Thêm nhiều chính sách đãi ngộ mới cho người có công

07:07, 26/07/2013

Thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, gần đây các gia đình chính sách và người có công được hưởng thêm nhiều chính sách ưu đãi mới. Từ những chính sách đãi ngộ này, hiện nay hầu hết các gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của người dân ở nơi cư trú.


Thăm viếng, tặng quà gia đình chính sách là thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, gần đây các gia đình chính sách và người có công được hưởng thêm nhiều chính sách ưu đãi mới. Từ những chính sách đãi ngộ này, hiện nay hầu hết các gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của người dân ở nơi cư trú.

Đời sống người có công đã tốt hơn

Phong trào chăm sóc gia đình chính sách, người có công được Đảng, Nhà nước tập trung chăm lo trên mọi phương diện. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, công tác xã hội hóa đền ơn đáp nghĩa cũng được đẩy mạnh đã giúp cho các gia đình chính sách, người có công nhất là những người còn khó khăn dần ổn định cuộc sống.

Chiều 24/7, gia đình bà Nguyễn Thị Thành (88 tuổi, Ấp 6B, xã Long Phú- Tam Bình) rộn rã tiếng cười. Lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, lãnh đạo huyện, xã đến bàn giao nhà tình nghĩa cùng những phần quà, những lời chúc mừng bà được nhà mới.

Bà móm mém: “Mừng lắm, vui dữ lắm, nhờ Nhà nước tui có nhà mới ở nữa rồi”. Bà Thành (tức Bảy Thành) là vợ liệt sĩ Đặng Văn Thành và mẹ liệt sĩ Đặng Văn Hai. Năm Mậu Thân, chiến tranh ác liệt, chưa đầy 6 tháng mà bà phải mất mát 2 người thân yêu của mình.

Bản thân bà cũng làm giao liên tại xã. Năm 1992, thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, địa phương hỗ trợ cất cho bà nhà tình nghĩa. Song, qua năm tháng, căn nhà tình nghĩa thời đó cũng xuống cấp, địa phương sửa chữa lại nhà cho bà và hôm nay thì cất mới: nhà tường, lợp tôn. Căn nhà trị giá hơn 55 triệu đồng, trong đó quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh là 40 triệu đồng, số còn lại gia đình đóng góp.

Gia đình cô Phạm Thị Út (65 tuổi, ấp Phú Sơn A, xã Long Phú) cũng được Công an tỉnh Vĩnh Long vận động cất tặng căn nhà tình nghĩa. Hiện gia đình cô thờ cúng 2 liệt sĩ là anh và em ruột của cô. Từ năm 1962, cô làm giao liên ngành công an đến khi giải phóng.
 
Chồng cô- chú Phạm Văn Chiến (thương binh 2/4) mang trên mình những thương tích chiến tranh, đã mất sau cơn bệnh nặng vào năm 1992. Mình cô ở vậy gánh gồng nuôi 8 người con nên cuộc sống rất khó khăn.
 
Biết được hoàn cảnh của cô, trong lần đến thăm cán bộ làm công tác trong ngành, lãnh đạo Công an tỉnh đã vận động cất tặng cô căn nhà tình nghĩa mới. Cô tâm sự: “Có nhà ở mừng lắm, hết lo mưa dột, gió lùa rồi. Các con lớn có gia đình cũng biết tiện tặn mần ăn nên cuộc sống cũng đỡ hơn xưa”.

Anh Trần Văn Tấn- Chủ tịch UBND xã Long Phú cho biết, đến nay trên địa bàn xã đã cơ bản giải quyết những gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Ngoài việc thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước, đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi vận động hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, dạy nghề và giới thiệu việc làm nên đa số các gia đình chính sách có điều kiện thuận lợi trong phát triển sản xuất.

Hàng năm, hướng tới kỷ niệm ngày Thương binh- Liệt sĩ, tỉnh đều kêu gọi và phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, các sở ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng, tặng quà cũng như đóng góp quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Việc đóng góp quỹ Đền ơn đáp nghĩa ngoài mục tiêu hỗ trợ xây mới, sửa chữa căn nhà tình nghĩa còn hỗ trợ đời sống người có công về nhiều mặt.

Có thể nói, chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với người có công, những người được hưởng chế độ có tác động rất lớn đối với gia đình, giúp họ từ hoàn cảnh khó khăn vươn lên có cuộc sống ổn định.

Thông qua những chính sách này, giúp cho những người thụ hưởng chính sách tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, từ đó tích cực vận động con em mình tham gia học tập, bảo vệ Tổ quốc cũng như hưởng ứng các chủ trương và chính sách do Nhà nước phát động.

Thêm nhiều chính sách đãi ngộ mới

Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện chính sách thì các phong trào tình nghĩa, xã hội hóa chăm sóc người có công ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 2012, toàn tỉnh đã xây dựng được 742 căn nhà tình nghĩa tặng cho các gia đình chính sách với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng, nâng tổng số nhà tình nghĩa toàn tỉnh lên hơn 7.000 căn.

Đến nay, những khó khăn về nhà ở đối với các đối tượng người có công đã được giải quyết căn bản. Ngoài ra, chương trình dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động được triển khai thực hiện đã giúp cho các đối tượng chính sách tìm phương án ổn định cuộc sống.

Người thuộc diện gia đình người có công được ưu đãi học nghề miễn phí, được hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian học nghề. Và, nhiều người thuộc diện này có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn từ các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã đề nghị Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cho 873 Mẹ Việt Nam anh hùng. Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời tất cả 335 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống.

Mỗi mẹ được trợ cấp thêm một số tiền trang trải cuộc sống tuổi già. Ngoài ra, hàng năm vào các dịp lễ tết, các đơn vị nhận phụng dưỡng còn cử người đến thăm hỏi tặng quà cho các mẹ.

Theo khảo sát của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện 100% xã- phường- thị trấn được công nhận thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, trên 90% gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân với người dân ở nơi cư trú.

Ông Lê Quang Đạo- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, vừa qua Nhà nước có ban hành nhiều chính sách mới đãi ngộ cho gia đình chính sách, người có công.

Hiện sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy và đang kết hợp với các ngành tiến hành rà soát tất cả các đối tượng trên địa bàn tỉnh. Khi có danh sách cụ thể, tỉnh lập hồ sơ xét duyệt và đề nghị công nhận đúng theo quy định, đồng thời khi được công nhận rồi chúng tôi giải quyết các chính sách cho các đối tượng trên.

Chăm lo các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng giúp họ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân ở nơi cư trú là mục tiêu mà tỉnh đang tập trung và quyết tâm thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Quyết tâm của tỉnh là chăm lo nhà ở cho người có công và gia đình chính sách không để gia đình nào gặp khó khăn về nhà ở. Việc chăm lo gắn với nhu cầu thiết thực và trực tiếp như mua thẻ BHYT, hỗ trợ và tạo điều kiện để họ được tham gia học nghề và giải quyết việc làm, ngoài ra hỗ trợ gia đình có công dễ dàng tiếp cận với những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm giúp họ phát triển vươn lên trong sản xuất cũng như hưởng thụ văn hóa, tinh thần".

Ông Lê Quang Đạo- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ban hành 2 Pháp lệnh số 04 về bổ sung sửa đổi Pháp lệnh người có công và Pháp lệnh số 05 bổ sung sửa đổi Pháp lệnh Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

Một trong số những điểm mới của chính sách đó là bổ sung nhiều chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; mở rộng việc cấp thẻ BHYT cho một số nhóm thân nhân người có công; mở rộng quy định công nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng… Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành Nghị định 22 hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ.

Bài, ảnh: THANH QUYÊN


 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh