Chủ động ứng phó những nguy cơ mùa mưa lũ

12:09, 18/09/2013

Bình Tân là huyện có khả năng ảnh hưởng lớn từ thiên tai do lốc, mưa, bão, lũ… so với các huyện khác trong tỉnh, do thuộc địa hình vùng trũng, ngập sâu nhất tỉnh về phía Đông Bắc và tiếp giáp sông Hậu về phía Tây Nam.

Bình Tân là huyện có khả năng ảnh hưởng lớn từ thiên tai do lốc, mưa, bão, lũ… so với các huyện khác trong tỉnh, do thuộc địa hình vùng trũng, ngập sâu nhất tỉnh về phía Đông Bắc và tiếp giáp sông Hậu về phía Tây Nam.

“Điểm nóng” Thành Lợi

Theo đánh giá của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) huyện Bình Tân, nhiều vùng trên địa bàn huyện có nguy cơ cao, ảnh hưởng đến tính mạng con người và gây thiệt hại nặng cho các hộ nuôi thủy sản chuyên canh.

Cụ thể là vùng các kinh, sông nối liền sông Hậu như: kinh Từ Tải (giáp thị trấn Cái Vồn- xã Thành Lợi), sông Trà Mơn (xã Thành Lợi- xã Tân Quới), sông Bà Đồng (xã Tân Bình), vàm Khe Luông, sông Sép, sông Xã Hời (xã Tân An Thạnh)… và các ao, lồng bè nuôi cá ven sông Hậu. Ngoài ra, nguy cơ chìm các phương tiện thủy tham gia giao thông khi có mưa bão rất lớn.

Đặc biệt là các bến đò ngang vượt sông Hậu sang TP Cần Thơ, như: bến đò cầu sắt Chợ Bà của xã Thành Lợi sang cồn Khương, bến Chòm Yên (Tân Quới) sang bến Cô Bắc, bến đò ở xã Tân Bình sang Khu công nghiệp Trà Nóc…

“Hà bá” đã ngoạm bứt con đường ở xã Thành Lợi.


Trong đó, xã Thành Lợi được xem là vùng nguy hiểm nhất của huyện, với những khu dân cư nằm cheo leo bên những bờ sạt lở nặng. Anh Nguyễn Văn Chánh- cán bộ xây dựng xã Thành Lợi- đã trực tiếp đưa chúng tôi đến 3 khu vực sạt lở nguy hiểm cần di dời hộ dân khẩn cấp, thuộc xã Thành Lợi.

Đó là khu vực chợ Bà trở vào dọc kinh Hai Quý, thuộc ấp Thành Phú có 8 hộ dân và 2 kho hàng bị ảnh hưởng; khu từ chợ Bà ra vàm sông Hậu và ngược lên phía thượng nguồn, có 8 hộ dân bị ảnh hưởng và khu vực xung quanh vàm cống số 2 ven sông Hậu, có 3 hộ dân bị ảnh hưởng.

Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của các hộ dân, từ những năm trước, cơ quan chức năng và chính quyền xã Thành Lợi đã tăng cường công tác vận động di chuyển người và di dời tài sản đến nhà người thân ở tạm.

Đồng thời, xem xét, cấp đất ở mới tại các tuyến dân cư vượt lũ, cùng với các chính sách hỗ trợ khác. Song vì nhiều lý do mà cho đến nay nhiều gia đình, có cả trẻ em còn rất nhỏ, chấp nhận sống cheo leo trên “miệng hà bá”.

Căn nhà của anh Lê Thanh Long “chênh vênh” bên bờ sông Hậu đã sạt lở.

Anh Lê Thanh  Long có 3 đứa con nhỏ, vẫn sống trong căn nhà tạm bợ, sát bên vàm sông Hậu. Mùa này nước thượng nguồn đã đổ mạnh, những chỗ sạt lở nghiêm trọng diễn biến rất nhanh từng ngày.

Hỏi anh sao không di dời, anh cho rằng: “Vợ chồng sống nghề theo chợ, mỗi ngày làm bánh tiêu bán, giờ đi vô tuốt trong đồng thì lấy gì sống”. Các hộ khác cũng “trụ lại” sống nghề mua bán khoai củ, làm nghề cá…

Chúng tôi thật sự ái ngại khi những người này xem mạng sống không quan trọng bằng… kiếm sống…

Chủ động có kế hoạch ứng phó

Theo Thường trực Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Bình Tân, trong mùa mưa lũ này, nguy cơ ngập lũ gây ảnh hưởng sản xuất là rất lớn. Đó là các xã vùng sâu tiếp giáp với Đồng Tháp và huyện Tam Bình như các xã: Tân Hưng, Tân Thành, Thành Trung, Mỹ Thuận, Nguyễn Văn Thảnh.

Một phần hướng về phía Đông Bắc của các xã: Tân Lược, Tân An Thạnh, Tân Bình, Bình Đông và Thành Lợi cũng vậy, là khu vực sâu, dễ bị ngập úng khi lũ về. Đặc biệt là khu vực nằm dọc hệ thống đường đan cũ, có cao trình thấp.

Do đó, theo ông Châu Minh Tuấn- Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Tân, bà con cần bố trí thời vụ sản xuất lúa, mùa vụ Thu Đông có thời gian thu hoạch trước ngày 10/8 âm lịch là an toàn. Sau đó, làm đất tháo các cửa cống, đập cho nước vào ruộng ngâm lũ, đón phù sa và bố trí thời vụ xuống giống Đông Xuân, xoay quanh các kỳ nước kém trong tháng 10 âm lịch năm 2013 là hiệu quả nhất.

Để đảm bảo chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, Bình Tân luôn xây dựng kế hoạch PCLB-TKCN, với phương châm “4 tại chỗ”.

Ngoài chỉ huy tại chỗ là con người quản lý, điều hành và lực lượng tại chỗ là con người thực hiện, các xã còn phải đảm bảo vật tư, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ như: lương thực, thực phẩm, phương tiện chữa bệnh, chuyển về tuyến trên… với phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”.

Bên cạnh đó, các ngành và chính quyền địa phương, luôn coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, tránh thiên tai từ huyện đến xã, ấp và cộng đồng dân cư, về sự nguy hiểm và tác hại không lường của thiên tai, để cùng đoàn kết nhau phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có sự cố xảy ra.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN- CÔNG PHÚC

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh