Vì sao hơn 1.000 người bị sửa họ?

01:09, 17/09/2013

Khi còn làm cán bộ tư pháp xã, ông Nguyễn Văn Khởi (62 tuổi, ấp Phú Thuận, xã Phú Thịnh- Tam Bình) đảm nhận công việc làm giấy khai sinh cho trẻ mới sinh. Do quen tay, hầu hết thanh ngã đều được ông đánh máy bằng thanh hỏi, khiến người họ Nguyễn, họ Võ và Đỗ đều được ông bỏ dấu thành họ “Nguyển”, “Đổ” và “Vỏ”. Điều này đã gây rắc rối không chỉ cho người dân địa phương mà còn


Bút tích của ông Khởi trong các cuốn sổ lưu tư pháp.

Khi còn làm cán bộ tư pháp xã, ông Nguyễn Văn Khởi (62 tuổi, ấp Phú Thuận, xã Phú Thịnh- Tam Bình) đảm nhận công việc làm giấy khai sinh cho trẻ mới sinh.

Do quen tay, hầu hết thanh ngã đều được ông đánh máy bằng thanh hỏi, khiến người họ Nguyễn, họ Võ và Đỗ đều được ông bỏ dấu thành họ “Nguyển”, “Đổ” và “Vỏ”. Điều này đã gây rắc rối không chỉ cho người dân địa phương mà còn làm phiền phức cho công tác tư pháp địa phương.

Điều chỉnh họ cho cả nhà

Trong số hơn 2.000 hộ dân trong xã thì có trên 50 hộ dân bị đổi họ bất đắc dĩ như thế. Ông Khởi xin nghỉ việc gần 10 năm thì sự việc này mới bị phát hiện.

Theo nhiều người dân địa phương, lúc đưa con vào cấp 1, có nộp giấy khai sinh nhưng thầy cô không chú ý bỏ qua.

Khi đến cấp 2, cấp 3, nhất là học sinh phổ thông chuyển cấp thì thầy cô ở trên mới so sánh giữa giấy khai sinh với sổ hộ khẩu và giấy CMND thì mới phát hiện có sự khập khễnh giữa thanh ngã và thanh hỏi, buộc gia đình phải đến UBND xã điều chỉnh lại cho khớp. Ngay cả con của một lãnh đạo xã hiện tại cũng bị ông Khởi vô tình đổi họ cho tới sau này mới điều chỉnh lại.

Điển hình như trường hợp của hai cha con em Nguyễn Trung Nông (19 tuổi, ấp Phú Hưng). Nông phải vất vả mới đổi lại họ của em và người cha tên Nguyễn Thành Chơi (40 tuổi) từ “Nguyển” thành Nguyễn. Còn trường hợp của 2 mẹ con em Võ Nguyễn Huyền Anh (17 tuổi) và mẹ là chị Nguyễn Thị Hà (49 tuổi, ấp Phú Hưng) cũng chuyển từ Võ thành “Vỏ” và Nguyễn thành “Nguyển”.

Đặc biệt, trường hợp của em Nguyễn Thanh Tín (ở ấp Phú An). Sau nhiều lần nhờ xã hướng dẫn và đến huyện Tam Bình làm đơn, ngày 22/3/2013, ông Lê Ngọc Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình mới ký quyết định về việc cải chính họ cha, mẹ, con cho cả gia đình 3 người của em Nguyễn Thanh Tín.

Cán bộ sai, bắt dân chịu

Để tìm hiểu sâu hơn về các trường hợp lạ đời này, chúng tôi đã tìm đến ấp Phú Hòa. Chỉ mới mở lời vài câu, ông Huỳnh Văn Thắng- Trưởng ấp Phú Hòa đã bức xúc: “Tưởng chuyện gì chứ chuyện tên trong giấy khai sinh của người dân nơi đây sai sót thì nhiều lắm, nhớ không hết đâu, nhất là họ Nguyễn mà cán bộ tư pháp xã thời ông Khởi làm thì toàn là “Nguyển”.
 
Ngay như con gái của tôi tên Huỳnh Thị Mỹ Nương, nhưng trong khai sinh chữ Mỹ bị đổi dấu thành là “Mỷ”, không có ý nghĩa gì hết trơn. Chỉ là chữ lót thôi mà gia đình tôi phải xuống huyện điều chỉnh đến 4 lần mới hoàn chỉnh, chưa kể rất nhiều lần đến xã và trích lục nhiều loại giấy tờ khác. Tôi là trưởng ấp còn cực khổ vậy, huống chi những người dân không biết thì còn khổ hơn nhiều”.

Không đâu xa, ngay như trường hợp của ông Bùi Văn Võ- Phó Trưởng ấp Phú Hòa cũng đang gặp rắc rối. Cầm giấy khai sinh của đứa cháu trên tay, ông Võ bức xúc: “Mấy chú thấy không, cháu tôi tên Nguyễn Thanh Ngân mà cán bộ tư pháp lại để là “Nguyển”.

Năm nay, cháu Ngân học lớp 11, thấy bà con trong xóm ai có họ là “Nguyển” đều đi chỉnh sửa cho hợp lệ, để cháu làm hồ sơ thi tốt nghiệp và vào đại học, tôi cũng đã đến huyện hỏi về thủ tục.

Mấy cán bộ kêu phải đem giấy khai sinh của cha mẹ nó, nếu không có thì phải làm đơn trích lục giấy khai sinh. Vì tương lai của đứa cháu, tôi phải kêu cha nó đang tạm trú ở Vũng Tàu làm ăn kiếm sống gửi giấy khai sinh về để hoàn thành thủ tục, nhưng không biết sẽ còn đi tới lui mấy lượt nữa”.

“Chuyện của cán bộ làm sai mà bắt người dân phải chịu tôi thấy không hợp lý chút nào. Theo tôi, nếu chỉ chỉnh sửa dấu trong họ Nguyễn thì chỉ cán bộ xã chỉnh lại rồi đóng dấu vô là được rồi vì nước ta từ xưa đến nay không có ai họ “Nguyển” như thế cả”- ông kiến nghị.

Tạo điều kiện thuận lợi khi chỉnh sửa

Ông Trần Văn Tư Nhỏ- cán bộ tư pháp đương nhiệm của xã Phú Thịnh, nói: “Tôi đảm nhận nhiệm vụ này được 3 năm thì có khoảng 30 trường hợp người dân đến xin đổi lại dấu trong cái họ, vì có con cái đi học hay xin việc gặp rắc rối.

Theo luật, nếu người nào trên 14 tuổi thì chúng tôi hướng dẫn đến Phòng Tư pháp huyện làm hồ sơ xin chuyển, còn nếu dưới 14 tuổi thì ở xã sẽ chỉnh sửa. Không ngờ, ông Khởi quen tay đánh dấu ngã thành hỏi, đã làm phiền phức cán bộ đời sau và gây rắc rối cho người dân…”.

Để tìm hiểu vì sao ông Khởi vô tình hay cố ý đổi họ của người khác, chúng tôi đã tìm đến tận nhà ông. Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Khởi đã thừa nhận: “Do lúc mới chia tách xã, tôi chưa có đi tập huấn và xin cái máy đánh chữ của khối vận về đánh khai sinh cho trẻ. Tôi quen tay đánh dấu ngã thành hỏi hết.
 
Tôi cũng không nhớ là đánh lộn cho bao nhiêu trường hợp, nhưng chỉ khoảng 3 năm đầu khi tôi làm cán bộ tư pháp. Sau khi được tập huấn đàng hoàng, tôi đã có sửa chữa. Không ngờ chỉ sơ sót đánh nhầm dấu mà gây phiền hà cho nhiều người đến thế. Tôi thật có lỗi, mong mọi người thông cảm”.


Ông Nguyễn Văn Khởi rất hối hận vì sai sót đáng tiếc của mình gây phiền toái cho nhiều người.

Ông Nguyễn Văn Bảy- Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết, ông Nguyễn Văn Khởi vào làm cán bộ tư pháp, hộ tịch của xã Phú Thịnh từ năm 1994 cho đến năm 2004. Trong công việc ông luôn hoàn thành tốt, không gây phiền hà gì đến ai.

Cho đến khi những người dân họ Nguyễn bắt đầu gặp rắc rối khi có việc dùng đến giấy khai sinh của mình. Họ Nguyễn là một trong những họ đông dân nhất ở Việt Nam , từ bao đời nay người dân luôn biết chữ Nguyễn được viết bằng dấu ngã.

Tuy nhiên, do sơ suất trong lỗi chính tả mà làm ảnh hướng đến nhiều người. Điều đặc biệt là bản thân của ông cũng mang họ Nguyễn nhưng không hiểu vì lý do gì mà ông lại có sự nhầm lẫn tai hại đến như thế. “Hiện tại chúng tôi rất mong người dân thông cảm vì sơ suất này và chúng tôi sẽ hết sức tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân lấy lại họ của mình”- Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết.

Các trường hợp sai họ do lỗi đánh máy của cán bộ tư pháp từ thanh ngã thành thanh hỏi trong giấy khai sinh chủ yếu tập trung ở xã Phú Thịnh. Trong đó có 31 trường hợp sai thành họ “Vỏ”, 9 trường hợp sai thành họ “Đổ”, còn lại tất cả là sai thành họ “Nguyển”.

Hiện đã cải chính được 48 trường hợp, trong đó Sở Tư pháp tỉnh cải chính 6 trường hợp, Phòng Tư pháp huyện cải chính 42 trường hợp. Công việc cải chính sai sót vẫn đang được tiến hành. Sở Tư pháp tỉnh cho biết, đã chỉ đạo đến Phòng Tư pháp huyện Tam Bình cũng như cán bộ tư pháp các xã có sai sót như trên tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được cải chính.

Phòng Tư pháp huyện Tam Bình cho biết đã tiến hành xác minh thông tin nhiều hộ dân ở xã Phú Thịnh phản ảnh sai sót tên, họ trong giấy khai sinh. Kết quả đã xác định được 1.094 trường hợp cấp giấy khai sinh sai họ.

Bài, ảnh: HÙNG HẬU

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh