Nông dân Vĩnh Long trên đường xây dựng nông thôn mới

10:07, 02/07/2013

Vĩnh Long là một tỉnh nông nghiệp, đại bộ phận lao động là nông dân. Nông dân là đội quân chủ lực trong các cuộc đấu tranh cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nông dân là người làm nên lịch sử của địa phương, đất nước.

Vĩnh Long là một tỉnh nông nghiệp, đại bộ phận lao động là nông dân. Nông dân là đội quân chủ lực trong các cuộc đấu tranh cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nông dân là người làm nên lịch sử của địa phương, đất nước.

Vai trò vị trí của nông dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước

Vĩnh Long là vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc Kinh, Khmer, Hoa... Ngay từ những ngày đầu mở cõi, ông cha ta đã lấy nghề nông làm căn bản, nhanh chóng biến miền đất hoang vu sình lầy thành ruộng vườn xanh tốt.

Từ những người nông dân lao động tự do, sống rày đây mai đó, ông cha ta đã lập làng, tạo dựng cuộc sống sinh hoạt vật chất tinh thần phong phú. Tuy nhiên trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội đã dẫn đến sự phân hóa giai cấp trong nông nghiệp, nông thôn.
 
Ruộng đất tập trung vào một số ít người, đại đa số nông dân lao động trở thành tá điền, làm thuê cho địa chủ, phong kiến. Năm 1732, tỉnh Vĩnh Long được thành lập, xác định quyền cai quản của chúa Nguyễn ở phía Tây Nam . Người nông dân Vĩnh Long phải thay phiên nhau vừa làm ruộng vừa làm lính chống giặc ngoại xâm gìn giữ biên cương Tổ quốc.

Dưới thời thực dân Pháp đô hộ, nông dân Vĩnh Long đã cùng các sĩ phu yêu nước liên tục đấu tranh kháng Pháp. Nhất là từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, người nông dân Vĩnh Long đi theo Đảng làm cách mạng.

Phong trào nông dân đấu tranh chống thực dân phong kiến áp bức bóc lột sâu rộng khắp nơi. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Vĩnh Long chính là cuộc khởi nghĩa của nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tiếp đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1945- 1954 và chống đế quốc Mỹ xâm lược năm 1954- 1975 cũng chính là cuộc kháng chiến của người nông dân Vĩnh Long mặc áo lính đi theo Đảng, Bác Hồ giành độc lập dân tộc.

Năm 1979, “lửa cháy hai đầu đất nước”, nông dân Vĩnh Long lại mặc áo lính tiếp tục chiến đấu hy sinh trên chiến trường biên giới phía Tây Nam và giúp bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của chế độ Polpot.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, nông dân Vĩnh Long ra sức lao động sản xuất cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chỉ tính riêng từ năm 1930 đến nay, Vĩnh Long ta có 16.150 liệt sĩ, 3.676 thương binh, hàng ngày người kháng chiến bị địch bắt tù đày.

Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược và xây dựng chủ nghĩa xã hội, các địa phương, đơn vị và cá nhân của Vĩnh Long ta đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 15,429 huân chương cao quý các loại, 50 đơn vị, địa phương, tỉnh và 41 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng lao động”; 486 “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (tư liệu lịch sử tỉnh Vĩnh Long).

Có thể nói tất cả những mất mát hy sinh, những thành tích đã được ghi nhận hầu hết thuộc về nông dân hoặc xuất thân từ nông dân Vĩnh Long đã hết mình vì quê hương, đất nước.

Thực trạng và giải pháp

Nhận rõ vai trò vị trí của giai cấp nông dân trong đấu tranh cách mạng, ngay từ khi mới thành lập, Đảng- Bác Hồ đã chủ trương giải phóng dân tộc trước hết là giải phóng nông dân, dân chủ thực chất là người cày có ruộng. Ở tỉnh Vĩnh Long, đường lối đó luôn được quán triệt thực hiện.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta xác định nông nghiệp là cơ sở, từ nông nghiệp đi lên, nhiều chủ trương chính sách lớn quốc gia đều hướng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Thực hiện di chúc của Hồ Chủ tịch, hơn 10 năm qua, Nhà nước ta đã miễn hoàn toàn thuế đất nông nghiệp, hỗ trợ mọi mặt và miễn giảm các nghĩa vụ đóng góp cho nông dân. Diện mạo nông thôn được đổi mới, nền nông nghiệp phát triển toàn diện, năng suất, sản lượng vật nuôi, cây trồng ngày một tăng, sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú. Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân được cải thiện rõ rệt.

Thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa cơ cấu kinh tế Vĩnh Long ta đã và đang chuyển dịch đúng hướng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng lên, kinh tế nông nghiệp giảm đi tương đối.
 
Nhìn chung sau 38 năm giải phóng, nông nghiệp, nông thôn Vĩnh Long ta đã có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu hiện tại, tương lai thì còn nhiều vấn đề bức xúc đặt ra cần giải quyết.

Tính bình quân lao động và bình quân đầu người về đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta so với trong vùng và so với năng lực lao động hiện tại tương đối thấp (1 công/người, hơn 3 công/1 lao động). Trong tương lai con số này còn tiếp tục giảm.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp ngày càng có giá trị hiệu quả hơn. Phải chăng phải từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất, công nghiệp hóa trong nông nghiệp, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại, giảm thiểu tối đa sự lệ thuộc vào thiên nhiên, nâng cao năng suất lao động.

Vĩnh Long ta là tỉnh nông nghiệp, ngày đầu mới giải phóng lao động nông nghiệp chiếm hơn 80% dân số, nay lao động nông nghiệp chỉ còn 59,66% dân số. Có hàng ngàn người nông dân chuyển cư làm ngành nghề khác, giao lại ruộng đất cho người thân hoặc sang bán cho người khác.
 
Hiện một số người đã có tới 40- 50 công đất, nhưng không liền thửa, liền đồng, không thể đầu tư cải tạo gì hơn. Nhìn chung sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta hiện nay chủ yếu vẫn còn manh mún nhỏ lẻ, không có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cùng chủng loại cung ứng cho thị trường.

Mức thu nhập bình quân đầu người trong nông nghiệp nông thôn ở tỉnh ta hiện nay khoảng hơn 3 triệu/người/năm (bằng 1/5 mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh). Với mức thu nhập thấp, người nông dân không đủ trang trải chi phí cho những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày nói gì đến đầu tư cho tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng.
 
Để tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, ổn định đời sống, an sinh xã hội, giành lợi thế trên thị trường. Thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới... có biết bao vấn đề đặt ra cần giải quyết. Nông dân không thể đơn độc làm được mà phải có sự liên kết hỗ trợ chặt chẽ, có hiệu quả giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp với nhà nông.

Tóm lại, Vĩnh Long là một tỉnh nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Xưa kia hàng bao đời người dân lam lũ quanh năm mà vẫn quanh năm cực khổ.

Nhờ có Đảng và đi theo Đảng làm cách mạng, nông dân Vĩnh Long mới được đổi đời, từ người dân nô lệ bị áp bức bóc lột trở thành người làm chủ, con em được học hành, dân trí phát triển, hàng ngàn người có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học đã và đang tiếp bước cha anh xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.

Trọng nông là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam . Tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng làm, các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Vĩnh Long ta sớm được thực hiện và nông nghiệp, nông dân, nông thôn Vĩnh Long ta phát triển giàu mạnh.

Trước đây, người nông dân lao động canh tác theo kinh nghiệm, hiện còn hơn 70% lao động chưa qua đào tạo. Thời nay, khoa học kỹ thuật đã trở thành động lực của lực lượng sản xuất. Việc giáo dục đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người nông dân là rất cần thiết.

TRƯƠNG CÔNG GIANG


 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh