
Thật khó khăn khi đối diện với các mẹ, vì sự khơi gợi lại những nỗi đau đã chạm đến giới hạn tận cùng của sức chịu đựng. Các mẹ đều đã còng lưng, bạc tóc vì thời gian, mà những câu chuyện, những nỗi đau thì mãi mãi không bao giờ “cũ”.
Thật khó khăn khi đối diện với các mẹ, vì sự khơi gợi lại những nỗi đau đã chạm đến giới hạn tận cùng của sức chịu đựng. Các mẹ đều đã còng lưng, bạc tóc vì thời gian, mà những câu chuyện, những nỗi đau thì mãi mãi không bao giờ “cũ”.
Mẹ là hình ảnh quê hương, đi qua một thời bom đạn chiến tranh. Những Bà Mẹ Việt
“Nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con”- Mẹ Việt
“Mấy chục năm rồi, nghe mấy con nhắc đến chiến tranh mà còn bủn rủn tay chân”- giọng mẹ Hoa nghe như tiếng gió trôi qua sau vườn trưa nắng.
Tưởng chừng có hơi lạnh chạy dọc sống lưng, chúng tôi cảm thấy mình như người có lỗi. Vội lãng sang chuyện thời tiết, chuyện gió mái để hỏi han sức khỏe, mẹ lại than cái chân còn đau, vì hôm trước vừa vấp ngã bên chái bếp.
“Chuyện hồi xưa hả?”
Mẹ Việt
“Muốn coi vô tuyến kêu mấy đứa cháu vô bắt, nghỉ coi cũng kêu tụi nó vô tắt. Sáng tụi nó pha sữa, nằm đung đưa võng kể chuyện cho mấy đứa cháu nghe cũng vui. Nghỉ hè, tụi nó quanh quẩn ở nhà, chứ tựu trường đi học, thì chỉ ở nhà một mình, buồn lắm”- rồi mẹ lại rưng rưng: “Tui có 5 đứa con- 4 trai, 1 gái. Phải chi còn đầy đủ, thì bây giờ vui dữ. Nhưng đã hy sinh hết 3 đứa con trai lớn”. Câu chuyện cũng lắng lại, theo những hồi ức rưng rưng…
Sinh ra bên kia bờ kinh, lớn lên lấy chồng bên đây bờ kinh, cách nhau có mấy mái dầm, vậy mà khi bom đạn ì đùng, thì đoạn đường ấy dài ra “ngàn cây số”. Bởi nó dài bằng một cuộc tử sinh. Ngay từ câu chuyện mở đầu của mẹ Hoa, đã cho chúng tôi hình dung được sự khốc liệt của chiến tranh. Khi tiếng súng rộ lên khắp xóm, thì sự sống và cái chết tựa như trò chơi trên chiếc cầu bập bênh, bất kể là người lính hay thường dân.
Hình ảnh người phụ nữ ôm con nhỏ nhào xuống hầm tránh đạn, mà nỗi lo âu thì gởi đi… tứ phía; lớp lo cho mẹ già một thân một mình, lớp lo cho mấy đứa con tham gia du kích, bộ đội địa phương. Im tiếng súng là nhảy vội xuống xuồng, tất tả bơi về bên kia sông thăm con, rồi lại trông ngóng tin tức. Nghe tin có bộ đội, du kích hy sinh là ruột gan thắt thỏm không yên.
Hàng đêm thầm van vái, cầu mong cho “bom đạn hiền lành”; vậy mà đời mẹ rồi cũng có đến 3 lần nhận tin sét đánh.
Lột khăn, quỳ lạy, xin xác con về
Chồng mẹ Hoa- ông Hoa Văn Chơi, mất sớm sau một cơn bệnh nặng. Thế là, ở cái tuổi 40, mẹ trở thành góa phụ. Một nách 5 con, mẹ gồng gánh trên vai thêm trách nhiệm “làm cha”.
Hồi đó, căn nhà của mấy mẹ con mẹ Hoa cũng là nơi nuôi chứa, cứu thương cho bộ đội. 3 người con trai đầu lần lượt tham gia du kích, bộ đội địa phương để “đánh Mỹ cứu nước”. Và cả 3 đều hy sinh kẻ trước người sau, không một ai về với mẹ.
Trong những đợt phản công ác liệt sau Xuân Mậu Thân 1968, chỉ trong vòng có 2 tuần lễ mà mẹ Hoa 2 lần nhận tin các con mình đã hy sinh. Người con thứ Ba- anh Hoa Văn Lắng, hy sinh khi giữ chức vụ là tiểu đội phó. Rồi người con lớn thứ Hai- Hoa Văn Lo, là xã đội phó cũng hy sinh khi đụng tụi biệt kích ở Mù U, khi vừa bước qua tuổi đôi mươi.
“Nghe tin con chết, trong người cũng chết điếng, tui không còn biết sợ gì nữa, nên bặm gan đi xin xác con về. Thiệt tình có lòng dạ sắt đá nào chịu đựng được, khi nhìn xác con trai bị bắn chết để nằm dang nắng ngoài sân. Khóc lóc van xin cả buổi, mà thằng trưởng ấp tuổi đáng con mình, nó hăm he, mắng nhiếc đủ điều.
Tui lột chiếc khăn rằn xuống vai, quỳ lạy nó hãy ráng làm chút phúc đức ở đời. Nó dục dặc, hầm hừ cho đến trời đứng bóng, mới gật đầu. Tui thấy còn xác thằng Tám quê ở Sa Đéc, chung đơn vị với thằng Hai cũng hy sinh trong trận đánh đó, mà không ai nhận xác, nên năn nỉ thêm một chập, rồi mang xác cả 2 đứa về giao cho bộ đội chôn cất”.
“Nước mắt mẹ không còn”
Thời chiến tranh, vùng này ác liệt dữ lắm, cứ vài ba bữa là phải đi sơ tán. Giặc càn quét ghê lắm. Mẹ gởi đứa con gái ngoài nhà dì Út. 2 người con trai lớn đã hy sinh, còn 2 người con trai nhỏ. Nhà có chiếc xuồng ba lá, mỗi lần tản cư là mấy mẹ con gói ghém đồ xuống xuồng bơi đi.
Mẹ thấy tội nghiệp thằng Út, đi học lội nước lủm chủm, việc học của nó cũng “lủm bủm” luôn, cứ bữa đực, bữa cái. Đôi ba bữa đầu này, đôi ba bữa xóm nọ. Cứ trông ngó mà bơi xuồng về hướng nào im im tiếng súng rồi neo đậu. Lâu lâu, lại đáo về nhà gieo cấy, để có cái mà ăn.
“Tụi giặc biết gia đình tui theo cách mạng, nuôi chứa bộ đội, nên cứ kiếm chuyện hành hạ mẹ con tui rất dã man. Tui nhớ có lần, tụi nó bắt 2 mẹ con tui ra trói ở gốc mù u thay phiên nhau đánh đập. Nó đá thằng nhỏ như trái banh không cho rớt xuống đất, đến nỗi tụi vợ lính thấy mà kêu trời. Một thằng đã giậm nguyên gót giày đinh vào mặt, làm tui nổ con mắt, có tật đến giờ. Thằng con thứ Tư căm phẫn, ra tù nó đi du kích luôn”. Năm đó, anh Hoa Văn Dũng mới vừa 13 tuổi.
Lúc lắc chiếc võng, trở thế cái chân đau, mẹ kể tiếp chuyện xưa:
“Con tui nó đi du kích gần nhà. Tui với thằng Út cũng loanh quanh gần đó, để lo tiếp tế cho con. Lúc đó, tui có quen với chị Tư, cũng có con đi du kích. 2 chị em giả đò đi đóng đáy, mà thiệt là đem trà bánh thăm con. Thằng Tư tui nó kim chỉ, sáng dạ lắm, cái gì cũng biết mần hết. Hôm, miệng đáy của tui bị hư rách hết, tui than với nó vậy mà nó kêu má mua cây lưới đem lưới vô đây con mần cho. Hồi nào tới giờ đâu thấy nó mần, ai dè 2 ngày nó ráp xong miệng đáy. Nó còn nói, con đánh giặc xong, về phụ má mần ruộng. Vậy mà… có mấy bữa sau lại nghe tin nó đã hy sinh”.
Lại thêm một lần nữa, mẹ lấy xuồng đi chở xác con về. Phải ngụy trang bằng đám rau mác, phải bình tĩnh như không để qua mắt giặc. Có cảnh đoạn trường nào hơn cảnh mẹ chở xác con “nghe đứt từng đoạn ruột” mà không dám khóc?
Anh Hoa Văn Tươi thắp nhang lên bàn thờ 3 người anh trai.
Mẹ Hoa sụt sịt, lấy khăn chặm nước mắt. Thật sự trong đôi mắt khô, mờ đục ấy, có còn nước mắt đâu mà lau? Bởi đã mấy mươi năm rồi, “nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con”. Nỗi đau tận cùng bật lên từ gan ruột, nhưng tiếng khóc không lời cũng đã quen nén lại lặng lẽ trong từng đêm vắng, cô đơn.
“Thưa mẹ, chúng con về. Cầu chúc mẹ luôn mạnh khỏe, thật vui và ấm áp, giữa tình yêu thương, kính trọng của mọi người!”
“Mà phải chi hồi đó êm ái như bây giờ, tui nuôi con đâu có sợ. Chiến tranh ác liệt quá mấy đứa ơi! Tui mới sanh có 5 ngày còn non ngày tháng, nằm ép mình dưới hầm, nghe tiếng giày đinh chạy rầm rập trên đầu, tiếng la hét, chửi thề hối thúc lục tìm bộ đội, bắn súng inh trời, chúng lại nhà đập phá tra hỏi, bắt tui khai “Việt cộng ở đâu?”. Nó khủng bố bắn điếc cả trời đất, chứ có nương tay gì với đàn bà, con nít mới sanh đâu. Thiệt hồi đó sống nay, chết mai. Mình sống được ngày nào là mừng ngày đó”.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin