TP Vĩnh Long: Cần có giải pháp hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông

06:08, 09/08/2013

Tuy mới vào đầu mùa lũ, nhưng do thời tiết diễn biến bất thường mưa lớn kéo dài nên đã làm cho một số tuyến đê bao và khu vực ven sông ở địa bàn TP Vĩnh Long trước đây gia cố tạm bị sạt lở. Nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân- nhất là lúc triều cường dân cao, mưa bão, lốc xoáy xảy ra.

Tuy mới vào đầu mùa lũ, nhưng do thời tiết diễn biến bất thường mưa lớn kéo dài nên đã làm cho một số tuyến đê bao và khu vực ven sông ở địa bàn TP Vĩnh Long trước đây gia cố tạm bị sạt lở. Nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân- nhất là lúc triều cường dân cao, mưa bão, lốc xoáy xảy ra.

ư
Tình trạng sạt lở bờ sông khiến nhiều hộ sống ven sông không an tâm.

Hơn 1 tháng nay, gia đình chị Lê Hồng Diễm (Khóm 6, Phường 5- TP Vĩnh Long) lâm vào hoàn cảnh khó khăn, vì tuyến bờ kè kiên cố và xưởng sửa máy tàu ghe của gia đình sau nhiều năm lao động vất vả xây dựng nên bị sạt lở toàn bộ.

Trước đây, gia đình chị có 500m2 đất sản xuất, giờ đây đã bị sạt lở chỉ còn lại nền nhà ở khoảng 70m2. Ở khu vực ven sông Cổ Chiên thuộc Khóm 6 (Phường 5) có chiều dài khoảng 800m, do không có đê bao nên toàn tuyến đã sạt lở trên 300m, nhiều đoạn sạt lở rộng hơn 30m, sâu khoảng 10m, đường giao thông đi lại của gần 100 hộ dân ở nơi đây đã mất dần.

Chị Lê Hồng Diễm chỉ vào bờ sông mà trước đây là con đường đi cho biết: Lở chập này trên 10m, lở luôn cái nhà, bờ kè, cái nhà để sửa máy lở sụp luôn. Buổi chiều thấy hiện tượng nứt rồi, ở nhà cũng ỷ lại mới nứt chắc không đến nỗi. Cỡ khuya thì sập cái ùm, nó kéo bờ kè, nhà sụp không còn cái gì hết trơn”.

Nói về việc sạt lở ở Khóm 6, Phường 5 làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân nơi đây, ông Lê Văn Sự- Phó Chủ tịch UBND Phường 5 cho biết:
 
“Địa phương cũng cố gắng gia cố hằng năm, nhưng đến giờ này thì sự gia cố đó không còn phát huy tác dụng nữa. Sạt lở làm ảnh hưởng đến lối đi của bà con trong khu vực thì bà con đi nhờ qua phần đất của các hộ dân phía sau. Về phía địa phương cũng cố gắng vận động nhân dân di dời khỏi những nơi sạt lở, đồng thời đề nghị trên hỗ trợ cho một số hộ dân vào khu dân cư vượt lũ Phường 9”.

Những năm qua, tuyến đê bao Cồn Dông (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) đều được địa phương quan tâm gia cố, nhưng hiện nay cũng bị sạt lở nhiều đoạn với tổng chiều dài gần 400m.
 
Trong đó, nghiêm trọng nhất là đoạn sạt lở tuyến đê bao đường đan ấp Tân Thạnh từ vàm đập Bà Nguyệt ngược về sông Cái Da lớn, có chiều dài 90m, sạt lở sâu vào nửa tấm đan 1,6 m, làm cho mặt đan bị nghiêng ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Riêng Trại Thủy sản Cồn Dông do Trung tâm Giống Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long) quản lý, các bờ ao cá cùng nằm trên tuyến này cũng sạt lở với tổng chiều dài gần 300m, trong đó đoạn cách đập thủy sản 5m bị sạt lở khá nghiêm trọng (dài 35m, mặt đê bao chỗ nhỏ nhất chỉ còn lại khoảng 1m).

Lo lắng trước tình hình sạt lở ở khu vực này, chị Ngô Thị Bé Chín (ấp Tân Thạnh, xã Tân Hội) cho biết: “Tình hình sạt lở ở đây rất nghiêm trọng so với những năm trước là do nước về đổ mạnh quá, rồi dòng chảy rất xiết. Nếu không khắc phục kịp thời thì mùa nước năm nay bà con ở đây rất là khốn đốn, không dám nuôi trồng thủy sản. Như cái hầm nuôi cá của tôi đã xuất rồi nhưng chưa dám thả cá”.

Hiện, TP Vĩnh Long đã xảy ra 6 điểm sạt lở bờ sông (ở Phường 3, Phường 5, Phường 8 và xã Tân Hội) có tổng chiều dài gần 500m. Trong đó, có 3 điểm sạt lở ở Phường 5 và Phường 8 gây thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 7 hộ dân.
 
Trong đó, có 3 hộ được UBND TP Vĩnh Long bố trí nền nhà trong Cụm dân cư nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2. 2 hộ nhận chi phí di dời nhà ở, mỗi hộ 10 triệu đồng. Riêng tuyến đê bao Cồn Dông nếu không được các ngành chức năng gia cố kịp thời trước mùa lũ sẽ ảnh hưởng 60ha đất nuôi trồng thủy sản và vườn cây ăn trái của 220 hộ dân nơi đây.

Để khắc phục tình hình sạt lở ở một số khu vực trên địa bàn TP Vĩnh Long, ông Võ Hữu Xuân- Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long cho biết một số giải pháp hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông trong thời gian tới:

“Chỗ Cồn Dông có nguy cơ sạt lở cao, vì vậy Phòng Kinh tế xin chủ trương UBND thành phố để thực hiện kè này trước khi lũ về, nguồn kinh phí ước 500 triệu đồng. Ngoài ra, ở Phường 3, Phường 2 và các điểm sạt lở nhỏ khác thì ở đây kết hợp vận động nhân dân và Nhà nước cùng làm. Riêng kè Phường 5 thì UBND thành phố cũng đã có văn bản xin tỉnh hỗ trợ thực hiện với khoảng 150 tỷ đồng, nhằm đảm bảo vẻ mỹ quan kè Cổ Chiên và bảo vệ tính mạng, tài sản của bà con trong vùng sạt lở”.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, TP Vĩnh Long là địa bàn nằm cặp sông Tiền, lại có nhiều kinh rạch, nhà sàn san sát trên sông, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần sớm gia cố lại các đê bao bị sạt lở, còn người dân nên cảnh giác, chủ động di dời trước khi có tình huống xấu, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa bão gây ra.

Bài, ảnh: HỮU THÀNH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh