Ngày 19/7/2013, đoàn giám sát do ông Nguyễn Văn Giàu- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm trưởng đoàn, đã đến giám sát tại tỉnh Vĩnh Long về việc thực hiện Nghị quyết số 26 của BCH Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (ảnh).
Ngày 19/7/2013, đoàn giám sát do ông Nguyễn Văn Giàu- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm trưởng đoàn, đã đến giám sát tại tỉnh Vĩnh Long về việc thực hiện Nghị quyết số 26 của BCH Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (ảnh).
Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện, Vĩnh Long đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 23 của Tỉnh ủy, kết quả tỉnh đã thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại các ngành sản xuất nông- lâm- thủy sản theo hướng phát huy các lợi thế so sánh với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng, toàn diện và phát triển bền vững.
Trên cơ sở quy hoạch, đến nay tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao cho xuất khẩu, các mô hình “cánh đồng mẫu lớn” với tổng diện tích trên 3.000ha; vùng trồng bưởi Năm roi, cam sành, nhãn, chôm chôm, rau màu... hàng chục ngàn hec ta.
Thu nhập người dân nông thôn ở tỉnh không ngừng tăng lên, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh năm 2012 đạt 21 triệu đồng/người, tăng 1,87 lần; riêng khu vực nông thôn năm 2012 đạt 19,75 triệu đồng/người, tăng 1,93 lần năm 2008. Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt 38%.
Trong 5 năm, đã có 26.071 lượt lao động được đào tạo, sau học nghề có 79,8% lao động có việc làm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, xuồng còn 5,89% vào đầu năm 2013 (theo tiêu chí mới). Trong giai đoạn từ 2009- 2013, tỉnh đã huy động hơn 7.763 tỷ đồng từ các nguồn đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng đầu tư cho sản xuất đạt 50.543 tỷ đồng. Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã chọn 22 xã điểm tập trung đầu tư, tính đến cuối tháng 6/2013, xã đạt tiêu chí nhiều nhất là 15 tiêu chí, thấp nhất là 3 tiêu chí.
Điểm nổi bật khi thực hiện chương trình này là tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với việc phân công đồng chí bí thư cấp ủy các cấp làm trưởng BCĐ xây dựng nông thôn mới.
Dịp này, tỉnh đã kiến nghị một số vấn đề: Chính phủ có giải pháp để tháo gỡ các khó khăn và ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy “liên kết 4 nhà” nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.
Có chính sách và tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để đầu tư thiết bị sản xuất.
Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới do Chính phủ quy định là tiêu chí khung, là mục tiêu phấn đấu, cho phép vận dụng theo thực tế của địa phương về xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội (giao thông, trường học, văn hoá, nghĩa trang nhân dân…) vì ở tỉnh một số công trình còn tốt nhưng chưa đạt về quy mô và yêu cầu kỹ thuật (đạt khoảng 80%).
Về công nhận đạt xã nông thôn mới, đề nghị theo từng bước như bước 1 là cơ bản hoàn thành tiêu chí; bước 2 là hoàn thành tiêu chí theo quy định của Trung ương và bước 3 là đời sống vật chất, tinh thần của người dân phải được bền vững…
Trưởng đoàn giám sát- Nguyễn Văn Giàu ghi nhận những ý kiến kiến nghị, đồng thời lưu ý với tỉnh một số vấn đề: Tỉnh nên rà soát lại việc quy hoạch sử dụng đất với tầm nhìn dài hạn, tạo tiền đề tốt trong phát triển kinh tế- xã hội; nghiên cứu tái cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp có định hướng, mô hình cụ thể trong đó có sự tham gia của nhà khoa học; nên xây dựng chương trình hành động trong lĩnh vực khoa học- công nghệ và chọn làm khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp…
Tin, ảnh: THANH TÂM |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin