Khởi công xây dựng cầu Vàm Cống

08:09, 10/09/2013

Sáng nay 10/9, tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát lệnh khởi công dự án xây dựng cầu Vàm Cống.


Phối cảnh cầu Vàm Cống

Sáng nay 10/9, tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát lệnh khởi công dự án xây dựng cầu Vàm Cống.

Cầu Vàm Cống (phần cầu chính và cầu dẫn) bắc qua sông Hậu thuộc địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, cách bến phà Vàm Cống hiện hữu khoảng 2,5 km về phía hạ lưu và cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km về phía thượng lưu. 

Cầu Vàm Cống được thiết kế với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, dải phân cách, dải an toàn, vận tốc thiết kế 80km/h. Quy mô mặt cắt ngang cầu (cầu chính và cầu dẫn) là 24,5m. Tổng chiều dài cầu là 2,9 km (trong đó, phần cầu chính vượt sông là cầu dây văng dài 870 m và cầu dẫn bằng bê tông cốt thép dự ứng lực 2 phía Đồng Tháp và Cần Thơ dài gần 2km ). 

Đây là một hợp phần  thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông (bao gồm 5 dự án thành phần với tổng chiều dài 78 km, trong đó gồm cầu Cao Lãnh, tuyến nối Cao Lãnh-Vàm Cống, cầu Vàm Cống, tuyến tránh TP Long Xuyên và tuyến Mỹ An-Cao Lãnh). 


Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 271 triệu USD (tương đương gần 5.700 tỷ đồng), sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự kiến thời gian hoàn thành dự án là 48 tháng. 

Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải , các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc, nhân dân địa phương vùng dự án trong quá trình chuẩn bị đầu tư và để có sự kiện khởi công cầu Vàm Cống. 

Cùng với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, các cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Cổ Chiên, tuyến đường Nam sông Hậu và Quản Lộ - Phụng Hiệp, việc đầu tư xây dựng cầu Vàm Cống nói riêng và các công trình thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông nói chung sẽ hình thành một hệ thống giao thông đường bộ rộng mở, thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa giữa các tỉnh Tây Nam Bộ với Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. 
  
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh các địa phương trong vùng ĐBSCL cần tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông vận tải, đi liền với đó là quyết liệt hơn nữa trong thực chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.

PV

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh