Với chiếc khăn quàng đỏ thắm trên vai, các anh chị làm tổng phụ trách Đội (PTĐ) vẫn ngày ngày đến trường. Không tiết dạy, không giờ giấc, có khi không có cả thứ bảy và chủ nhật, không được những ưu đãi như giáo viên đứng lớp. Chính lòng yêu nghề mến trẻ đã níu chân họ.
Đội là nền tảng để thiếu nhi tiếp bước lên Đoàn.
Với chiếc khăn quàng đỏ thắm trên vai, các anh chị làm tổng phụ trách Đội (PTĐ) vẫn ngày ngày đến trường. Không tiết dạy, không giờ giấc, có khi không có cả thứ bảy và chủ nhật, không được những ưu đãi như giáo viên đứng lớp. Chính lòng yêu nghề mến trẻ đã níu chân họ.
Theo thời gian, các anh tổng PTĐ cũng trở thành “bác” thậm chí thành “ông” mà lực lượng kế thừa vẫn còn vắng bóng.
Gặp những “bác” phụ trách Đội
27 năm đến trường là ngần ấy năm thầy Lê Hữu Chinh- Trường Tiểu học Tân Hội B gắn bó với chức danh: anh Tổng PTĐ. Thầy Chinh cười hiền: Trước đây, tôi làm kiêm nhiệm, vừa đứng lớp vừa PTĐ. Nhưng từ năm 1989 đến nay thì chuyển sang làm tổng PTĐ luôn.
Dù ở cái tuổi 50, nhưng nhìn ánh mắt long lanh của thầy mới thấu hết nỗi đam mê nghề nghiệp trong con người ấy. “Chỉ có lòng yêu trẻ, mến nghề mới níu được chân mình đến giây phút này”- thầy Chinh chia sẻ.
Thầy Chinh cho rằng học trò bây giờ khác trước đây nhiều lắm, các em dạn dĩ và năng động hơn nhiều. Vì thế, những bài học, bài múa dạy cho học sinh (HS) cũng phải được cập nhật liên tục, đó là chưa kể việc anh tổng PTĐ phải nắm được tâm lý HS, dù tuổi anh đã bằng bác, bằng ông các cháu.
Từng giọt mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt, thầy Chinh xoa đầu cô học trò nhỏ rồi nói: “Mỗi học trò của thầy đều là học trò cưng, đều mong cho các em thêm tự tin hơn”.
Đối với thầy Trần Văn Tiến- Trường Tiểu học Phú Quới A, làm tổng PTĐ phải có niềm đam mê. HS đa số là con của công nhân, đời sống còn khó khăn nên thầy luôn trăn trở làm thế nào để hạn chế việc HS bỏ học đi làm kiếm tiền, làm thế nào để thu hút các đội viên yêu thích đến lớp, đến trường.
Từ suy nghĩ ấy, thầy đã tổ chức nhiều phong trào mang tính gắn kết, giáo dục cao như viết nhật ký làm theo lời Bác, múa hát sân trường, thành lập CLB khám phá, tổ chức trò chơi dân gian. Ngoài ra thầy còn tổ chức phong trào giúp bạn vượt khó, vòng tay bè bạn, hũ gạo tình thương, gây quỹ kế hoạch nhỏ... để giúp đỡ HS nghèo.
Thầy Tiến tâm sự: “Có gần gũi như một người bạn với đội viên, hiểu tâm lý lứa tuổi để có thể tâm sự, chia sẻ những chuyện đôi khi không nói được với người thân, bạn bè, tổng PTĐ mới nắm bắt được đội viên đang muốn gì, để có thể thiết kế hoạt động phù hợp”.
Khi nhắc đến thầy Bùi Long Hải- Trường Tiểu học Nhơn Phú A (Mang Thít), người ta lại nhớ ngay đến anh tổng PTĐ nhiệt huyết. Với hơn 25 năm công tác Đội, thầy luôn là “người bạn thân thiết” của các em.
Thầy cho rằng, những thầy cô trẻ làm tổng PTĐ thì việc học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận kỹ năng nghiệp vụ hoạt động Đội nhanh hơn, nên thầy đã không ngừng tự học, tự tham khảo tài liệu, rèn luyện kỹ năng để thực hiện công việc sao cho hiệu quả nhất. “Tuổi tác không là vấn đề gì nếu như mình có tâm huyết. Và nếu không đặt mình vào vị trí của đội viên, thì tổng PTĐ sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ”- thầy Hải cho biết.
Phụ trách Đội là người giúp các em nhỏ năng động tự tin và hăng say học tập hơn.
Khi anh thành “bác”
Theo thời gian, các anh phụ trách ngày nào dần biến thành “bác tổng PTĐ”, điều này có những thuận lợi và khó khăn riêng. Những người lớn tuổi thường có kinh nghiệm làm việc và dĩ nhiên yêu công tác đội mới có thể gắn bó lâu dài.
Nhưng “các anh chị khó tiếp thu cái mới và ít sáng tạo hơn lực lượng trẻ”- chị Nguyễn Huỳnh Thu- Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long nói. Chị cũng cho biết thêm: Có khoảng 50% tổng PTĐ ở các trường có độ tuổi từ 35 trở lên. Trong đó, khoảng 60% trên 40 tuổi.
Thầy Bùi Long Hải luôn là “người bạn” thân thiết của đội viên.
Theo thầy Bùi Long Hải thì vai trò của tổng PTĐ rất quan trọng, họ là người đầu tàu, hướng dẫn cho các em thiếu nhi đi theo nề nếp truyền thống của Đội, đồng thời tổ chức các phong trào để ngoài giờ học các em có những giờ sinh hoạt bổ ích, lý thú... Chính vì thế mà phải có đội ngũ tổng PTĐ kế thừa trẻ, năng động để tổ chức phong trào Đội hiệu quả.
Tuy nhiên, các chế độ cho PTĐ còn khá eo hẹp: không có phụ cấp đứng lớp 35% mà chỉ có phụ cấp chức vụ 0,2% lương. Cho nên, nhiều GV không tha thiết, thậm chí rất sợ khi “bị” phân công làm công tác đội. Nhiệt huyết với công tác đội, nhưng thầy Trần Văn Tiến vẫn có mong muốn được đứng lớp giảng dạy đúng với chuyên môn của mình.
Bởi công tác Đội mất nhiều thời gian đôi khi nặng nề, khó khăn, nhất là đối với những người lớn tuổi. Thiết nghĩ, các trường khi quy hoạch cán bộ làm công tác Đội cũng cần có sự cân nhắc để đảm bảo lực lượng kế thừa và độ tuổi phù hợp hơn.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN- CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin