Mưa ướt vai người

09:07, 07/07/2013

Trời mưa bão liên miên khiến cho người ở vựa lúa miền Tây năm nay càng xót xa. Cái hột lúa khổ trong vòng quay kinh tế thị trường thực thực ảo ảo chưa đủ sao mà ông trời còn bắt tội? Mưa chi mưa hoài.

Trời mưa bão liên miên khiến cho người ở vựa lúa miền Tây năm nay càng xót xa. Cái hột lúa khổ trong vòng quay kinh tế thị trường thực thực ảo ảo chưa đủ sao mà ông trời còn bắt tội? Mưa chi mưa hoài.

Người miền Tây quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Sáng tối ra đồng, bắt sâu, nhổ cỏ hơn 3 tháng trời, tới ngày thu hoạch, giá cả rớt tuột, mưa bão đổ ngã. Hột lúa vàng tươi cứ sẫm màu dần như lòng người héo queo, xám ngắt.

Năm nay nông nghiệp èo ọt. Tăng trưởng âm là chuyện xưa nay chưa từng có của xứ ruộng miệt vườn. Cả nước, nông nghiệp cũng chỉ tăng hơn 2%. Trong khi đây từng là mặt trận hàng đầu, là “chỗ dựa” tin cậy của nền kinh tế.

Không khỏi chạnh lòng khi cứ nghe nông dân tâm sự “quyết cho con học hành để thoát khỏi cảnh nghèo hèn”.

Hóa ra, tri thức đôi khi không hẳn là cái người ta muốn vươn tới, mà chỉ là phương tiện để thoát khỏi cảnh ruộng đồng. Điều đó trở thành “động cơ” đẩy sau lưng. Không chạy không được. Bỗng nhớ câu thơ nào “Người già quanh tôi luôn hoài niệm về những cánh đồng/ Dẫu hạt lúa trả công họ bằng đời người nước mắt…”*

Chính họ đã hiểu rằng phải dầm mưa dãi nắng, phải vật lộn với đời, cam chịu nhọc nhằn vì ít chữ. Cho nên, những mặc cảm chữ nghĩa mượn con trẻ gánh dùm. “Bao giọt thời gian rắc mùa lên tóc? Luống cày đi lấp bóng bàn chân/ Những mặc cảm chữ nghĩa neo vào giấc mơ con trẻ”.

Sĩ tử đang nườm nượp kéo về đô thị để dự thi đại học. Không ít trong số đó mỗi đồng tiền xe, bữa cơm ăn, mỗi đêm ngủ đều đã được tính toán cân đo, đã được “quy ra lúa” cẩn thận. Sao cho không phải một chuyến đi thi mà nhà mắc nợ tận mùa sau.

Nên cũng chẳng trách được thí sinh thường đổ dồn về các ngành kiếm “tiền tươi thóc thật” như kinh tế, quản trị kinh doanh…

Ai cũng đâm ra sợ hãi các ngành chuyên nói chuyện “trên mây” như Ngữ văn, Lịch sử, Triết học,… trong khi thật ra tri thức về văn hóa- xã hội là một yêu cầu vô cùng cần thiết đối với một con người, một đất nước

* “Mắc nợ phù sa”- Nguyễn Đức Phú Thọ

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh