Tiếp nối truyền thống cha anh

12:05, 03/05/2013

Xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, đã có biết bao thế hệ ngã xuống. Máu của cha anh đã tô màu cờ thắm, xương thịt của cha anh đã xây dựng nên cơ đồ hôm nay, để chúng ta có được độc lập- tự do.

Xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, đã có biết bao thế hệ ngã xuống. Máu của cha anh đã tô màu cờ thắm, xương thịt của cha anh đã xây dựng nên cơ đồ hôm nay, để chúng ta có được độc lập- tự do.

Kỷ niệm 38 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng ta trân trọng nghiêng mình tưởng nhớ lớp lớp thế hệ đi trước và cũng để hun đúc thêm lòng tự hào dân tộc, tự hào tiếp nối truyền thống cha anh.

Bên cạnh những thế hệ đã anh dũng hy sinh, vùng đất Vĩnh Long còn có những thế hệ làm rạng danh quê hương, dân tộc. Và ngày nay thế hệ trẻ đã tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang đó trên mọi lĩnh vực góp phần phát triển đất nước.

Hào hùng thế hệ cha anh

Nói đến các thế hệ đi trước, không thể không nhắc đến bác Phạm Hùng- nhà lãnh đạo tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm gương mẫu mực mà mỗi chúng ta cần ghi khắc.


Ngay từ thuở nhỏ, bác Phạm Hùng đã ham thích võ. Sở thích này đã tạo nên ở bác Phạm Hùng một tinh thần thượng võ, một sức mạnh ý chí và sự dũng cảm trong hành động. Bác hoạt động cách mạng và bị đày ra nhà tù Côn Đảo. 15 năm bị giam cầm tra tấn, đày ải ở các nhà tù đế quốc, bác luôn nêu cao tinh thần bất khuất hiên ngang của người cộng sản. 

Cách mạng Tháng Tám thành công, bác được Đảng đón từ Côn Đảo trở về tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp và sau đó đã góp phần lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong sinh hoạt, bác Phạm Hùng luôn thể hiện tác phong bình dị, gần gũi học hỏi nhân dân, hết lòng yêu thương đồng đội. Dù ở cương vị nào, bác cũng luôn chân thành, thẳng thắn, trọng lẽ phải, quý trọng và hòa hợp với mọi người. Nói về bác Hai Phạm Hùng, chúng ta cần học tập những đức tính quý báu ấy.

Còn bác Võ Văn Kiệt- người con của quê hương đất Vĩnh đã góp phần tạo một trang sử mới cho dân tộc. Đọc tiểu sử của bác, chắc ai cũng phải xúc động, vì bác từng có một tuổi thơ nghèo khó nhưng biết nuôi chí lớn; vì bác có một thời tuổi trẻ oanh liệt và trong cái nôi cách mạng ấy, bác Võ Văn Kiệt đã trưởng thành, trở thành một nguyên thủ quốc gia mà cả nước ngưỡng mộ, thế giới cũng phải “ngoái nhìn”…

Bác Võ Văn Kiệt sinh ra ở một vùng quê nghèo tại vùng đất Vũng Liêm- Vĩnh Long. Thuở nhỏ, bác đã phải làm thuê, ở đợ cho các điền chủ dọc sông Tiền, sông Hậu.

Khi được đi học, bác đã nổi tiếng là người thông minh chăm chỉ, ăn nói lễ độ. Bác ham học hỏi và chính những lớp học đã thắp cho bác ngọn lửa hiểu biết, tạo nền tảng cho bác tiếp tục con đường đi tìm tri thức- hành trang trong suốt chặng đường hoạt động về sau.

Qua những câu chuyện kể về áp bức, bóc lột… ý thức cách mạng sớm bừng lên trong con người trẻ ấy. Bác bắt đầu tham gia hoạt động ở địa phương từ rất sớm. Là bí thư xã khi chỉ mới 18 tuổi, bác không ngừng học hỏi, mày mò, trau dồi kiến thức.

Bác luôn thể hiện là người lãnh đạo kiên cường, sáng suốt trong từng hành động, thể hiện là người chiến sĩ Cộng sản hết lòng vì đất nước, vì nhân dân, lấy phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân làm lẽ sống.

Trong những năm hoạt động cách mạng, bác giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính trị và rồi từ nhân cách đạo đức, phẩm chất người cộng sản và năng lực tư duy nhạy bén, bác Võ Văn Kiệt trở thành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1991), Thủ tướng Chính phủ...

Với tầm tư duy chiến lược, sắc sảo và nhạy bén, sáng tạo và linh hoạt; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bác đã có những cống hiến to lớn trong kháng chiến cũng như trong công cuộc đổi mới của đất nước.

Dấu ấn của bác được khắc ghi bằng những công trình trải dọc đất nước như: đường dây tải điện 500kV Bắc– Nam, dự án thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa bán đảo Cà Mau; đường Hồ Chí Minh; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất;…

Bác Võ Văn Kiệt tuy đã về cõi vĩnh hằng nhưng chúng ta tin trái tim cách mạng của bác vẫn còn ấm áp, vì bác luôn biết quan tâm đến mọi người; tin nhân cách của bác vẫn luôn tỏa sáng, vì là người sống có hoài bão, biết ước mơ, biết làm thế nào để trở thành trung tâm đoàn kết cả một dân tộc, kể cả những người từng đứng bên kia chiến tuyến;…

Cuộc đời và sự nghiệp của bác là những trang đời thật xứng đáng để chúng ta noi gương, quyết tâm học tập, làm việc và cống hiến cho đất nước.

Thế hệ hôm nay nguyện tiếp bước

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Vĩnh Long, Trương Thị Hoàng Oanh (xã Tân Hạnh- Long Hồ) ngay từ nhỏ đã có mong ước phục vụ quê hương mình. Đó là lý do Hoàng Oanh đăng ký tham gia Đề án Vĩnh Long 100 và là một trong những người đầu tiên của tỉnh được đưa đi đào tạo theo chương trình này.

 

Đoàn viên thanh niên viếng thăm và học tập truyền thống tại Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt.


Tốt nghiệp loại giỏi ngành kinh tế nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, Hoàng Oanh có nhiều cơ hội để xin một việc làm tốt nhưng chị luôn muốn về phục vụ tỉnh nhà. Hoàng Oanh cười nhớ lại: “Khi được Sở GD- ĐT Vĩnh Long gọi về mình rất vui”.

Được 1 suất học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đài Loan của Đề án Vĩnh Long 100, sau 2 năm học tập, năm 2011 chị về nước và được phân công giảng dạy tại Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long cho đến nay.

Bản thân Hoàng Oanh cũng được ông nội giáo dục cho truyền thống cách mạng từ nhỏ nên chị luôn tâm niệm rằng, thời chiến cha ông đóng góp máu xương cho Tổ quốc, thời bình thế hệ sau phải đóng góp sức trẻ và trí tuệ của mình.
 
Vì thế, cô giáo Hoàng Oanh đến trường và không ngừng cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân mình hơn bởi Hoàng Oanh luôn ý thức rằng “còn rất nhiều điều tôi cần phải học hỏi”.

Trao đổi với một doanh nhân trẻ thành đạt, hiện là giám đốc một ngân hàng (anh không muốn nêu tên), anh đúc kết khuyết điểm nguy hiểm nhất có thể ảnh hưởng đến tương lai của giới trẻ rằng: thiếu tinh thần tự lập, ý thức kỷ luật không cao, không mạnh dạn chuyển đổi mục tiêu chưa phù hợp, thiếu các phương án ứng phó với các mặt của đời sống, công việc,…

Hiến máu nhân đạo, thế hệ trẻ đóng góp sức mình tham gia các hoạt động xã hội.

Là một sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, chàng sinh viên sinh năm 1978 đã trải qua nhiều gian nan trong hành trình tìm việc và những khó khăn bước đầu tưởng chừng khó vượt qua nhưng đã không làm nản chí một thanh niên đã được thấm nhuần tính cách kiên định, không đầu hàng trước khó khăn.

Với ý chí, bản lĩnh vững vàng, anh đã thành công khi giữ những chức vụ khác nhau và đến nay là vị trí cao trong một ngân hàng TMCP lớn nhất nhì cả nước.

Khi được hỏi về truyền thống dựng nước, giữ nước của thế hệ cha ông đi trước, anh cũng nhiệt tình chia sẻ, phải đọc và đọc thật nhiều các kiến thức để tự trải nghiệm cuộc sống, nhất là sách lịch sử, truyền thống cách mạng oai hùng, phải hiểu sâu về truyền thống đạo đức cách mạng của cha ông và phải trân trọng những thành quả xưa, phát huy trong đời sống hiện nay.

Hơn nữa, các bạn trẻ nên chọn cho mình một thần tượng, một tấm gương đạo đức tốt, thành công trong cuộc sống, công việc để lấy đó làm bài học, làm kinh nghiệm cho mình.

“Học, học nữa, học mãi”. Đó không chỉ là khẩu hiệu hành động mà còn là phương châm sống của mỗi đoàn viên thanh niên chúng ta. Học để không bị tụt hậu, học để phát triển. Học tiền nhân, học cả bạn bè để từ đó góp công sức mình vào sự nghiệp to lớn, vững chãi của dân tộc, của đất nước. Học cả những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống để thấy cuộc sống này thật ý nghĩa và đáng sống...

Bài, ảnh: CHI ĐOÀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh