Đưa khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng, sản lượng nông sản. Tuy nhiên, để những đề tài KHCN đã được nghiệm thu đến tay nông dân thì cần có vốn.
Đưa khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng, sản lượng nông sản. Tuy nhiên, để những đề tài KHCN đã được nghiệm thu đến tay nông dân thì cần có vốn.
Mô hình trồng hoa lan của ông Trương Văn Ân (Phường 9- TP Vĩnh Long) cho thu nhập khá.
|
Thành tựu trong nghiên cứu
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Hàng năm, ngành nông nghiệp được phân bổ kinh phí nghiên cứu KHCN từ 200- 300 triệu đồng. Từ đó, ngành đã triển khai thực hiện các đề tài KHCN cơ sở cũng như liên kết với các viện, trường thực hiện các đề tài cấp tỉnh, dự án nghiên cứu KHCN về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Từ năm 2010- 2012, có 25 đề tài nghiên cứu khoa học của ngành đã được nghiệm thu và nhiều khả năng ứng dụng vào sản xuất.
Các đề tài nghiên cứu KHCN đã được ứng dụng tập trung đi sâu vào giải quyết nhu cầu về giống cây con có năng suất, chất lượng cao, các giải pháp, quy trình công nghệ nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả bền vững, góp phần tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi.
Theo đó, năng suất lúa bình quân của năm 2012 đạt 5,81 tấn/ha, tăng 15% so với năm 2008; năng suất bình quân của cây ăn trái tăng 5%, tỷ lệ nạc hóa đàn heo, sind hóa đàn bò đạt 35- 40% so tổng đàn.
Ở lĩnh vực trồng trọt- bảo vệ thực vật, thời gian qua ngành nông nghiệp đã thực hiện 11 đề tài KHCN cấp cơ sở và 3 đề tài cấp tỉnh với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng. Kết quả triển khai ứng dụng nghiên cứu KHCN góp phần cải thiện năng suất, chất lượng nông sản, đóng góp khoảng 15% tổng sản lượng toàn tỉnh.
Trong chăn nuôi- thú y, từ năm 2008 đến nay, ngành nông nghiệp cũng đã triển khai 5 đề tài KHCN cấp cơ sở với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Kết quả nghiên cứu các đề tài được ứng dụng rộng rãi giúp tăng năng suất, chất lượng chăn nuôi heo, gia cầm, tạo ra sản phẩm thịt sạch, chất lượng, từng bước cải thiện tập quán chăn nuôi của người dân theo quy trình tiên tiến, tăng lợi nhuận, đảm bảo môi trường.
Toàn tỉnh hiện có 178 trang trại, 66 gia trại chăn nuôi tập trung, tăng gấp 4 lần so với 2008, tập trung tại các huyện Mang Thít, Long Hồ. Heo nuôi với quy mô 100 heo nái/hộ, nuôi gia cầm công nghiệp và bán công nghiệp quy mô 2.000- 3.000 con. Hình thức chăn nuôi này tạo điều kiện cho ứng dụng tiến bộ KHCN trong phòng trị các bệnh như lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm…
Đối với thủy sản, đến nay đã có 6 đề tài KHCN cấp cơ sở được thực hiện với kinh phí trên 240 triệu đồng. Nội dung nghiên cứu xây dựng các quy trình sản xuất lươn giống, cá tra giống và các giống thủy sản thế mạnh của tỉnh. Kết quả nghiên cứu cũng phát triển được các đối tượng nuôi mới như rắn, ếch, cua đồng,… đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng hiện nay.
Muốn nhân rộng cần có vốn
Thành tựu KHCN mang lại lợi ích thiết thực trong sản xuất, tuy nhiên để ứng dụng những thành quả này thì cần có chính sách hỗ trợ vốn. Thực tế này được ghi nhận thông qua đợt khảo sát của Ban Kinh tế- Ngân sách của HĐND tỉnh về công tác nghiên cứu KHCN và ứng dụng các đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu mới đây.
Ông Nguyễn Văn Liêm cho biết: Hiện nay kinh phí hỗ trợ triển khai ứng dụng kết quả đề tài không có nên việc chuyển giao gặp nhiều khó khăn. Do đó, kết quả nghiên cứu chủ yếu được lồng ghép vào các nhiệm vụ của ngành như tập huấn chuyển giao kỹ thuật, vận động tuyên truyền người dân tham gia ứng dụng.
Trong khi đó, trình độ sản xuất của người dân không đồng đều cũng như tập quán sản xuất cũ của một bộ phận người dân khó thay đổi nên phần nào cũng ảnh hưởng đến việc triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Thực tế sản xuất tại các mô hình ứng dụng cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, khẳng định một bước đi hiệu quả bền vững. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi mô hình được nhân rộng cần xác định quy mô sản xuất để đảm bảo tiêu thụ.
Mô hình trồng hoa lan của ông Trương Văn Ân (Phường 9- TP Vĩnh Long) cho thu nhập bình quân từ 70- 80 triệu mỗi năm trên diện tích 600m2. Theo ông, hiện chưa thể hợp đồng sản xuất vì sản lượng chưa thể đáp ứng nhu cầu. Do đó thị trường của ông chủ yếu vẫn là những mối lái trong tỉnh với số lượng không nhiều.
Số khác, mô hình nuôi rắn ri voi, nuôi lươn đồng thương phẩm, sản xuất lươn giống… bước đầu cho thấy tín hiệu khả quan bởi năng suất, chất lượng vượt trội. Mặc dù tiềm năng tiêu thụ khá nhưng hiệu quả kinh tế thì do thị trường quyết định. Nói như ông Nguyễn Văn Nhuần- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, ngoài việc cần có nguồn vốn để ứng dụng các mô hình mới thì người dân vẫn còn “tự bơi” lo đầu ra sản phẩm.
Ông Nguyễn Khắc Nhu- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh: Đề tài KHCN phải đáp ứng được nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp để nâng cao khả năng ứng dụng. Bên cạnh, cần xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để tạo chỗ đứng cho sản phẩm. Ngoài ra, ngành chuyên môn cần cung cấp thông tin về thị trường để có quy hoạch sản xuất phù hợp, tránh khủng hoảng thừa khi triển khai ứng dụng đại trà, sản lượng lớn.
|
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin