Mùa mưa lũ, mối nguy từ sạt lở bờ sông luôn đe dọa đến đời sống và sản xuất của người dân. Vì vậy, không đợi nước đến chân, việc gia cố, chống sạt lở tại một số điểm xung yếu được triển khai ngay trong mùa khô.
Điểm nóng sạt lở tại Khóm 6 (Phường 5- TP Vĩnh Long).
Mùa mưa lũ, mối nguy từ sạt lở bờ sông luôn đe dọa đến đời sống và sản xuất của người dân. Vì vậy, không đợi nước đến chân, việc gia cố, chống sạt lở tại một số điểm xung yếu được triển khai ngay trong mùa khô.
Công trình kịp thời, an lòng dân
Công trình đê bao kết hợp giao thông nông thôn qua 2 ấp Mỹ An- Trà Mòn (Tân Mỹ- Trà Ôn) là một trong những điểm thường xuyên bị nước lũ đe dọa. Dọc tuyến kinh Trà Mòn, một bên đã được tôn tạo đê bao khá vững chải, bên còn lại luôn là điểm nóng khi mưa lũ về.
Xác định đây là địa bàn xung yếu cấp bách cải tạo đê bao ngăn lũ nên ngay sau mùa lũ năm 2012, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB- TKCN) huyện Trà Ôn đã đến khảo sát và lập kế hoạch tôn tạo tuyến đê bao này.
Ông Nguyễn Minh Thuấn- Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trà Ôn cho biết: Công trình đê bao Mỹ An- Trà Mòn đã được khởi công ngay từ đầu năm 2013, đến nay công trình đã đạt trên 65% khối lượng. Hiện đơn vị thi công đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước mùa lũ.
“Nhà cách mé sông chừng 5m nên khi nước lên vào tháng 9, tháng 10 là sân, nhà ngập bình địa, nước ngập ngang đầu gối, mỗi lần đi là lội nước lủm bủm, đường dơ, lầy lội lắm”- chị Lê Thị Mỹ Hồng (ấp Mỹ An, xã Tân Mỹ- Trà Ôn) nhớ lại.
Chị Hồng còn cho biết thêm, mỗi khi mùa mưa tới thì nước con kinh Trà Mòn lên ngập rất dữ. Do chưa có đê bao chắc chắn nên mỗi mùa mưa, lũ là cả xóm lại lo be bờ ngăn nước, chống lũ nhưng chỉ là tạm bợ cho qua mùa mưa.
“Bờ sông giờ được đắp đất cao ráo, chắc chắn năm nay nhà không còn bị ngập nữa, đi lại sẽ dễ dàng hơn, thiệt mừng hết biết. Bây giờ không ngập nữa là tụi tui mừng lắm rồi”- anh Nguyễn Văn Lành- chồng chị Hồng nói.
Chỉ cách một con sông nhưng phía bên nhà của chú Ba Sắc (ấp Mỹ An, xã Tân Mỹ) thì đỡ lo hơn vì đã có đê bao từ những năm trước. Theo chú Ba Sắc, bên sông đường sình lầy khó đi lắm, hễ vô mùa nước là bị tràn. Có ngày nhà chú để đầy xe vì hàng xóm bên kia sông gửi nhờ do đường trơn, không đi lại được. Giờ có đê bao mới đắp nên năm nay sẽ khá hơn.
Chỉ ra con đường rải đá trước nhà, chú Ba Sắc cho biết: “Đường này dân tụi tui tự góp tiền mỗi người 100.000đ, rải đá hơn cây số để dễ dàng đi lại trong mùa mưa, nghe vận động làm đường bà con ở đây ai cũng nhất một đồng tình”.
Ông Đặng Văn Ba- Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, cho biết: Đoạn bờ bao kinh Mỹ An- Trà Mòn đang thi công sẽ lót đan trước mùa lũ, để bảo vệ sản xuất và đời sống người dân. Tuyến đường bên còn lại cũng được quy hoạch lên lộ nhựa liên ấp Mỹ An, Trà Mòn, Thủy Thuận, Gia Kiết với lộ trình gần 4km.
Bên cạnh đó, tuyến đê bao kinh Ba So giáp ranh 2 xã Tân Mỹ và Thiện Mỹ cũng đã hoàn thành trong mùa khô, đảm bảo sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, tuyến đê bao cặp sông Mang Thít tuy có kè nhưng do sóng lớn gây lở, chủ yếu được gia cố qua mùa mưa đoạn qua 2 ấp Mỹ Bình và Mỹ Định. Thời gian qua, người dân địa phương luôn đồng tình hiến đất làm đường, đê bao việc vận động dễ dàng.
Chú trọng địa bàn xung yếu
Theo Ban chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có những địa bàn được xác định là điểm nóng chịu ảnh hưởng thiên tai như vùng ngập lũ kết hợp triều cường thuộc vùng Bắc QL1 có độ ngập lên đến 1m, sâu nhất tỉnh và thời gian ngập lụt cũng lâu hơn những vùng khác.
Vùng từ QL1 đến bờ Bắc sông Mang Thít là vùng trũng nội đồng, độ ngập dao động từ 0,5- 1m có thời gian ngập khá lâu và các cù lao trên sông Tiền, sông Hậu. Vùng từ bờ
Bên cạnh đó, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao cũng được xác định: Phía bờ tả sông Hậu đoạn từ kinh Hai Quý đến bến phà Cần Thơ cũ, đoạn bờ nhánh sông Tiền (thuộc huyện Long Hồ) phía giáp ranh với tỉnh Tiền Giang, khu vực đình Tân Hoa (Tân Hòa- TP Vĩnh Long) phía thượng lưu cầu Mỹ Thuận, phần cuối nối tiếp kè Phường 5- TP Vĩnh Long.
Ngoài ra, khu vực sạt lở thường xảy ra trong mùa lũ gồm các đầu cồn trên sông Hậu, sông Tiền thuộc các huyện Long Hồ, Vũng Liêm, Trà Ôn, Bình Minh; tuyến sông Pô Kê thuộc 2 huyện Long Hồ và Tam Bình, đoạn kinh Đường Trâu- Sóc Tro (Tam Bình), vàm Trà Ôn, kinh Mương Lộ, kinh Lớn- Bà Lang (Long Hồ), vàm Mỹ An (Mang Thít), kinh Rạch Sâu, kinh Phước Lý Nhì, đê bao sông Bang Tra, đê bao sông Mai Phốp (Vũng Liêm), kinh Xáng Ngay (Trà Ôn).
Riêng tại TP Vĩnh Long, phần cuối nối tiếp kè Phường 5 đang bị sạt lở dài khoảng 800m, bắt đầu từ sau tuyến kè kiên cố về phía hạ lưu (thuộc Khóm 5 và Khóm 6). Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, từ đầu năm 2013 đến nay, đoạn sông Cổ Chiên thuộc Khóm 6 (Phường 5) đã xảy ra 2 vụ sạt lở 50m, lấn sâu vào bờ 6m.
Ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh lưu ý: Các địa phương cần chủ động rà soát, gia cố các công trình, khảo sát đánh giá lại nguy cơ ảnh hưởng đến công tác PCLB; riêng về sạt lở, địa phương cần khảo sát kỹ, trong đó chú ý tại những điểm xung yếu thuộc các thị tứ, bởi khi có sạt lở ở những nơi này hậu quả sẽ rất lớn cho nên cần có kế hoạch di dời các hộ có nhà tạm bợ ven sông để đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân.
Tại hội nghị triển khai công tác PCLB năm 2013, ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho rằng: Cao trình của các công trình thủy lợi phục vụ PCLB hiện nay chưa đáp ứng được việc ứng phó trong PCLB bởi thực tế cho thấy, các công trình bị ngập năm trước thì năm sau vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tương tự, do đó cần được gia cố để ứng phó lâu dài. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN- THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin