Bão số 8 đang áp sát các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên

07:09, 18/09/2013

Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão.

Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão.

Chiều 17-9, vị trí tâm bão số 8 ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo, bão sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5-10 km. Đến chiều nay (18-9), vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km/giờ), giật cấp 9, cấp 10. Sau đó, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

 

Hướng di chuyển của bão số 8

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Bình - Bình Định, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Biển động rất mạnh. Ở các tỉnh Nghệ An đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động.

Cũng theo nguồn tin trên, đợt mưa vừa, mưa to ở các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên có khả năng kéo dài từ 3 đến 4 ngày.

Trên các sông từ Nghệ An đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ, mực nước đỉnh lũ ở mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2; riêng các sông ở Quảng Bình, Quảng Ngãi có thể lên mức báo động 2 đến báo động 3. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi.

Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó

* Trước diễn biến phức tạp của bão số 8, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương bàn các biện pháp ứng phó.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thông tin, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão di chuyển vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là đối với 11 tàu, thuyền ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.
 
Đối với các tàu, thuyền neo đậu gần bờ cần tổ chức sắp xếp hợp lý, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi bão đổ bộ.

Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần kiểm tra an toàn hồ, đập, nhất là việc vận hành xả nước theo quy định để đảm bảo an toàn công trình và tăng hiệu quả cắt lũ, đồng thời hạn chế gây ảnh hưởng, thiệt hại cho vùng hạ du.

Các địa phương rà soát các phương án phòng, chống lụt bão, sẵn sàng sơ tán dân ở các khu vực nguy hiểm như vùng thấp, trũng, ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lũ, sạt lở đất, lũ quét.

* Ngày 17-9, Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ triển khai ứng phó với khu vực ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên; thông báo và hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; tùy theo diễn biến của bão, các tỉnh chủ động xác định thời điểm cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu, thuyền nhỏ hoạt động ven bờ; kiểm tra và sẵn sàng sơ tán dân đang sinh sống ở khu vực ven sông, ven biển, các bến cảng, các khu du lịch đến nơi an toàn; không để người ở lại trên tàu, thuyền trong khu neo đậu, lồng bè, chòi canh ven biển, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ.

Tổ chức chằng chống nhà cửa, công trình, chặt tỉa cành cây phòng gió bão gây thiệt hại; giữ gìn trật tự an ninh ở các khu vực dân phải đi sơ tán và nơi dân sơ tán đến.

Đối với khu vực miền núi và các tỉnh Tây Nguyên, tổ chức điều hành bảo đảm an toàn giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người, phương tiện đi lại tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; nghiêm cấm người vớt củi khi có lũ; rà soát phương án, sẵn sang sơ tán dân ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, vùng sạt lở nguy hiểm để đảm bảo an toàn; kiểm tra, rà soát phương án bảo đảm an toàn hồ đập, các công trình phòng, chống lụt bão.

* Theo Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN, Bộ chỉ huy BĐBP các địa phương: Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, tính đến trưa 17-9 đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 29.854 tàu với 134.163 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 8 để bà con ngư dân chủ động phòng tránh. Hiện nay, tại bến neo đậu của các địa phương đã có 24.356 tàu với 92.569 lao động đã vào bờ tránh trú.

Đến chiều 17-9, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Khánh Hòa đã thông tin hướng di chuyển của bão đến hơn 490 tàu cá với hơn 4000 ngư dân đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh.

BĐBP tỉnh Phú Yên đã thông tin cho hơn 240 phương tiện hoạt động trên biển, trong đó 37 tàu cá với gần 300 lao động hoạt động trên vùng biển quần đảo Trường Sa, còn lại hầu hết là hoạt động gần bờ hoặc ngoài vùng ảnh hưởng.

Hiện nay, tỉnh Phú Yên có hơn 7.300 tàu thuyền, trong đó gần 1000 phương tiện đánh bắt xa bờ. BĐBP tỉnh đang phối hợp với các lực lượng thông báo, giữ thông tin liên lạc với các chủ tàu.

Đắc Lắc: Mưa lũ cuốn trôi tài sản hàng trăm nhà dân

Chiều 17-9, ông Phạm Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắc Lắc cho biết: Liên tiếp trong 4 ngày qua trên địa bàn huyện Ea H’leo có mưa to và rất to, cộng với nguồn nước từ thượng nguồn đổ về đã làm cho mực nước các hồ thủy lợi Ea Đrăng (thị trấn Ea Đrăng), Ea Tmốt (xã Cư Mốt) và hồ thủy điện Ea Đrăng 2 (xã Ea Wi) lên nhanh, tràn qua đập, dẫn tới nguy cơ vỡ đập và gây ra ngập lụt cục bộ.
 
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp huyện Ea H’leo, lũ quét cục bộ xảy ra rạng sáng 17-9 cuốn trôi tài sản của hàng trăm hộ dân sống dọc theo suối Ea Đrăng, sông Ea Khanh và sông Krông Búc; làm ngập cầu trung tâm thị trấn, gây ách tắc giao thông trên Quốc lộ 14, đoạn qua thị trấn Ea Đrăng.

Mưa lớn còn làm cho các hồ thủy lợi Ea Ghin, Buôn Thia (xã Cư Né) và tràn xả lũ hồ thủy điện Cư Kpô (xã Cư Kpô) thuộc huyện Krông Búc có nguy cơ mất an toàn. Hiện tại, nước đã tràn qua thân đập hồ Buôn Thia; tràn xả lũ hồ Ea Ghin thoát nước không kịp, mức nước dâng chỉ cách đỉnh đập 0,5m; tràn xả lũ hồ thủy điện Cư Kpô do chưa thi công xong nên không có khả năng thoát lũ, dễ dẫn tới vỡ đập.

Đoàn kiểm tra của Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Đắc Lắc đã chỉ đạo các huyện Ea H’leo và Krông Búc thực hiện phương án xả lũ các hồ thủy điện, thủy lợi, tổ chức lực lượng và phương tiện ứng trực tại những công trình dễ xảy ra vỡ đập, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập. Tổ chức sơ tán dân ở vùng dễ xảy ra lũ quét cục bộ đến nơi an toàn, tránh để xảy ra thiệt hại về người và giảm thiệt hại về tài sản.

* Tại Kon Tum, mưa lớn liên tục và kéo dài đã làm xói lở nghiêm trọng vùng hạ lưu của đập tràn Ya Ve, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy với diện xói lở hơn 30m, rộng khoảng 5m và có độ sâu hơn 5m; ước tính có tới hơn 750m3 đất, đá bị xói lở, nếu không sớm khắc phục thì nguy cơ vỡ đập tràn là khó tránh khỏi.

Nếu đập tràn Ya Ve bị vỡ, gần 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Bình Loon sẽ bị cô lập. Bên cạnh đó, người dân tại các thôn lân cận như: Lung Leng, Khúc Na, Kà Bầy, Bình Loon cũng không thể vận chuyển nông sản ra khỏi khu sản xuất. UBND xã đang khẩn trương khắc phục sự cố trên bằng việc thực hiện đắp kè bằng rọ đá nhưng số lượng xói lở quá lớn. UBND xã đã báo với huyện để có phương án phù hợp.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh