Người tiêu dùng lo lắng!

10:08, 14/08/2013

Thông tin bún chứa chất tẩy trắng công nghiệp tinopal (không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế)- có thể gây suy gan, suy thận, thậm chí dẫn đến ung thư khiến người tiêu dùng (NTD) hoang mang. Thị trường bún vì vậy cũng bớt nhộn nhịp.


NTD cần mua bún ở những nơi có uy tín, tránh mua hàng trôi nổi để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ảnh minh họa).

Thông tin bún chứa chất tẩy trắng công nghiệp tinopal (không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế)- có thể gây suy gan, suy thận, thậm chí dẫn đến ung thư khiến người tiêu dùng (NTD) hoang mang. Thị trường bún vì vậy cũng bớt nhộn nhịp.

Ngán bún

Trước thông tin bún tươi, bánh phở… chứa tinopal, acid oxalic có thể dẫn đến ung thư khiến NTD rất ái ngại, né sản phẩm tươi, chuyển sản phẩm khô như hủ tiếu, mì, miến… Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện đa số người mua đều dè chừng, căn dặn tiểu thương lấy bún sạch.

Cầm 2kg bún vừa mua cho bữa ăn chiều, chị Nguyễn Ngọc Trúc (Phường 4- TP Vĩnh Long) nói: “Nghe vụ bún nhiễm độc, chứa chất tẩy trắng nên tôi đến chỗ quen mua mà vẫn thấy lo lo”. Cô Nguyễn Thị Hải (Phường 2- TP Vĩnh Long) nói: “Nghe ớn quá nên tạm thời ngưng bún một thời gian, chờ công bố của cơ quan quản lý mới an tâm ăn tiếp”.

Cô Nguyễn Thị Tiếng (xã Tân Hạnh- Long Hồ) cũng nói: “Nghe sợ sợ, giờ ăn uống gì cũng nghe nhiễm độc, chứa chất độc hại, riết rồi không biết đi chợ mua gì?”

Cô Nguyễn Thị Thu Oanh- tiểu thương chợ Vĩnh Long cho biết: “Tui bán bún gần 20 năm, mới thấy chuyện động trời như vầy. Giờ bán 20 kg/ngày cũng trần thân, giảm một nửa so với trước. Thấy báo chí đưa tin bún chứa chất huỳnh quang, nhiễm độc gì gì đó là rầu rồi. Mình lấy bún có nguồn gốc đàng hoàng vẫn bị ảnh hưởng. Giờ lấy ít bán hết rồi lấy tiếp chớ lấy nhiều vì sợ… ôm sô”.
 
Cô Oanh cho biết thêm: “Nhiều người nhà có đám mà cũng không dám mua, ngay cả khách mối cũng chuyển sang mua hủ tiếu vì sợ ăn vào bị bệnh. Mong cơ quan chức năng sớm công bố kết quả kiểm tra để NTD an tâm, ăn bún trở lại”.

Tổ trưởng Tổ bún chợ Vĩnh Long Dương Thị Toán cho biết: Chợ có khoảng 18 tiểu thương bán bún, bánh canh, bánh hỏi… Bún được lấy từ các lò có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm như Ba Khánh, Phúc An. Khi có thông tin bún nhiễm độc, các tiểu thương bán rất ế (mỗi hộ bán không đầy 20 kg/ngày). Giờ có ổn định hơn (khoảng 50- 60 kg/ngày) nhưng vẫn còn chậm hơn trước nhiều.
 
Cô cũng cho biết thêm, bún ở chợ bán sỉ cho quán xá, một số chợ xã gần TP Vĩnh Long và chủ yếu bán lẻ. Tuy nhiên, rất hiếm tiểu thương từ huyện lên mua vì ở huyện cũng có lò.

Đâu là bún sạch?

Cô Lưu Kim Phụng- chủ lò bún Ba Khánh (xã Trường An- TP Vĩnh Long) nói: Thị trường bún trước đây rất lộn xộn: nào bún trôi nổi, bún giả… Nhưng nhiều người vì lợi nhuận vẫn bán cho NTD.

Cô cũng cho biết thêm, trước đây, rất nhiều người mê bún trắng đẹp, chê bún màu gạo truyền thống. Có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm 6 năm nay nhưng bún của cơ sở cô cũng từng có thời gian bị chê như vậy.

Tuy nhiên, sau thông tin bún nhiễm chất tẩy trắng công nghiệp tinopal có thể gây ung thư, nhiều người ngán bún nhưng cũng có người quay lại tìm bún sạch, có thương hiệu. Nhờ vậy, lượng bán ra không giảm nhiều. Hiện mỗi ngày lò của cô bán từ 700- 1.000kg bún, phở, bún bò huế, bánh canh các loại.

Đóng gói thành phẩm ở lò bún Ba Khánh.


Cũng theo cô Phụng, từ trước đến nay, cơ sở vẫn bán kiểu “mua đứt bán đoạn” chứ không bán bao (thu hàng thừa trở lại) như một số nơi khác. Hiện thị trường vẫn chưa ổn định lại. Tuy nhiên, đây là cơ hội cho bún sạch khẳng định mình.

Nhà có quán ăn nên khi có thông tin bún nhiễm độc, chú Phạm Công Truyền (xã Tân Hạnh- Long Hồ) không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, chú khẳng định: “Dù sợ ảnh hưởng đến buôn bán nhưng tôi lấy hàng có nơi sản xuất cụ thể, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nên tôi an tâm mua bán hơn. Thực khách đến hỏi tôi cũng giải thích đàng hoàng cho khách an tâm”.

Chúng tôi đã liên lạc với Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Long, trao đổi qua điện thoại, anh Nguyễn Khoa Nam- Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 4 cho biết: Ngay sau khi có thông tin bún có chứa chất huỳnh quang, chi cục đã tăng cường kiểm tra các mặt hàng bún, đảm bảo an toàn cho NTD. Chi cục đang tiến hành lấy mẫu đưa đi xét nghiệm.

Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền lợi NTD, ngành chức năng cần xông xáo vào cuộc. Thời điểm này, để bảo vệ sức sức khỏe gia đình và người thân, NTD cần chọn bún có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng của những cơ sở có uy tín, tránh mua những mặt hàng trôi nổi.

Kinh nghiệm gần 30 năm làm bún, cô Lưu Kim Phụng- chủ lò bún Ba Khánh nói: Bún sạch phải có màu tự nhiên như màu hạt cơm, hơi đục. “Cơm có màu ra sao thì cọng bún có màu y như vậy”. Bún càng trắng bóng thì càng “có vấn đề” về hóa chất.

Bài, ảnh: THẢO ANH

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh