Tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội

10:05, 22/05/2013

Ngày 22/5/2013, tổ 11 gồm đại biểu Quốc hội thuộc 4 đơn vị: Vĩnh Long, Long An, Bắc Giang và Bình Định thảo luận tổ nhằm đánh giá tình hình kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2012 và các tháng đầu năm 2013.


Các đại biểu thảo luận tại tổ 11.

Ngày 22/5/2013, tổ 11 gồm đại biểu Quốc hội thuộc 4 đơn vị: Vĩnh Long, Long An, Bắc Giang và Bình Định thảo luận tổ nhằm đánh giá tình hình kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2012 và các tháng đầu năm 2013.

Việc thảo luận này nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả thúc đẩy sản xuất, khơi thông thị trường trong nước, đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012; giải quyết những vấn đề tồn tại về y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn giao thông, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng…

Nhiều đại biểu bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng khó khăn của nền kinh tế hiện nay khi việc suy giảm tăng kéo dài từ năm 2008 đến năm 2013.  Đại biểu Thân Văn Khoa- Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bắc Giang cho rằng:

“Chính phủ cần làm rõ thêm trong một số lĩnh vực như vấn đề tái cơ cấu kinh tế Chính phủ triển khai còn chậm, báo cáo cũng chưa nêu cụ thể về vấn đề này trong giai đoạn 2013- 2015. Tôi đề nghị Chính phủ nêu rõ hơn trong kỳ họp thứ 5 này những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; có lộ trình trình tổng thể hơn trong việc tái cấu trúc đầu tư công trong giai đoạn 2013- 2015. Tăng cường việc giám sát, sáp nhập, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; có giải pháp xử lý nợ xấu, tiếp tục cơ chế để làm sao tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay trong tình hình kinh tế đang gặp khó khăn".

Đại biểu Nguyễn Văn Thanh- đơn vị tỉnh Vĩnh Long- đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ đảm bảo hiệu quả đặc biệt cho 2 ngành hàng của ĐBSCL là cá tra và lúa gạo.

Với sản phẩm cá tra, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách để quản lý sản xuất tiêu thụ cá tra; làm cách nào để có dự báo nhu cầu thị trường liên quan đến xuất khẩu cũng như biến động giá xuất khẩu.

Về ngành thủy sản, cần tăng cường tìm kiếm thị trường; trong chế biến cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ liên quan đến xuất khẩu để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Lúa gạo là một sản phẩm trọng điểm của quốc gia nên tôi đề nghị Chính phủ nên có một hệ thống chính sách đồng bộ, dài hạn để đảm bảo giữa cung và cầu giữa sản xuất, thu mua, chế biến xuất khẩu. Riêng doanh nghiệp cần có cơ chế ràng buộc doanh nghiệp gắn với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu như ĐBSCL đang thực hiện cánh đồng mẫu lớn.
 
Tôi đề nghị Chính phủ nên đánh giá lại gói 10.000 tỷ đồng hỗ trợ cho ngành nghề nuôi cá tra và chế biến cá tra ĐBSCL trong năm 2012; cần tổng kết các chủ trương và giải pháp mua tạm trữ lúa ĐBSCL  

Về an sinh xã hội, ông đề nghị Chính phủ sớm xem xét tỷ lệ đồng chi trả đối với hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội khi tham gia bảo hiểm y tế. Hiện đối tượng này đồng chi trả 20% nhưng dịch vụ y tế tăng 45% nên họ sẽ không đủ sức chi trả nếu bệnh nặng. 

Đại biểu Lê Công Đỉnh- đơn vị tỉnh Long An- đề xuất Chính phủ cần có chỉ đạo sâu sát để các ngành tăng cường dự báo thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại để tìm đầu ra cho hàng hóa nhất là hàng hóa nông sản của ĐBSCL.
 
Còn đại biểu Đỗ Hữu Lâm- đơn vị tỉnh Long An- cho rằng việc tháo gỡ khó khăn về cơ cấu sản xuất cần thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong điều hành kinh tế- xã hội; thống nhất từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh- Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- nhận định một trong những chính sách để góp phần khắc phục khó khăn tình hình kinh tế của nước ta là vấn đề triệt để tiết kiệm.

Cần có chủ trương quán triệt thống nhất trong các cấp ngành, đơn vị, cá nhân có ý thức tự giác tiết kiệm 10% thu chi  ngân sách không tính lương và khuyến khích giảm 30% chi phí. Việc cải cách thủ tục hành chính cần quyết liệt triệt để hơn nữa.
 
Với ngành ngân hàng, cần có những giải pháp cụ thể để đồng hành cùng doanh nghiệp; cần có chính sách kích cầu tiêu dùng; việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra cần có trọng điểm. Riêng chỉ tiêu giảm nghèo, bà băn khoăn:

“Kkhông biết việc giảm nghèo nhanh có đúng thực chất hay chưa? Ngành lao động- thương binh và xã hội nên có phân loại, đánh giá lại hộ nghèo để chỉ tiêu giảm 2% hộ nghèo mỗi năm được khả thi. Tôi đề nghị BCĐ Xây dựng nông thôn mới Trung ương sớm có ban hành chỉ dẫn các tiêu chí được điều chỉnh và sớm đề xuất những chương trình hỗ trợ tích cực hơn để đến năm 2015 phải có 20% số xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới”.

Theo báo cáo thẩm tra từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, so với số liệu báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu giảm so với kế hoạch gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Riêng chỉ tiêu tỷ lệ giảm nghèo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 là 1,76%, số thực hiện cả năm là 2,16%.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh