Theo TTXVN, hôm qua (6/5/2013), tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp- PTNT tổ chức hội nghị huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam.
+ Lo ngại khi các dịch cúm diễn biến phức tạp cùng lúc
Theo TTXVN, hôm qua (6/5/2013), tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp- PTNT tổ chức hội nghị huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam.
Về cúm A/H7N9, Bộ Y tế nhấn mạnh: Việt Nam đang quan ngại về khả năng xâm nhập và bùng phát dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam trước tình hình dịch cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp tại một số nơi ở Trung Quốc.
Cúm A/H7N9 là loại dịch có tỷ lệ tử vong cao tới 21%, trong khi SARS chỉ có 10,8%; diễn biến bệnh nặng, lan ở nhiều địa phương; tỷ lệ nam giới mắc H7N9 chiếm 73%. Việt
Về cúm A/H1N1, Bộ Y tế cũng đang giám sát chặt diễn biến của các loại cúm khác trong nước, đặc biệt là sự xuất hiện trở lại của cúm A/H5N1 và sự trỗi dậy mạnh mẽ của cúm A/H1N1 (từng gây đại dịch năm 2009).
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, người dân không nên quá hoang mang về cúm A/H1N1 bởi vì đây là cúm mùa và đã có vaccine phòng bệnh.
Tuy nhiên cũng không được chủ quan trong công tác phòng ngừa và điều trị bởi kết quả giám sát các ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng cho thấy, tất cả các virus cúm mùa đều có khả năng gây bệnh nặng, tử vong.
Về cúm A/H5N1, nguy cơ bùng phát các ổ dịch luôn cao. Cúm A/H5N1 là loại cúm ít người mắc nhưng tỷ lệ tử vong rất cao. Bên cạnh các loại cúm trên thì sự xuất hiện chủng mới của virus Corona cũng đáng ngại, khi tỷ lệ tử vong cao và diễn biến bệnh rất nặng, chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh lại có khả năng lây truyền từ người sang người.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của các dịch cúm A, Bộ Y tế khuyến nghị phải xử lý triệt để các ổ dịch và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về tình hình dịch bệnh, vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm.
Bên cạnh đó, đôn đốc các tỉnh chưa phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, khẩn trương xây dựng kế hoạch liên ngành phòng, chống dịch cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1; phối hợp với ngành nông nghiệp và PTNT giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của virus cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1 trên các đàn gia cầm.
Tiếp tục triển khai công tác kiểm dịch y tế biên giới; tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do virus tại các cơ sở y tế và cộng đồng, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; chỉ đạo hệ thống khám chữa bệnh thiết lập mạng lưới, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, phát hiện sớm trường hợp mắc để điều trị kịp thời; phục vụ tốt cho công tác cách ly, xử lý dịch tại cộng đồng tránh lây lan và giảm tử vong. Đồng thời, chỉ đạo cấp bổ sung máy thở, phương tiện cấp cứu cho cơ sở điều trị.
Tăng cường hoạt động của các đơn vị huấn luyện, điều trị tại các bệnh viện trung ương để hỗ trợ các tuyến dưới khi có yêu cầu. Bộ cũng đã chỉ đạo rà soát cơ số thuốc kháng virus Tamiflu, trang thiết bị, các dụng cụ tiêu hao để dự trù mua sắm, bổ sung và đề nghị WHO hỗ trợ thuốc Tamiflu cho công tác điều trị.
Để chủ động phòng, chống các dịch bệnh cúm, ngăn ngừa khả năng lây lan mạnh ra cộng đồng, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, môi trường; cải thiện sức khỏe và khả năng phòng bệnh bằng chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục; đeo khẩu trang nơi đông người; rửa tay với xà phòng; tiêm phòng vaccine; đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị khi có hiện tượng sốt cao trên 38 độ, ho, đau họng, nhức đầu, khó thở, đau cơ và mệt mỏi sau khi có tiếp xúc với nguồn bệnh.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin