
Làm việc với lãnh đạo Vĩnh Long gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường (TNMT) Nguyễn Minh Quang đánh giá rất cao kết quả thực hiện dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP)” của Vĩnh Long. Bước đầu khai thác dữ liệu cơ sở dữ liệu đất đai thông suốt từ tỉnh đến xã.
Mục tiêu chung của VLAP là tăng cường sự tiếp cận của mọi đối tượng đối với dịch vụ thông tin đất đai thông qua việc phát triển một hệ thống quản lý đất đai hoàn thiện.
Làm việc với lãnh đạo Vĩnh Long gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường (TNMT) Nguyễn Minh Quang đánh giá rất cao kết quả thực hiện dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP)” của Vĩnh Long. Bước đầu khai thác dữ liệu cơ sở dữ liệu đất đai thông suốt từ tỉnh đến xã.
Dù vậy, việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận- GCN) có một số vướng mắc, mà khoảng 80% GCN của người dân thế chấp ngân hàng là lý do chính.
Cấp đổi GCN chậm
Vĩnh Long là 1 trong 9 tỉnh- thành tham gia triển khai thực hiện Dự án VLAP. Tính đến nay, có 5/8 huyện- thị đã hoàn thành đo đạc lập bản đồ địa chính chính quy (Bình Minh, Bình Tân, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm) với tổng diện tích 110.501,46ha, chiếm khoảng 70% diện tích toàn tỉnh. Hoàn thành kê khai đăng ký cho 5 huyện, đạt trên 90% tổng số thửa cần cấp.
Tổng số GCN đã cấp trên địa bàn toàn tỉnh là 674.206 giấy, trong đó hộ gia đình cá nhân 666.688 giấy và tổ chức 7.518 giấy. Tổng diện tích cấp giấy 123.386,55ha, chiếm 97,70% tổng diện tích cần cấp. 64 xã của 5 huyện này đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với 368.956 thửa đất. Cơ sở dữ liệu đã kết nối liên thông và đưa vào vận hành đồng bộ ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã.
Ông Nguyễn Minh Tâm- Trưởng Phòng Quản lý đất đai (Sở TNMT) cho biết, việc cấp đổi GCN thực hiện tại 3 huyện Bình Minh, Tam Bình, Bình Tân đạt khoảng 60%.
Tuy nhiên, nếu so với “tốc độ” thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính chính quy, thì tiến độ cấp đổi GCN rất chậm. Có 4 nguyên nhân chính được đưa ra, trong đó, nguyên do khoảng 80% GCN thế chấp ở ngân hàng là vướng mắc lớn nhất.
Ông Nguyễn Minh Tâm diễn giải: Nhiều trường hợp đối tượng cần cấp GCN tăng, nhưng tài sản giảm, trật với hợp đồng thế chấp ở ngân hàng. Do cha mẹ cho con cái, bán bằng giấy tay chưa tách thửa, hoặc người dân cắt bán một phần, cá biệt trường hợp tài sản thế chấp ngân hàng nhưng thực chất đã bán hết.
Việc cấp GCN đồng loạt, yêu cầu chủ sử dụng đất phải cung cấp bản gốc GCN nộp kèm trong hồ sơ đăng ký biến động hoặc cấp đổi GCN hầu như rất ít trường hợp thực hiện do phần lớn chủ sử dụng đất đang thế chấp tại ngân hàng.
Rất nhiều trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất nhưng chủ sở hữu gốc chưa lập thủ tục biến động do GCN đang thế chấp tại các ngân hàng, vì vậy tiến độ cấp đổi GCN gặp nhiều khó khăn.
Có chuyện như vầy, nếu trường hợp diện tích đất thực tế bằng hoặc cao hơn tài sản thế chấp thì ngân hàng “làm cái rụp”, còn thiếu hụt thì “sượng liền”, ví dụ như ông A thế chấp 10.000m2 đất, nhưng khi đo đạc lại chỉ còn 5.000m2, vì đã cắt chia cho con trai 5.000m2 nhưng chưa làm thủ tục cho tặng.
Bên cạnh, nhiều trường hợp không chuyển mục đích sử dụng đất do “ngại phí chuyển mục đích cao, ông già cho trăm mét vuông cứ cất nhà đại”. Việc cho tặng thừa kế thủ tục chậm, do GCN của chủ sở hữu nằm ở ngân hàng, gia đình làm ăn tứ tán… chưa làm thủ tục. Tiếp đến là trường hợp người mua khác tỉnh có làm thủ tục đủ, nhưng không có địa chỉ mới cấp đổi.
Từng bước tháo gỡ vướng mắc
Dù có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng ngành TNMT tỉnh cho biết đang nỗ lực gỡ khó. Với trường hợp GCN thế chấp ngân hàng, Sở TNMT đã phối hợp với phía ngân hàng rà soát “cấp đổi tay ba”. Ngân hàng lập danh sách GCN thế chấp báo cho Sở TNMT (theo mẫu) để lọc rà soát và tạo điều kiện để việc cấp đổi thuận lợi.
Đối với các trường hợp khó quá, thì giữa ngành TNMT và ngân hàng sẽ tiếp tục ngồi lại để tìm giải pháp thống nhất. Còn đối với trường hợp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vận động người dân chuyển đổi với hình thức ghi nợ theo quy định và vận động các ấp hướng dẫn người dân làm.
Riêng việc cho tặng thừa kế chỉ giải quyết cấp đổi GCN mới cho các trường hợp đã cho tặng trước khi thực hiện Dự án VLAP, tránh trường hợp nhiều người lợi dụng tách thửa.
Vĩnh Long được đánh giá rất cao khi triển khai thành công Dự án VLAP.
Khó khăn nữa trong cấp đổi GCN, theo ông Nguyễn Minh Tâm là đội ngũ cán bộ chuyên trách quá ít, không giải quyết kịp lượng công việc khổng lồ. Đội ngũ đăng ký cấp GCN này phải thẩm định hồ sơ xem có đúng trình tự pháp lý, có đủ điều kiện cấp đổi sau khi nhà thầu thực hiện xong hồ sơ đo đạc.
Thường thì mỗi huyện có vài chục ngàn hồ sơ phải thẩm định, cá biệt Trà Ôn 100.000 hồ sơ. Chính vì thế, để gánh bớt “núi” công việc này, đội ngũ đăng ký cấp GCN cấp tỉnh cũng đã tăng cường hỗ trợ về chuyên môn cho cấp huyện mới hoàn thành được.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TNMT thực hiện ngay việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai sau khi hoàn thành cơ bản công tác đo đạc lập bản đồ địa chính và kết thúc khâu đăng ký.
Đến nay, theo ông Nguyễn Minh Tâm, việc chỉnh lý biến động đất đai từ tỉnh xuống huyện và ngược lại đã thực hiện được từ máy vi tính, không phải chạy lên chạy xuống mất thời gian như trước. Hiện đang thử nghiệm liên thông 3 huyện, người dân có thể ngồi ở nhà truy cập thông tin lịch sử thửa đất, diện tích…
Ngành TNMT sẽ tiếp tục phối hợp các ngành ngân hàng, thuế, tài chính để có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong cấp đổi GCN, cải cách thủ tục hành chính, chuyển quyền sử dụng đất… để phát huy hiệu quả mục tiêu của Dự án VLAP.
Từ ngày 14-17/5/2013, Ban Kinh tế- Ngân sách của HĐND tỉnh sẽ khảo sát, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP)” trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nắm bắt kết quả thực hiện dự án; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, cũng như cấp đổi GCN cho tổ chức, cá nhân. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin