Ngày mai bắt đầu từ hôm nay (*)

06:09, 01/09/2013

Kinh tế Vĩnh Long cách đây vài chục năm, trong trí nhớ của các bác lão thành chỉ là “rất khó khăn, chưa có gì”: giao thương hạn chế, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, công- thương nghiệp nhỏ bé. Song với các chủ trương, chính sách mang tính đột phá vực dậy nền kinh tế, đến nay đã có những thành tựu nổi bật trên mọi lĩnh vực.


Vĩnh Long- điểm giữa đồng bằng- đã và đang tạo ra môi trường thông thoáng, mời gọi, thu hút đầu tư.

Kinh tế Vĩnh Long cách đây vài chục năm, trong trí nhớ của các bác lão thành chỉ là “rất khó khăn, chưa có gì”: giao thương hạn chế, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, công- thương nghiệp nhỏ bé. Song với các chủ trương, chính sách mang tính đột phá vực dậy nền kinh tế, đến nay đã có những thành tựu nổi bật trên mọi lĩnh vực.

Mặc dù tốc độ phát triển chưa tương xứng tiềm năng, nội lực, nhưng Vĩnh Long- đất học, đang nỗ lực tạo nên bước chuyển mới, bắt đầu từ định hướng, chương trình hành động hôm nay.

Vượt qua lạc hậu

Để có thể hình dung về tình hình kinh tế trước đây, chúng tôi tìm đến bác Đặng Văn Quảng (Mười Quảng)- nguyên Bí thư Đảng ủy Ty Thương binh xã hội những năm 1976-1980. Bác bắt đầu câu chuyện bằng ký ức, như một lát cắt nhỏ gợi nhắc tình hình kinh tế lúc bấy giờ:

Lúc mới giải phóng tình hình kinh tế hẹp hòi, mua 1 ống quẹt diêm cũng phải xin giấy. Đời sống cán bộ công nhân viên, nông dân vô cùng chật vật. Hồi ấy thương nghiệp chỉ bao cấp, phục vụ cán bộ nhà nước là chính. Hàng hóa không có, giao thương hạn chế, sản xuất kinh doanh nhiều bó buộc.

Bác vẫn nhớ như in mỗi khi xếp hàng mua theo định suất. Mà hàng hóa chủ yếu là: gạo, xà bông, ống quẹt, đường, bột ngọt,… chỉ những thứ tối thiểu nhất. Vậy nhưng cũng không rộng rãi gì, có khi xếp hàng tới phiên mình thì đã hết, đành phải về tay không. Quý nhất là gạo, nhưng gạo rất xấu, chỉ có một thứ thôi, có ăn đã mừng.

Bác Mười vừa cười vừa nói: “Gạo muốn ăn được phải ngồi lượm từng hạt thóc. Mua gạo xấu ở thương nghiệp, đem ra ngoài bán để đổi gạo ngon hơn. Mua được cục xà bông xếp hàng cũng mệt”. Lúc ấy, ít người ra làm ăn, buôn bán. Hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu làm lúa, năng suất, hiệu quả không cao…

Khi chúng tôi trình bày ý định tìm hiểu về kinh tế Vĩnh Long trước đây thì bác Phạm Văn Khôn- từng giữ chức vụ Phó Ban Kinh tế kế hoạch của tỉnh năm 1975- khuyên rằng phải có những số liệu cụ thể mới chứng minh được kỹ càng.

Bác Phạm Văn Khôn cho biết, hồi ấy có một số ngành nghề như xay xát, lò gạch, lò đường, sửa chữa cơ khí, cưa- xẻ gỗ nhưng quy mô rất nhỏ. Lò gạch lúc ấy gần giống lò tròn hiện nay nhưng nhỏ hơn, un khói tùm lum. Lò đường ép mía, nấu trong chảo lớn, rồi kết tinh lại. Nghề dệt thủ công con thoi, chủ yếu dệt khăn tắm, vải mùng.

Thật khó để thế hệ 8X như chúng tôi có thể hình dung ra được những khó khăn thời ấy. Còn bác Mười hóm hỉnh rằng: “Hồi đó đâu mà nghĩ tới tỉnh mình phát triển được như giờ”.
 
Và phấn khởi nhất là đời sống nông dân từng bước cải thiện. Từ chủ trương xóa đói giảm nghèo đến an sinh xã hội làm tốt. Kinh tế mở cửa, hàng hóa thông thương, người dân được khuyến khích sản xuất kinh doanh, làm giàu chân chính… Đó là bước phát triển rất đáng mừng.

Từ một tỉnh thuần nông, lạc hậu, Vĩnh Long đã và đang có nhiều chính sách nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp- xây dựng và thương mại dịch vụ.

Hoạt động xuất khẩu từ chỗ quy mô nhỏ, chủ yếu là sơ chế xuất khẩu thô các loại nông sản như: lúa gạo, trái cây, thủy sản, trứng vịt,… đã từng bước hình thành ngành công nghiệp chế biến nông- thủy sản xuất khẩu, gia tăng giá trị cho các sản phẩm của nông dân.

 

Ông Đặng Văn Quảng:
Tỉnh mình bây giờ khác hơn rồi, các ngành nghề mở rộng, phát triển đa dạng. Đường sá được xây dựng, mở ra thêm nhiều. Trước đâu có ngờ con đường đá đỏ, giờ trở thành con đường Phạm Thái Bường rất đẹp nổi lên giữa đô thị. Nhà cửa liền mí, cao đẹp hơn!

Vững vàng đi tới ngày mai

Thời gian này, tỉnh đang tất bật chuẩn bị cho sự kiện quan trọng được đánh giá là cơ hội lớn quảng bá, giới thiệu hình ảnh Vĩnh Long một cách rộng rãi đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đó là Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) năm 2013 với chủ đề “ĐBSCL hướng tới nền kinh tế xanh”.

Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước ngoặt phát triển, hợp tác và hội nhập kinh tế của Vĩnh Long, mà còn cho thấy sự năng động và sáng tạo trong điều hành của lãnh đạo tỉnh để mời gọi và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội trong tương lai.


Phát triển công nghiệp góp phần giải quyết lao động, thay đổi cơ cấu sản xuất.

Mới đây, “Quy định chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư của tỉnh Vĩnh Long” đã được UBND tỉnh ban hành. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi thực hiện các dự án đầu tư vào Vĩnh Long ngoài các ưu đãi chung, còn được hưởng thêm các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư của tỉnh.

Song song, Danh mục 47 dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013- 2015, với tổng mức đầu tư là 23.201 tỷ đồng, cũng đã được công bố. Theo ông Lương Tấn Thi- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, nhiều chính sách mới từ Quyết định 07 của Vĩnh Long được thể hiện “hấp dẫn, thông thoáng và rõ ràng hơn”.


Mua bán, giao thương hàng hóa diễn ra sôi động từ thành thị tới nông thôn.
Trong ảnh: Phiên chợ “thứ ba” ở Quới An (Vũng Liêm) đầy ắp hàng hóa .

Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (giai đoạn 2011- 2015), Vĩnh Long tiếp tục phát huy mọi nguồn lực, đảm bảo tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đúng hướng và tăng khả năng cạnh tranh của các thành phần kinh tế.

Với mục tiêu đạt mức tăng trưởng bình quân 24%/năm, ngành công nghiệp- xây dựng chiếm 26% trong GDP vào năm 2015, trong đó riêng ngành công nghiệp đóng góp 22%, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động về phát triển khu- cụm- tuyến công nghiệp giai đoạn 2011- 2015. Theo đó, nhiều phương thức đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng các khu công nghiệp tại địa phương được thực hiện.

Những chủ trương, định hướng đúng đắn chính là động lực thúc đẩy con thuyền kinh tế của Vĩnh Long tiến lên phía trước.

Nông nghiệp Vĩnh Long đã qua thời kỳ “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, dần chuyển hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp người nông dân làm giàu. Những mặt hàng nông sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng nhiều. Những “cánh đồng mẫu lớn” mở ra hướng sản xuất liên kết bền vững.


Nhiều loại nông sản đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Trong khi đó, công nghiệp của Vĩnh Long phát triển theo hướng bền vững và nói không với các doanh nghiệp, ngành nghề ô nhiễm môi trường. Đã có khu công nghiệp “kiểu mẫu” Hòa Phú giai đoạn 1 để thừa thắng xông lên với giai đoạn 2. Khu công nghiệp Bình Minh ưu tiên những dự án công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường. Tuyến công nghiệp Cổ Chiên đã đem công nghiệp về nông thôn ngày càng sôi động…

Theo ông Phạm Thành Khôn- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Vĩnh Long đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm, dự án hướng tới nền kinh tế xanh như: các sản phẩm chế biến thực phẩm sạch, đạt tiêu chí môi trường (mì không chiên, nước mắm). Các dự án như: nhà máy xử lý rác thải, sản xuất vật liệu xây dựng không nung, sản xuất củi trấu và rơm rạ, nhà máy chế biến trái cây, khu đô thị xanh…

Tất cả cho thấy một định hướng phát triển kinh tế đúng đắn, bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường sống.

(*) “Hát về cây lúa hôm nay”-nhạc sĩ Hoàng Vân

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC


Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh