừng ngập mặn, vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả của cả nước, các chuyên gia cho rằng, các đô thị ĐBSCL cần liên kết với nhau và chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, đặc biệt theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái gắn với đồng ruộng, miệt vườn, sông nước, biển đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, cho rằng: Việc phát triển đô thị trong vùng ĐBSCL cần tính đến yếu tố sông nước. Trên cơ sở phân tích, nhận diện đặc trưng cơ bản tự nhiên, văn hóa, lối sống và thực tế của vùng, các đô thị ĐBSCL cần được phát triển theo “mô hình mạng lưới đô thị sông nước”.
Cụ thể, quy hoạch hệ thống đô thị trong vùng cần chủ động “dành chỗ cho nước” (vùng chứa nước, thoát nước…).
Đó là các giải pháp quy hoạch cần tạo ra nhiều không gian hơn cho nước, thay vì xây dựng các rào cản kỹ thuật chống chọi với nước; chủ động hơn nữa trong việc kết hợp với quy hoạch thủy lợi, tưới tiêu; xác định vùng chứa nước, thoát nước cho các mùa mưa lũ, triều cường… phù hợp với quy luật tự nhiên và có tính chủ động trong việc điều tiết, kiểm soát.
Quy hoạch đô thị phải đảm bảo Địa - Kinh tế - Sinh thái (thành phần tự nhiên và các thành phần kinh tế, xã hội có quan hệ sâu sắc và cân bằng) trong cấu trúc đô thị. Trong quy hoạch cần tôn trọng “cấu trúc đô thị nước”. Đó là đô thị có cấu trúc phát triển theo mô hình đa trung tâm được kết nối với hệ sinh thái, mặt nước tự nhiên hoặc vùng chứa nước, thoát nước trong đô thị với hệ thống thủy, bộ thuận tiện…
Khi chọn đất phát triển đô thị cần phải phù hợp với đặc điểm tự nhiên, coi trọng cấu trúc tự nhiên, điều kiện cụ thể của từng vừng, từng đô thị; lồng ghép với giải pháp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị với quản lý nước.
Theo Ấp Bắc Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin