Làng Jesmine hôm nay

02:09, 19/09/2013

Trước đây, xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) có gần 1.450ha đất trồng lúa. Sau 10 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện đất lúa ở đây chỉ còn trên 1.120ha. Cũng 10 năm trước, vườn cây ăn trái ở đây chỉ trên dưới 300ha, nay con số ấy đã lên đến trên 590ha.

Trước đây, xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) có gần 1.450ha đất trồng lúa. Sau 10 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện đất lúa ở đây chỉ còn trên 1.120ha. Cũng 10 năm trước, vườn cây ăn trái ở đây chỉ trên dưới 300ha, nay con số ấy đã lên đến trên 590ha.

Làng Jesmine chuyển đổi cây trồng

Gọi Thiện Mỹ là làng Jesmine là vì không chỉ ở Trà Ôn mà cả tỉnh Vĩnh Long, chẳng có địa phương nào có diện tích trồng lúa thơm giống Jesmine 85 lớn và được sản xuất nhiều năm như ở đây. Có những vụ giống lúa này được trồng đến hàng trăm hecta.

Giống lúa hàng hóa ấy không chỉ được tiêu thụ mạnh trong tỉnh mà còn rất “bắt mắt” thương lái từ Long An, An Giang nên hồi ấy lúa này luôn được giá, nông dân lợi nhuận khá cao.

Vậy mà hôm nay, trở lại Thiện Mỹ, người viết không được nghe nhiều về giống lúa Jesmine 85 mà thay vào đó là việc lập vườn lớn, trồng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Đạt– Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Vài vụ gần đây, do giá lúa Jesmine và các giống khác chênh lệch không nhiều; trong lúc giống này năng suất thấp nên bây giờ rất ít người giữ lại nó và thay vào đó là những giống lúa nguyên chủng, giống xác nhận năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế nhiều hơn.

Song điều đáng nói nhất là những năm qua, nhiều nông dân Thiện Mỹ đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, thay cây lúa bằng cây ăn trái. Vì vậy mà diện tích vườn ở Thiện Mỹ nay đã lên đến hơn 590ha, thu nhập bình quân của vườn khoảng 150 triệu đông ha/năm”.

Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã, người viết được biết thêm, trong sản xuất cây lúa hôm nay, nông dân làng Jesmine không chỉ quan tâm ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống mà còn hết sức chú ý đến việc hợp tác.
 
Bằng chứng là vụ Hè Thu vừa rồi, 218 hộ nông dân đã đồng thuận sử dụng 200ha đất, sản xuất các giống lúa nguyên chủng. Cũng từ
 đó xã vận động xây dựng tổ hợp tác nhân giống.

Theo kế hoạch vụ Đông Xuân 2013– 2014 tới đây, làng Jesmine sẽ sử dụng từ 150- 200ha ở 2 ấp Đục Dông và Cây Điệp để gieo sạ các giống lúa nguyên chủng, tạo nguồn giống cung cấp cho nông dân trong và ngoài huyện. Còn ở vụ Thu Đông này, Thiện Mỹ có đến 10ha gieo sạ giống nguyên chủng, nhằm đảm bảo cung cấp giống cho vụ Đông Xuân.

Lùi 1 để tiến 2

Trả lời câu hỏi vì sao gần đây Thiện Mỹ lại xuất hiện tình trạng 1 số nông dân san lấp vườn, lấy đất cấy lúa, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Đạt cho biết: “Từ năm 2011 đến nay, diện tích vườn ở Thiện Mỹ tăng không đáng kể. Chủ yếu là nông dân cải tạo vườn già cỗi để trồng lại mới; thậm chí không ít trường hợp nông dân phá vườn lấy đất gieo sạ lại lúa.

Cái chính của hiện tượng này không phải ở chỗ vườn kém hiệu quả kinh tế mà vì Thiện Mỹ đang có diện tích vườn già cỗi đáng kể, cần phải được cải tạo.

Bên cạnh đó, có một số vườn trước đây lên liếp không đúng kỹ thuật nên không thuận lợi để áp dụng các biện pháp cho trái nghịch vụ. Vì vậy, số hộ này phải phá vườn cấy lúa. Trước mắt là nhằm tái tạo lại độ phì cho đất sau 1 vài vụ làm lúa, sau đó họ tiếp tục lên liếp làm lại vườn mới lớn hơn, đúng kỹ thuật hơn.

Còn vì sao Thiện Mỹ chưa có cánh đồng mẫu lớn, ông Nguyễn Văn Đạt trình bày: “Việc này xã và bà con nông dân rất quan tâm, vì vào sản xuất ở cánh đồng mẫu lớn nông dân rất có lợi. Vừa rồi có một công ty ở An Giang đến đây đặt vấn đề liên kết sản xuất, địa phương và bà con nông dân mừng lắm, 2 bên đồng thuận rất nhanh. Nhưng khi chúng tôi yêu cầu phía công ty cam kết bao tiêu sản phẩm, thì công ty này mất biệt. Tuy vậy, Thiện Mỹ cũng đang theo dõi cách làm của các xã bạn về cánh đồng mẫu lớn để học tập rút kinh nghiệm thực hiện sau này”.

Trở lại Thiện Mỹ hôm nay, điều khiến người viết không thể không để tâm đó là việc gần đây làng Jesmine xuất hiện ngày càng nhiều hộ làm vườn có diện tích lớn, sử dụng một giống. Mới nhất trong những hộ này là anh Nguyễn Văn Lệ, trồng mới 1,5ha thanh long, ở ấp Mỹ Hòa. Hộ anh Nguyễn Văn Thanh thuê trên 3ha đất liền kề của nhiều nông dân ở ấp Mỹ Phó, lên liếp trồng chuyên cam sành.

Với những chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cộng với việc tập trung sản xuất lúa giống nguyên chủng, chất lượng cao đã phần nào cho thấy Thiện Mỹ dù nay không còn là làng Jesmine thì vẫn cho người viết cảm nhận Thiện Mỹ sẽ ngày càng thêm giàu đẹp.

Chính nhờ sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây lúa và cây ăn trái mà kinh tế xã Thiện Mỹ không ngừng phát triển, đời sống của người dân đa phần vươn lên rõ nét. Hiện thu nhập bình quân của xã này trên 21 triệu đồng/người/năm; đặc biệt hộ nghèo chỉ còn dưới 5%, so với tổng số hộ trên địa bàn.


TRỌNG DÂN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh