Mặc dù công tác kiểm tra được thực hiện tích cực, song tình trạng vận chuyển, mua bán phân bón giả, kém chất lượng vẫn tràn lan, vừa gây hỗn loạn thị trường vừa khiến nông dân tiền mất nợ mang. Mùa vụ mới sắp bắt đầu, gánh nặng phân bón lại đè lên vai người nông dân trong khi công tác kiểm tra gặp không ít khó khăn.
Chi cục Quản lý thị trường thường xuyên phối hợp kiểm tra, lấy mẫu kiểm định chất lượng phân bón.
Mặc dù công tác kiểm tra được thực hiện tích cực, song tình trạng vận chuyển, mua bán phân bón giả, kém chất lượng vẫn tràn lan, vừa gây hỗn loạn thị trường vừa khiến nông dân tiền mất nợ mang. Mùa vụ mới sắp bắt đầu, gánh nặng phân bón lại đè lên vai người nông dân trong khi công tác kiểm tra gặp không ít khó khăn.
Diễn biến phức tạp
Cụ thể, trong năm 2011, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kết hợp kiểm tra 13 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp có dấu hiệu xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu phân bón Lio Thái.
Kết quả, phát hiện và tạm giữ trên 7 tấn phân bón có dấu hiệu vi phạm gồm: Lio Đức, Lio Mỹ, Lio Indo. Đoàn đã lập biên bản xử phạt hành chính và buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa theo quy định.
Cũng trong năm này, chi cục đã kiểm tra phát hiện xe tải chở 400 bao phân bón (200 tấn) phân kali với hàm lượng 60% kali, có dấu hiệu hàng giả.
Sản phẩm của Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ, kết quả thử nghiệm hàm lượng kali nhỏ hơn 0,1%. Ngoài ra, qua kiểm tra đột xuất lấy mẫu phân bón để kiểm định chất lượng đã phát hiện nhiều loại phân bón kém chất lượng.
Trong đó, có mẫu phân bón DDP Gà Pháp NPK 20-20-15+TE của Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Đồng Phú có một số chỉ tiêu không đạt chất lượng, xếp loại là phân bón giả, hàm lượng định lượng tổng các chất dinh dưỡng chỉ đạt 32,9%, trị giá lô hàng 50 bao.
Liên quan vận chuyển phân nhập lậu, năm 2012, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh bắt giữ 4 chiếc tàu đang neo đậu tại xã Tích Thiện (Trà Ôn) để vận chuyển hơn 80 tấn phân urê không giấy tờ hợp lệ, đựng trong bao ny- lông, miệng cột bằng dây, do một số đối tượng mua bán từ các tàu lớn ngoài biển rồi thuê tàu chở về các tỉnh ĐBSCL tiêu thụ.
Năm 2013, phát hiện 1 vụ vận chuyển phân urê của Trung Quốc bằng đường thủy với số lượng 25 tấn, trị giá 225 triệu đồng, phạt hành chính 10 triệu đồng. Bên cạnh, đội quản lý thị trường đã kiểm tra và tịch thu nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, phát hiện nhiều vụ phân bón kém chất lượng, xử phạt hàng chục triệu đồng.
Khó phân biệt thật- giả
Lưỡng lự giữa rừng nhãn hiệu phân bón, cô Nguyễn Thị Huệ (xã Ngãi Tứ- Tam Bình) lắc đầu, nói: “Nhà tôi có 5 công ruộng sắp tới mùa nên đi lựa phân mà nhiều loại quá không biết chọn loại nào. Giá cả càng tăng mà chất lượng phân thì may rủi, có khi mua về rải lúa không tốt, tốn thêm chi phí”.
Anh Trần Văn Nguyệt (xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) cho biết, mỗi vụ bỏ ra khoảng 10 triệu đồng tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sản xuất 6 công ruộng.
Tuy nhiên, không ít vụ mua phân về bón mà lúa không thấy phát triển. “Mẫu mã nhiều cũng dễ dàng lựa chọn nhưng nhiều quá thật- giả cũng tràn lan. Thấy kiểm tra nông dân mừng lắm, hy vọng sẽ dẹp được phân giả”- anh Nguyệt mong mỏi.
Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân. (Ảnh minh họa)
Một chủ đại lý phân bón tại xã Đông Bình (TX Bình Minh) cho hay phân bón giả thường gặp nhất vào đầu mùa khi người dân có nhu cầu cao.
Một số công ty trộn những tạp chất khác vào phân mà ngay cả những đại lý bán cũng không hề biết. Cho nên phân bón giả tràn lan không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân mà còn ảnh hưởng những nhà kinh doanh chân chính.
Cùng nhận định, một nhân viên Đại lý vật tư nông nghiệp Hiệp Thành (thị trấn Trà Ôn) cho biết: “Tinh ý lắm mới nhận ra phân bón giả. Vì vậy, “đôi khi người bán còn nhầm, bởi giá cả chênh lệch nhau chừng vài chục ngàn đồng/bao và nông dân thường chọn giá rẻ nên đôi khi chất lượng không như mong muốn. Do đó, phải chịu khó giải thích cho nông dân hiểu, chỉ cách phân biệt cho nông dân”.
Ông Trần Quốc Linh- Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Các trường hợp giả nhãn hàng, hàng kém chất lượng rất tinh vi, khó phân biệt, nhất là các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, phân bón, gây nhiều bức xúc cho nông dân, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
“Chúng tôi sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình buôn bán trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo quyền lợi cho người dân, góp phần ổn định thị trường.”- ông Trần Quốc Linh khẳng định.
Nếu ngay sau khi phát hiện phân bón có dấu hiệu kém chất lượng, người tiêu dùng nên thông báo kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền để lấy mẫu kiểm định chất lượng. Hoặc sau khi mua cần lấy hóa đơn, chứng từ để xác định nguồn gốc chứng minh trong trường hợp mua phải hàng kém chất lượng. |
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin