45 ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐB) và các thành viên Chính phủ đã làm “nóng” ngày 30/5/2013 khi thảo luận về kết quả phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2012 tại nghị trường.
45 ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐB) và các thành viên Chính phủ đã làm “nóng” ngày 30/5/2013 khi thảo luận về kết quả phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2012 tại nghị trường.
Cần có biện pháp để chống suy giảm KT
“Tôi đánh giá cao Chính phủ đã kiềm chế được lạm phát. Trước đây ta xem như lạm phát là con ngựa bất kham, nhưng trong thời điểm hiện nay với điều kiện ngắn hạn, lạm phát không còn là con ngựa bất kham và đây là cơ hội để chúng ta tiến hành những biện pháp tái cơ cấu kinh tế mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trung và dài hạn. Nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội, loay hoay những biện pháp nhất thời thì chẳng mấy chốc lạm phát quay lại và chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn”- ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhận định.
ĐB kiến nghị Chính phủ đầu tư mạnh dạn hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Ảnh: VINH HIỂN |
Ông nhận xét, hiện Nhà nước còn rất nhiều nguồn lực. Do vậy, cần phải đột phá nguồn lực Nhà nước đang lãng phí để đầu tư vào các công trình công. Ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm sao đừng để DN có thị trường nhưng phải “chết” vì không tiếp cận được vốn.
Trong 3 năm thì mức tăng tín dụng bằng 3- 3,5 lần mức tăng GDP và đồng thời nên linh hoạt chính sách tỷ giá bởi chính sách tỷ giá đang bất lợi cho nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm sản xuất thay thế hàng nhập khẩu.
“Tôi kiến nghị Quốc hội, lần này phải đưa vào nghị quyết một chương trình trung hạn phục hồi kinh tế với những nội dung đồng bộ nếu Chính phủ triển khai và Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữa 2 kỳ họp thứ 5 và thứ 6 những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội cần phải quyết định sớm, kịp thời quyết định. Tôi tin rằng cử tri đang trông đợi những quyết sách như vậy”- ĐB Trần Du Lịch gởi gắm.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần sự tăng trưởng hợp lý. Những dự án công trình đã đạt xấp xỉ 80% khối lượng nên được tiếp tục đầu tư để hoàn thành đưa vào sử dụng.
Các dự án quan trọng có tính chiến lược phục vụ sát sườn cho tới cơ cấu nền kinh tế thì nên mạnh dạn đầu tư. Những khoản nợ của nhà nước của DN trong các công trình đang thi công dang dở cần được giải ngân càng sớm càng tốt cho DN.
Giải pháp phát triển kinh tế ĐBSCL
ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) kiến nghị với Chính phủ cần sớm có cơ chế chính sách cụ thể cho việc xây dựng, phát triển cánh đồng mẫu lớn.
Ngoài việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và đảm bảo tiếp cận vốn cho các đối tượng như nông dân, DN, Chính phủ nên quan tâm đến việc hình thành những doanh nghiệp nhà nước, các công ty cổ phần chuyên phát triển cánh đồng mẫu lớn, trong đó các DN có vốn nhà nước sẽ đóng vai trò quan trọng luôn sát cánh với nông dân trong cơ chế thị trường từ khâu cung ứng vật tư, giống, máy móc, thiết bị, hướng dẫn kỹ thuật và đặc biệt trong khâu tiêu thụ.
Phát triển mô hình sản xuất hiệu quả cánh đồng mẫu lớn, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, tức là tăng sức cầu và phải thấy rằng thực hiện mô hình này tức là đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hiện đại, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.
ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc điều hành xuất khẩu gạo của nước ta, như giá thu mua lúa, gạo của nông dân từ các DN xuất khẩu liên tục giảm, dẫn đến không đảm bảo được mức lợi nhuận 30% cho người trồng lúa như chủ trương của Chính phủ đề ra.
"Nhà nước đã thất hứa với nông dân, không đảm bảo được mức lợi nhuận 30% như đã cam kết. Theo tính toán cho thấy giá thành hạt lúa trong năm 2012, 2013 mà nông dân làm ra từ 3.500- 4.000 đ/kg. Nếu bán giá lúa như vừa qua thì nông dân khó có lãi được 30% vì giá định hướng sản xuất do Bộ Tài chính tính toán chỉ là 3.661 đ/kg. Như vậy muốn người nông dân có lãi 30% thì giá thu mua lúa tại ruộng phải từ 4.700 đ/kg trở lên, trong khi các thương lái chỉ mua ở mức 4.200 đến 4.500 đ/kg" .
Ông đề xuất: "Chính phủ đầu tư mạnh dạn hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để từ đó có thể đề ra các giải pháp khẩn cấp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân, giúp họ yên tâm giữ vững miếng ruộng, mảnh vườn, ao cá, của họ".
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở các tỉnh ĐBSCL. “Cử tri mong muốn được nhìn thấy các hành động cụ thể ở địa phương thông qua các công trình dự án, ngăn triều cường, ngăn mặn, giữ ngọt, đê biển, hệ thống thủy lợi, cống, đập điều phối nước trong sản xuất nuôi trồng của Chính phủ”- ông gởi gắm.
Các vấn đề xã hội như việc làm; giảm nghèo; đời sống nhân dân còn khó khăn nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Các lĩnh vực văn hóa; y tế; thông tin truyền thông vẫn còn có những hạn chế chưa có chuyển biến căn bản; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; an toàn giao thông; tệ nạn xã hội;... đã được các ĐB chia sẻ trước những khó khăn của Chính phủ. Đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp và mong muốn Chính phủ sớm tìm ra những giải pháp hiệu quả thúc đẩy sản xuất, khơi thông thị trường trong nước, đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012; giải quyết những vấn đề tồn tại về y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn giao thông,… |
THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin