
Suy giảm kinh tế khiến nhiều công ty, doanh nghiệp lao đao, lâm vào cảnh sản xuất trì trệ, kinh doanh đình đốn, thậm chí thu hẹp quy mô hay ngừng hoạt động... Đó là một trong nhiều nguyên nhân được doanh nghiệp trên địa bàn “kêu” khiến nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) dây dưa kéo dài và ngày càng tăng lên. Ngành chức năng ra “trát” đòi, tiến hành kiểm tra các
Suy giảm kinh tế khiến nhiều công ty, doanh nghiệp lao đao, lâm vào cảnh sản xuất trì trệ, kinh doanh đình đốn, thậm chí thu hẹp quy mô hay ngừng hoạt động...
Đó là một trong nhiều nguyên nhân được doanh nghiệp trên địa bàn “kêu” khiến nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) dây dưa kéo dài và ngày càng tăng lên. Ngành chức năng ra “trát” đòi, tiến hành kiểm tra các đơn vị, nhưng việc thu được nợ cũng lắm gian nan...
Nợ dây chuyền và khó đòi từ công ty chế biến thủy sản đến người nuôi khiến doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản điêu đứng. Ảnh minh họa: VINH HIỂN
Nợ nhiều, kéo dài, trả... chậm
Công ty TNHH Biofeed (Khu công nghiệp Hòa Phú- Long Hồ) báo cáo đến ngày 31/1/2013 có 88 lao động (LĐ) và tất cả đều đã ký hợp đồng LĐ diện không xác định thời hạn. Số LĐ này thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Theo BHXH tỉnh Vĩnh Long, đơn vị này đến ngày 31/5/2013 còn nợ bảo hiểm hơn 446 triệu đồng. Làm việc ngày 25/6, đơn vị “mới vừa nộp một phần trong đó” và còn lại hơn 346 triệu đồng. Số này, đơn vị nói sẽ nộp hết vào cuối tháng 9/2013.
Ông Nguyễn Minh Thường- Phó Giám đốc Công ty TNHH Biofeed thông tin: Đơn vị chậm nộp BHXH, BHYT là do thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. LĐ đã và đang nghỉ nhiều, đến ngày 25/6, công ty chỉ còn 44 người.
Công ty CP Tư vấn- Quản lý các dự án xây dựng Vĩnh Long (Phường 1- TP Vĩnh Long), một trong nhiều đơn vị có số nợ bảo hiểm nhiều, thời gian nợ kéo dài trong danh sách thu hồi nợ đợt này. Đến hiện tại, đơn vị chỉ mới thanh toán... 31 triệu đồng.
Tổng nợ bảo hiểm của đơn vị này lũy kế trong 15 tháng, đến 31/5/2013 là hơn 770 triệu đồng. Hiện 39 LĐ của công ty (1/3 LĐ không thời hạn, còn lại là hợp đồng LĐ trên 3 tháng), thì “tính đến thời điểm này công ty vẫn còn nợ 2 tháng tiền lương”- ông Lê Hiếu Thuận- Phó Giám đốc công ty cho biết. Và dù hết sức khó khăn nhưng công ty vẫn cố gắng duy trì để tạo việc làm cho người LĐ.
Theo BHXH tỉnh, kiểm tra việc thực hiện chính sách LĐ, tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN đợt này và cũng là đợt thứ 2 trong năm ra “trát” thu nợ bảo hiểm tới 126 công ty, doanh nghiệp trong tỉnh với tổng nợ thống kê đến 31/5/2013 là 14,2 tỷ đồng.
Gần 20 đơn vị trong số này có tổng nợ hơn 5 tỷ đồng với thời gian kéo dài, trì trệ việc trích nộp. Nợ trong gần 20 đơn vị trên, ít gần 100 triệu đồng, nhiều đến hơn 800 triệu đồng và nợ từ 4 đến 28 tháng. Theo quy định, đơn vị nào nợ tiền bảo hiểm 3 tháng trở lên được xem là nợ đọng kéo dài và từ 6 tháng trở lên được đưa vào danh sách “đen”.
Hầu hết đơn vị được kiểm tra, tổ thu nợ đề nghị cơ sở thanh toán đủ số nợ BHXH, BHYT, BHTN nhanh chóng, dứt điểm để cơ quan BHXH kịp thời giải quyết chế độ cho người LĐ khi nghỉ việc.
Chia sẻ trong khó khăn
Nghị định 86/2010/NĐ-CP (13/8/2010) của Chính phủ về quy định xử phạt đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH là chế tài dành cho các đơn vị nợ đọng kéo dài, có dấu hiệu chiếm dụng sử dụng. Tuy nhiên, theo tổ thu nợ, hiện mức phạt cao nhất khi áp dụng nghị định này chỉ đến... 30 triệu đồng đối với một đơn vị, nhưng rất nhiêu khê công đoạn, nên rất dễ dẫn đến đơn vị sử dụng LĐ “lờn” chế tài.
Các đơn vị sản xuất kinh doanh đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực nhằm tạo nguồn thu để đóng bảo hiểm, thuế... Hầu hết giải pháp khá đồng nhất, là trả nợ dần dần đến một thời điểm nào đó, trả dứt nợ phát sinh hàng tháng hay nếu có nguồn thì thanh toán ngay hết cho cơ quan chức năng.
Theo các ngành chức năng: nuôi- chế biến cá tra, gạch gốm, xây dựng,... những ngành nghề “một thời vang bóng”, nay là “địa chỉ” nợ đọng bảo hiểm của người LĐ. Ảnh: AN DĨ HIÊN
“Đơn vị đang gặp khó khăn về tài chính, do các chủ đầu tư chưa thanh toán vốn dẫn đến bị nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài và... nợ cả lương của người LĐ”- Công ty CP Tư vấn- Quản lý các dự án xây dựng Vĩnh Long cho hay.
Đơn vị này nói sẽ xin thủ tục tạm dừng đóng quỹ hưu trí tử tuất trong một năm theo gợi ý của BHXH tỉnh Vĩnh Long. Đơn vị thống nhất với Tổ thu nợ sẽ nộp 50% từ đây đến cuối 2013, 50% còn lại đến hết quý II/2014 phải thanh toán dứt điểm. Riêng số nợ phát sinh mới, đơn vị sẽ trích nộp kịp thời.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Vĩnh Long, việc thu nợ và các đơn vị trích nộp bảo hiểm kịp thời đầy đủ là “cơ quan chức năng đã bảo vệ quyền lợi người LĐ, tạo điều kiện cho người sử dụng LĐ thực hiện tốt chính sách pháp luật về bảo hiểm”.
Đơn vị trích nộp tiền bảo hiểm thì cơ quan BHXH mới chốt sổ cho người LĐ được- ông Nguyễn Bá Thanh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long- cho hay thêm: “Những đơn vị nào “đòi” đến lần thứ 3 mà không trích nộp thì các ngành chức năng tỉnh phối hợp xử lý, khởi kiện”.
“Ai cũng phải chịu khó một chút”- ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Chánh Thanh tra tỉnh Vĩnh Long cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó (chậm nộp), còn ngành chức năng cũng gặp khó (thu hồi) về nợ đọng bảo hiểm.
Một đàng là sản xuất kinh doanh tạo lợi nhuận, một đàng là an sinh xã hội với việc giải quyết chế độ cho người LĐ. Nếu thực hiện hài hòa 2 nội dung này sẽ giúp tỉnh chỉ đạo, điều hành tốt các chính sách pháp luật về bảo hiểm, giải quyết tốt quyền lợi cho người LĐ.
Theo nguồn tin riêng nắm được, có doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu “biến mất” trong khi nợ BHXH còn hàng trăm triệu đồng. Có vụ tình trạng người LĐ sau khi nghỉ việc đến cơ quan BHXH đòi quyền lợi, trong khi đơn vị sử dụng LĐ chưa thanh toán tiền nên cơ quan chức năng không thể chốt sổ BHXH.
|
AN DĨ HIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin