Chiều ngày 14/11/2013, tổ 12 gồm đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội gồm các đơn vị tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Long, Ninh Thuận và Bạc Liêu có buổi thảo luận tổ về dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Chiều ngày 14/11/2013, tổ 12 gồm đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội gồm các đơn vị tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Long, Ninh Thuận và Bạc Liêu có buổi thảo luận tổ về dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Về dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), nhiều ĐB cho rằng luật nghiêm cấm việc mang thai hộ vì mục đích thương mại và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với các điều kiện ràng buộc cụ thể, quy định quyền, nghĩa vụ các bên có liên quan và việc giải quyết tranh chấp.
Theo đó, cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn, tạo cơ hội cho một số cặp vợ chồng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ chính đáng.
Song, các ĐB có ý kiến "Làm sao để xác định rõ vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay thương mại? Nếu không, sẽ tạo điều kiện hợp pháp hóa cho mục đích thương mại hoặc buôn bán trẻ em”.
Phần lớn các ĐB đều bày tỏ quan điểm cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn và đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để quy định cụ thể hơn một số vấn đề như: Các nội dung của thỏa thuận xác lập việc mang thai hộ; vấn đề mang thai hộ có yếu tố nước ngoài; việc bảo vệ quyền lợi của người mẹ và trẻ em, bảo vệ quyền người mang thai hộ trong một số trường hợp như trẻ sinh ra bị khuyết tật và vợ chồng nhờ mang thai hộ không nhận con, các rủi ro trong quá trình mang thai hộ và sinh con như trường hợp người mang thai hộ mắc bệnh do mang thai hộ (băng huyết, thai chết lưu...) hoặc chết (kể cả do mang thai hộ hoặc không phải do mang thai hộ...);...
Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ĐB cho rằng cần tiếp tục xem xét về vấn đề chất lượng khám chữa bệnh, trong đó y đức đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả của chính sách BHYT.
Vấn đề này không chỉ liên quan đến Luật BHYT mà còn liên quan tới các luật khác thuộc lĩnh vực y tế. Đồng thời, quá trình thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa đối với y tế đã xuất hiện những vấn đề bất hợp lý giữa khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT với bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu làm ảnh hưởng đến chính sách BHYT.
Do đó, cần phải định hướng xử lý đồng bộ những vấn đề trên để khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn;...
THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin