
Ngày 25/5/2013, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011.
Ngày 25/5/2013, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách, về cơ bản, công tác hạch toán, kế toán, quyết toán NSNN năm 2011 của các bộ, ngành và địa phương được thực hiện tốt hơn các năm trước đây, đã thực hiện khoá sổ, lập báo cáo quyết toán bảo đảm theo quy định của Luật NSNN; số liệu quyết toán NSNN năm 2011 đã được các bộ, ngành, địa phương đối chiếu, bảo đảm khớp đúng và có xác nhận của Kho bạc Nhà nước.
Báo cáo quyết toán NSNN của các bộ, ngành ở Trung ương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương đã được Bộ Tài chính, cơ quan tài chính địa phương thẩm định, riêng báo cáo quyết toán ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn theo luật định.
Tuy nhiên, một số địa phương, bộ ngành hạch toán thu, chi chưa đúng chế độ; lập và gửi báo cáo quyết toán không kịp thời; việc thẩm định báo cáo quyết toán còn chậm so với thời gian quy định, chất lượng thẩm định quyết toán NSNN chưa cao, chấp hành NSNN còn nhiều sai phạm đã được các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra phát hiện và kiến nghị xử lý, khắc phục.
Trong thảo luận, các đại biểu cho rằng kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong quản lý sử dụng ngân sách chưa nghiêm minh, thất thoát ngày càng tăng trong xây dựng cơ bản, đầu tư dàn trải chưa được khắc phục.Ngân sách là tiền của của nhân dân. Quốc hội cần xem xét kỹ, Chính phủ cần xác định địa chỉ cụ thể để xử lý nghiêm minh những ai làm thất thoát nguồn lực quốc gia.
Công tác quyết toán nên đóng góp nhiều hơn nữa vào công tác phòng chống tham nhũng bởi những hạn chế trong thu-chi ngân sách của Chính phủ như không đúng thời gian, không phân bổ hết vốn được giao, không đủ thủ tục, không đúng cơ cấu chương trình được duyệt, không đúng đối tượng mục tiêu, không sát thực tế, một số địa phương... chính là mảnh đất tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực phát triển;…
Tại thảo luận tổ 11, đánh giá tình hình kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2012 và các tháng đầu năm 2013, đại biểu Vương Đình Huệ (Trưởng ban Kinh tế Trung ương,nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, đơn vị tỉnh Bình Định) đánh giá:
Tôi cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và những tháng đầu năm 2013. Năm 2012, tình hình ngân sách nhà nước khó khăn. Hai khoản thu quan trọng nhất bị hụt là thu nội địa và thu xuất nhập khẩu.
Về thu xuất nhập khẩu, mục tiêu đề ra là 216.000 tỷ đồng, nhưng chỉ đạt 195.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào thu từ dầu khí tăng và phần để lại của những năm trước của Tập đoàn Dầu khí quyết định thu trong 2012.
Năm 2012 nước ta chuyển từ trạng thái nhập siêu mạnh sang xuất siêu, nhưng xuất siêu là do cầu nội địa quá thấp. Hàng nhập ít đồng nghĩa với thuế ít, đặc biệt là những mặt hàng cao cấp như ô tô, thuốc lá, mỹ phẩm,... Còn thu nội địa bị ảnh hưởng do sản xuất kinh doanh khó khăn. Về tổng thể thu ngân sách nhà nước vượt so với dự toán nhưng một số tỉnh lại hụt thu.
Báo cáo đánh giá là thu ngân sách nhà nước không khả quan; nhập khẩu đã có chuyển biến nhưng chưa nhiều.
Sắp tới, khi công ty mua bán nợ hoạt động, gói hỗ trợ thị trường bất động sản được giải ngân, các biện pháp giảm lãng phí được triển khai sẽ giúp cho tình hình khả quan hơn vào cuối quý II và các quý còn lại của năm 2013. Năm 2012, chúng ta còn có dầu thô, nhưng năm 2013, ta không thể tăng giá dầu thô để bù chi, do giá dầu thô thế giới đang giảm.
Tôi tán thành ý kiến của Chính phủ là tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm 10% chi thường xuyên của năm 2013, trong đó, các khoản chi phí khánh tiết, chi phí công tác nước ngoài giảm 20- 30%; các hội nghị chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến để giảm bớt chi phí ăn ở...
Đề nghị Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ theo dõi, giám sát, nếu cần thiết thì báo cáo Quốc hội để có sự điều chỉnh kịp thời cho thu chi ngân sách nhà nước. Để làm tốt thu chi ngân sách thì cần phải phục hồi sản xuất kinh doanh.
THÚY QUYÊN (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin