Khai thác nguồn lực riêng làm “tài sản dùng chung”

07:11, 27/11/2013

Theo đánh giá của BCĐ Tây Nam Bộ, qua các kỳ MDEC đã có sự tiến bộ về nhận thức và có sự đồng thuận cách thức để khai thác có hiệu quả hơn các nguồn lực có sẵn của từng địa phương làm “tài sản dùng chung” trên cơ sở tăng cường liên kết, hợp tác.

+ Đưa ra Tuyên bố chung

Theo đánh giá của BCĐ Tây Nam Bộ, qua các kỳ MDEC đã có sự tiến bộ về nhận thức và có sự
đồng thuận cách thức để khai thác có hiệu quả hơn các nguồn lực có sẵn của từng địa phương làm “tài sản dùng chung” trên cơ sở tăng cường liên kết, hợp tác.


Triển lãm- hội chợ với 630 gian hàng, diễn ra đến hết ngày 28/11, góp phần quảng bá hình ảnh, thế mạnh của địa phương và thương hiệu của các doanh nghiệp. Ảnh: THẢO LY

Nhiều ý kiến, sáng kiến

Trong 2 ngày 25- 26/11, đã có 9 cuộc hội nghị, hội thảo diễn ra sinh động và đã tiếp thu được nhiều ý kiến, sáng kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các cán bộ quản lý cấp bộ, ngành Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Có hơn 3.100 lượt đại biểu tham dự các cuộc hội nghị, hội thảo.

Đáng chú ý, hội nghị Xúc tiến đầu tư ĐBSCL 2013 thu hút gần 1.000 đại biểu tham dự. Các ý kiến tập trung giải pháp hỗ trợ về lãi suất, đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các tỉnh ĐBSCL.

Đây sẽ là cơ sở để Chính phủ và các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chính sách cải thiện công tác quy hoạch, kế hoạch đối với ngành nuôi trồng thủy sản, chế biến xuất khẩu lúa gạo, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt tại hội nghị này, các tỉnh- thành trong vùng đã giới thiệu danh mục 138 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư, với số vốn 416.000 tỷ đồng và 1,89 tỷ USD; trao 26 giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 6.094 tỷ đồng và 93 triệu USD; 4 dự án trao chủ trương đầu tư vốn đăng ký 1.838 tỷ đồng; ký kết 83 hợp đồng đầu tư tín dụng 20.181 tỷ đồng. Trong đó, Vĩnh Long đã trao 3 giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Nông trường Sông Hậu (TP Hồ Chí Minh), DNTN Bất động sản Toàn Quốc (Vĩnh Long), Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Ngọc Phú Tiên (Trà Vinh), vốn đăng ký 1.937 tỷ đồng và 1 dự án trao chủ trương đầu tư (Công ty TNHH DeHues), vốn đăng ký 15 triệu USD.

Bên cạnh, đã vận động được gần 720 tỷ đồng, trong đó tỉnh Vĩnh Long được phân bổ trên 17 tỷ đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.


Hoạt động trình diễn và kết nối cung- cầu công nghệ thu hút sự quan tâm của người dân đồng bằng. Ảnh: TẤN ANH

Các chuỗi sự kiện quan trọng khác như: hội thảo Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL; hội thảo Liên kết phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh; Trao đổi song phương giữa ngoại giao đoàn với các địa phương; Diễn đàn doanh nghiệp; hội thảo Phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh; Hội nghị G 13+1…
 
Tuy có rút ngắn thời gian tổ chức, nhưng nhờ có sự phân công và phối hợp tốt giữa các bộ phận, cơ quan, đơn vị nên các sự kiện MDEC diễn ra đúng kế hoạch và đạt mục tiêu, yêu cầu.

Theo BTC, kế thừa kết quả của các kỳ MDEC trước, MDEC- Vĩnh Long 2013 với chủ đề “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh” đã góp phần nâng cao ý nghĩa và tầm quan trọng của diễn đàn trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của các tỉnh vùng ĐBSCL.
 
MDEC cũng đã tập hợp được ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương, các sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học... để từ đó đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, tăng cường liên kết vùng, hỗ trợ vùng ĐBSCL phát triển nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.

Triển lãm- hội chợ “Tuần lễ môi trường xanh- công nghệ xanh- phát triển bền vững kinh tế xanh” vùng ĐBSCL có sự tham gia của 237 đơn vị, doanh nghiệp với 630 gian hàng.
 
Qua đó, tạo cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các chuyên gia trong và ngoài nước, người sản xuất gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu, ký kết hợp tác kinh tế trong đầu tư phát triển, kết nối được cung- cầu, phát triển thị trường khoa học- công nghệ... nhằm mục đích góp phần khai thác có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL, với kỳ vọng mang lại hiệu quả cao nhất cho nhà đầu tư, nhà khoa học và nhân dân trong vùng.

Đưa ra Tuyên bố chung MDEC- Vĩnh Long 2013

BCĐ Tây Nam Bộ cho rằng, việc tổ chức MDEC ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn. Điều này thể hiện qua tính liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với các vùng, miền khác ngày càng chặt chẽ, sâu rộng hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến tham vấn, đóng góp cho dự thảo Quy chế liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2013- 2020 và đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới.

Tại Hội nghị BCĐ MDEC- Vĩnh Long 2013 ngày 26/11, thống nhất giao cho tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức Diễn đàn “MDEC- Sóc Trăng 2014”. Dự kiến các hoạt động của diễn đàn sẽ diễn ra cùng thời điểm Sóc Trăng tổ chức các hoạt động lễ hội Ok Om Bok.

Môi trường đầu tư các địa phương vùng ĐBSCL cải thiện đáng kể. Các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các tập đoàn, tổng công ty của Nhật đến tìm hiểu, ký kết hợp tác đầu tư. Chính phủ Nhật có Chương trình đầu tư Mê Kông- Nhật Bản, Chính phủ Úc hỗ trợ Chương trình kết nối giao thông ĐBSCL,…

Với việc tổ chức thành công MDEC- Vĩnh Long 2013, ngày 26/11/2013, hội nghị BCĐ MDEC- Vĩnh Long 2013 đã thảo luận và thống nhất đưa ra Tuyên bố chung.

Trong đó, các thành viên BCĐ cam kết: tăng cường hợp tác nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh.

Tăng cường công tác phối hợp, liên kết ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu- nước biển dâng bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trên cơ sở liên kết nội vùng; phát huy lợi thế so sánh của các địa phương, cụm ngành hàng, thắt chặt quan hệ hợp tác với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Củng cố thị trường truyền thống, tiếp cận và mở rộng các thị trường tiềm năng nhằm xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của vùng. Tổ chức các chương trình xúc tiến có trọng điểm, quy mô, đồng bộ và chuyên nghiệp. Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ làm đầu mối phối hợp thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho hộ nghèo, gia đình chính sách vùng ĐBSCL.

Tuyên bố chung cũng đưa ra nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Tây Nam Bộ năm 2014. Đối với các tỉnh, thành Tây Nam Bộ rà soát nhu cầu liên kết, hợp tác đầu tư, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương theo hướng:


Hội nghị G 13+1 đánh dấu sự liên kết, hợp tác hiệu quả giữa vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Tập trung phát triển công nghiệp có ít chất thải, có quy trình công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm năng lượng, khuyến khích khai thác sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, ít phát thải khí nhà kính. Quy hoạch, phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, tái sử dụng phụ phẩm, phế thải trong nông nghiệp để tạo ra thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm nguyên liệu công nghiệp, biogas, phân bón hữu cơ…

Phát triển du lịch sinh thái, hình thành các tour, tuyến du lịch từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh- thành trong vùng dựa vào thiên nhiên, gắn với ý thức bảo vệ môi trường, cải thiện phúc lợi cho cộng đồng dân cư ở địa phương.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với lối sống hòa hợp với môi trường, kết hợp những truyền thống tốt đẹp của dân tộc với các phương tiện hiện đại, tiện nghi, tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững.v.v…

TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh