Tập trung rà soát để kịp thời điều chỉnh hoặc xóa các quy hoạch không khả thi

06:12, 07/12/2013

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa VIII, UBND tỉnh nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhiều nội dung chất vấn của đại biểu HĐND, thay mặt cử tri về những vấn đề bức xúc cũng như trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Diệp đã “đăng đàn” trả lời chất vấn.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Diệp trả lời chất vấn.

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa VIII, UBND tỉnh nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhiều nội dung chất vấn của đại biểu HĐND, thay mặt cử tri về những vấn đề bức xúc cũng như trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Diệp đã “đăng đàn” trả lời chất vấn.

Quy hoạch phải phù hợp định hướng phát triển chung

Đại biểu Nguyễn Văn Lượng (đơn vị huyện Mang Thít) chất vấn: Nhiều đồ án quy hoạch đã quá thời gian điều chỉnh, có những quy hoạch đã được phê duyệt gần 10 năm vẫn chưa được điều chỉnh.

Do tầm nhìn lúc lập quy hoạch và diễn biến tình hình chung nên có những quy hoạch hàm chứa những yếu tố lạc hậu không khả thi, không xứng tầm… Tôi nghĩ đây là vấn đề bức xúc, trọng tâm, đề nghị ông Chủ tịch UBND tỉnh làm rõ vấn đề này và nêu hướng thực hiện trong thời gian tới như thế nào?

Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Diệp trả lời: Đối với quy hoạch xây dựng, thời gian qua, quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) đạt 85%.

Tuy nhiên, một số quy hoạch đã đến hạn điều chỉnh như: các phường thuộc TP Vĩnh Long và các khu đô thị thuộc các huyện- thị nhưng các ngành chức năng và UBND cấp huyện chưa kịp thời tham mưu cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện- thị- thành tiến hành rà soát, lập đồ án điều chỉnh quy hoạch đô thị phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Riêng TP Vĩnh Long, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1358 ngày 24/8/2012 giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP Vĩnh Long, các đơn vị có liên quan rà soát, điều chỉnh để đề nghị Bộ Xây dựng có văn bản thống nhất trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung trong năm 2014.

Đối với quy hoạch sử dụng đất, kỳ quy hoạch 2010- 2020 của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 87 ngày 21/12/2012 và UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của các huyện- thị- thành trong tháng 10/2013.

Hiện UBND cấp huyện đang thực hiện thủ tục phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp xã để công bố và niêm yết tại trụ sở UBND xã- phường- thị trấn trong quý I/2014; đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thẩm định quy hoạch sử dụng đất của các khu vực đô thị, để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo.

Tuy nhiên, do trước đây chưa đánh giá hết những biến động kinh tế- xã hội, năng lực của các đơn vị tư vấn và Hội đồng Kiến trúc quy hoạch còn hạn chế, nên tính khả thi của một số đồ án chưa cao. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch trong thời gian tới, mang tính khả thi cao, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp sau:

Xem xét, lựa chọn các tổ chức tư vấn quy hoạch có đủ năng lực, để thực hiện các đồ án quy hoạch, bảo đảm khi quy hoạch được phê duyệt có tính khả thi cao, phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh và của vùng.

Nếu cần thiết, sẽ mời tư vấn nước ngoài đề xuất ý tưởng hoặc trực tiếp lập đồ án quy hoạch hay tham gia phản biện đồ án quy hoạch. Tập trung rà soát để kịp thời điều chỉnh hoặc xóa các quy hoạch không khả thi.

Nâng cao năng lực và trách nhiệm của Hội đồng Kiến trúc quy hoạch tỉnh và các cơ quan chuyên môn trong việc xác định nhiệm vụ của đồ án quy hoạch và thẩm định chất lượng các đồ án quy hoạch trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong tiêu thụ sản phẩm

Thứ hai, ngành nông nghiệp đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất hiệu quả có khả năng chuyển đổi cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp của tỉnh nhà, đem lại lợi ích cho nông dân. Nhưng tại sao việc nhân rộng mô hình chậm, không phát huy hiệu quả. Nguyên nhân tại sao? Hướng chỉ đạo thực hiện tới như thế nào?

Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Diệp trả lời: Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện trình diễn nhiều mô hình cây, con giống đem lại hiệu quả kinh tế cao (ngoài khoai lang và một số cây màu chủ lực), các loại rau màu luân canh trên đất lúa như: dưa hấu, bắp, ớt, khổ qua, chăn nuôi gia cầm, nuôi cá, lươn… theo hướng an toàn sinh học.

Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình một số cây trồng, vật nuôi chậm do hiện nay công tác xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ còn nhiều hạn chế, nên sản phẩm nông nghiệp chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa. Mặt khác, khâu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế, nên việc bao tiêu sản phẩm chưa được đảm bảo.

Vì vậy, khi nhân rộng diện tích sản xuất nông dân rất thận trọng, thăm dò thị trường để tránh tình trạng cung vượt cầu, thậm chí có thời điểm bị lỗ mặc dù trúng mùa.

Ngoài ra, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là sản phẩm thô, chưa qua chế biến, khâu bảo quản, dự trữ sau thu hoạch còn nhiều khó khăn, nên chưa nâng cao được nhiều về chuỗi giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả cao, UBND tỉnh sẽ quan tâm chỉ đạo thực hiện một số giải pháp sau: tập trung xây dựng, triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó chú trọng củng cố, nâng cao các tổ chức hợp tác nhằm đủ sức thực hiện hợp đồng liên kết.

Ưu tiên nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu, sản xuất có hiệu quả cao; nhân rộng diện tích thực hiện cánh đồng mẫu, kết hợp phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô công nghiệp đảm bảo vệ sinh thú y, ít gây ô nhiễm môi trường; chủ động kiểm soát, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các loại dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi; kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và quảng bá thương hiệu, đặc biệt là sản phẩm thế mạnh của tỉnh, đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân trong tiêu thụ sản phẩm...

Sẽ trình HĐND tỉnh phê duyệt các con đường cần đổi tên trong năm 2014

Thứ ba, công trình nghiên cứu khoa học “Đặt, đổi tên đường...” đã được nghiệm thu từ lâu. Thực trạng tên đường ở TP Vĩnh Long bộc lộ nhiều bất cập như một con đường ngắn, cắt làm 2 đoạn, mang 2 tên; có đường mang tên mà người dân không rõ ý nghĩa lịch sử.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, việc đặt, đổi tên đường là rất cần thiết. Xin ông cho biết khi nào kết quả nghiên cứu khoa học trên được triển khai ứng dụng?

Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Diệp cho rằng, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, khảo sát, điều chỉnh và đặt tên đường, phố thị xã, thị trấn tỉnh Vĩnh Long”, được thực hiện từ năm 1999, nghiệm thu vào tháng 12/2000, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiếp nhận kết quả nghiên cứu để tổ chức thực hiện.

Việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng là rất cần thiết, nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính. Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xác lập ngân hàng tên đường và đã lấy ý kiến thẩm định của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Tuy nhiên, việc đặt tên, đổi tên đường phải căn cứ vào tình hình thực tế và theo Nghị định số 91 của Chính phủ và Thông tư số 36 của Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

Trong quá trình triển khai ở địa phương, 2 văn bản này có một số quy định bất cập, nên tháng 7/2013, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cụ thể về: tiêu chí để xác định những tuyến đường và công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng; phân cấp thẩm quyền đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng; việc đặt tên công trình do các tổ chức, cá nhân xây dựng (như trường học, bệnh viện).
 
Tuy nhiên, đến nay tỉnh chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trước mắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng. Hiện, Hội đồng tư vấn đang tổng hợp các tuyến đường và công trình công cộng cần đặt tên trên toàn tỉnh, để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định trong năm 2014.
 
Hiện nay, có một số đường tuy người dân không rõ ý nghĩa lịch sử như: Ông Phủ, Bạch Đàn... nhưng các đường này đã tồn tại rất lâu đời, quen thuộc và gắn bó với nhân dân địa phương.

Theo Điều 5, Nghị định số 91 của Chính phủ quy định: “Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử- văn hóa của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ.

Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử- văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng”. Do đó, vấn đề này cần phải rà soát kỹ và lấy ý kiến rộng rãi, để tránh gây phản ứng trong dư luận.

UYÊN- TÂM (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh