Trẻ em như búp trên cành...

05:06, 01/06/2013

Trẻ em là chồi non hy vọng, thế hệ tương lai của đất nước. Chăm sóc, giáo dục trẻ em hôm nay chính là tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngày mai phát triển. Vì vậy, trẻ em phải được chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trong những điều kiện tốt nhất.

Trẻ em là chồi non hy vọng, thế hệ tương lai của đất nước. Chăm sóc, giáo dục trẻ em hôm nay chính là tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngày mai phát triển. Vì vậy, trẻ em phải được chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trong những điều kiện tốt nhất.

Nâng bước chồi non

Đó không phải là nhiệm vụ của riêng các cấp hay ngành nào, mà chính là nhiệm vụ của toàn xã hội. Không thể phủ nhận một thực tế hiện nay là cộng đồng ngày càng có nhiều hoạt động quan tâm và chăm lo hơn tới các em.

Trong năm 2012, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận quà vào đầu năm học mới, miễn giảm học phí. Tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện và nuôi dưỡng 698 em mồ côi không nơi nương tựa đồng thời hỗ trợ 54 gia đình nhận nuôi trẻ mồ côi.

Có hơn 75% trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế. Bên cạnh, việc chăm lo đời sống tinh thần cho các em cũng được các cấp lãnh đạo, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong xã hội quan tâm: những buổi trao quà cho trẻ em nhân Tết Nguyên đán, Trung thu, Quốc tế Thiếu nhi,… được tổ chức rộng khắp.


Trẻ em cần lắm sự quan tâm của gia đình và cộng đồng.

Là ngôi trường có nhiều học sinh (HS) nghèo, người dân tộc nhưng Trường Tiểu học Tân Mỹ (Trà Ôn) luôn vận động được nguồn xã hội hóa cao. Cô Lâm Thị Nghiệp- Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi: “Hàng năm, các em đều được trao quà và tập sách đủ xài cho cả năm”.

Tháng hành động Vì trẻ em hàng năm đã tạo điều kiện để mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có một kỳ nghỉ hè an toàn, vui tươi và bổ ích. Em Lê Thị Trúc Hà (Vũng Liêm) hí hửng với những phần quà từ hội trại hè thiếu nhi: “Chưa bao giờ con nhận được nhiều quà như hôm nay”.

Theo ông Lê Quang Đạo- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long: Tuy nhận được nhiều sự hỗ trợ nhưng hiện nay vẫn còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, các em cần được giúp đỡ, hỗ trợ để vượt qua được những khó khăn về tinh thần và vật chất, có thêm nhiều niềm tin vào cuộc sống.

Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Xã hội muốn phát triển phải có lực lượng kế thừa vừa có đức vừa có tài và hơn hết là đầy đủ sức khỏe.

Cho em thêm vững bước

Để những “chồi non” phát triển toàn diện còn rất cần sự giáo dục đúng đắn từ gia đình, nhà trường và xã hội. Thực tế cho thấy số lượng trẻ em vị thành niên phạm tội ngày càng nhiều với những hành vi côn đồ như cướp giật, thậm chí giết người.

Bên cạnh lại có những gia đình “không cho con lớn” cứ chăm chút cho con như khi còn trẻ con, có em đến đi học đại học vẫn chưa là người lớn.

Các em cũng cần được tạo điều kiện để học tập và sáng tạo.

Cuộc vận động “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” được nhiều gia đình đăng ký tham gia và mang lại hiệu quả xã hội lâu dài. Khi ông bà là một tấm gương tốt, con cháu sẽ noi theo. Có thể nhận thấy, những trẻ em vị thành niên phạm tội đa phần có sự giáo dục không tốt từ gia đình.

Theo các nhà tâm lý học, môi trường sống xung quanh có tác động trực tiếp đến tâm lý của trẻ. Bác Hồ cũng cho rằng: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, ngành giáo dục Vĩnh Long đạt được hiệu quả thiết thực. Năm học 2011- 2012, tỉnh có 285 trường đạt xuất sắc và 161 trường đạt loại tốt.
 
Thông qua phong trào này, Sở GD-ĐT Vĩnh Long đã đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa bằng nhiều cuộc thi, ngày hội: hoạt động sân trường, em yêu trường em,…

Đặc biệt, các trường còn tổ chức cho HS tham quan, chăm sóc các khu di tích lịch sử, văn hóa và các trò chơi dân gian được đưa vào nhà trường. Anh Nguyễn Minh Dũng- nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long cho rằng: Việc chăm sóc các khu di tích lịch sử, văn hóa đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống cho HS, giúp các em hoàn thiện nhân cách và tiến bộ hơn trong học tập.

Song song đó, đề án “Hình thành tính trách nhiệm và minh bạch cho HS tiểu học” được đánh giá cao góp phần giáo dục nhân cách cho trẻ em.

Qua 1 năm thực hiện, có 8 trường tiểu học trong tỉnh tham gia đề án thông qua các hình thức nhẹ nhàng như: Siêu thị tuổi thơ, bảng “Điều em muốn nói”, hộp thư “Em mong muốn gì ở người lớn”… nhằm hình thành tính minh bạch, trung thực cho HS từ cấp… tiểu học.

Ông Lý Đại Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long nói: “Đây là vấn đề đang được xã hội quan tâm để phát triển tâm lý các em sau này. Đề án đã bước đầu hình thành được tính trung thực cho HS, cần nhân rộng đề án này ra toàn tỉnh”.

Trẻ em không chỉ là lực lượng đông đảo của hiện tại mà là nguồn nhân lực của tương lai. Chăm sóc trẻ em hôm nay chính là tạo nên sự phát triển bền vững ngày mai.

Tin rằng, với chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số” trong Tháng hành động Vì trẻ em năm 2013, mọi người sẽ hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và đầy ý nghĩa.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh