Nghề nào cũng có những khó khăn, nguy hiểm riêng và đôi khi không tránh khỏi những “tai nạn nghề nghiệp”. Nhưng rồi vì cái nghề còn là cái nghiệp nên họ vẫn gắn bó với nó trong cuộc mưu sinh.
Nghề nào cũng có những khó khăn, nguy hiểm riêng và đôi khi không tránh khỏi những “tai nạn nghề nghiệp”. Nhưng rồi vì cái nghề còn là cái nghiệp nên họ vẫn gắn bó với nó trong cuộc mưu sinh.
Muôn trùng hiểm nguy
Làm việc ở công trường xây dựng đã là một nghề khá vất vả, cực nhọc. Ngoài ra, có nhiều đội xây dựng tự phát hoặc tư nhân nên không được trang bị những thiết bị bảo đảm an toàn thiết yếu nên nghề này càng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
|
Làm việc ở độ cao, thợ xây dựng cần được trang bị bảo hộ lao động.
|
Hơn 10 năm theo nghề xây dựng với công việc chính là trét tường, lăn “bê”; chị Nguyễn Thanh Vân (ấp Tân Quới Tây, Trường An- TP Vĩnh Long) suốt ngày đứng trên giàn giáo, “lúc mới vô làm cũng thấy sợ lắm nhưng làm riết rồi thấy quen”- chị kể.
Nhìn chị đi tới đi lui trên mấy tấm ván lót tạm cao chót vót, rồi còn lúc nhón chân lên cao, lúc hạ thấp người xuống để sơn tường mà không sử dụng thiết bị bảo hộ lao động, chúng tôi khá lo ngại, nhưng với chị thì “hổng nhằm nhò gì”.
Anh Hồ Minh Trung (ấp Vĩnh Hòa, Tân Ngãi- TP Vĩnh Long)- một thợ hồ có gần 20 năm làm cho khá nhiều công trình xây dựng- kể lại, khi bắt giàn giáo để kéo vật tư, đã có thể nhiều chuyện không may xảy ra khi giàn giáo gãy và “chuyện bị thương hay tử nạn là điều khó tránh khỏi khi làm việc ở độ cao”.
Với các anh công an chuyên “thức cho dân ăn ngon, ngủ yên” cũng luôn đối mặt với thử thách lớn bởi vì tội phạm ngày càng nhiều thủ đoạn mưu mô xảo quyệt, thậm chí dùng bạo lực chống trả người thi hành công vụ.
Một lần khi vây bắt tội phạm tại một tụ điểm đánh bài lớn ở Bình Minh, các chiến sĩ công an bất ngờ bị tấn công bằng đá.
Cũng may là các anh chưa kịp gỡ nón bảo hiểm đã vội chạy vào vây bắt tội phạm, nên được “bảo hiểm phần đầu”, song lần đó cũng có người bị thương. Một lần khác, khi truy bắt tội phạm đá gà ở Tam Bình, một chiến sĩ đã không màn hiểm nguy rượt đuổi tên tội phạm đến tận bờ kinh, thì bị hắn quay sang chống trả. May là lúc đó, đồng đội đến kịp thời.
|
Những người thợ điện làm việc trong môi trường khá nguy hiểm.
|
Anh Cao Văn Nhanh có 10 năm thâm niên tại Đội Quản lý vận hành điện- Công ty Điện lực TP Vĩnh Long. Công việc chính của anh là đi đường dây và sửa điện. Đây cũng là một nghề rất nguy hiểm nếu không được trang bị bảo hộ lao động và kiến thức vững vàng.
Anh Nhanh cho biết, công việc này đã gắn bó với anh hơn 10 năm, anh làm việc đã quen nên cũng không áp lực nhiều. Vả lại mỗi năm công ty đều có tổ chức tập huấn sát hạch an toàn lao động và trang bị đầy đủ đồ dùng cá nhân bảo hộ lao động và dụng cụ sát hạch an toàn trước khi bắt đầu công việc.
Công ty cũng rất quan tâm đến người lao động, các chế độ bảo hiểm đầy đủ và mỗi lần trực nhiệm vụ đều có tiền trực bồi dưỡng thêm. Song, đối với nghề này, khi làm việc phải tập trung cao độ, nếu chểnh mảng hay bị chi phối bởi vấn đề nào đó thì rất nguy hiểm...
Khó khăn nhưng vẫn yêu nghề
Hiện có rất nhiều công việc vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng, nhưng do nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội cũng như mưu sinh, người ta vẫn phải sống và làm việc dù những hiểm nguy luôn rình rập.
Chạy máy in vào giờ khuya rất dễ xảy ra tai nạn nếu thiếu tập trung.
|
Anh Trình Phong Lan- một thợ chạy máy in lành nghề có thâm niên gần 20 năm- ở An Giang chia sẻ, cách đây hơn 10 năm trong một lần chạy máy in báo vào giờ khuya do bất cẩn anh bị máy cuốn đứt lìa ngón tay cái bên phải.
Do không biết cách xử lý đúng, khi chuyển lên bệnh viện TP Hồ Chí Minh thì ngón tay anh bị nhiễm trùng nặng phải phẫu thuật ghép da, khiến nguyên cánh tay phải anh “tan nát”.
Giờ đây sau nhiều năm, cánh tay anh vẫn chi chít sẹo lồi lõm và niềm đam mê môn cầu lông của anh coi như biến mất. Tuy nhiên sau khi khỏe lại anh vẫn tiếp tục công việc của mình cho đến nay vì theo anh đó là cái nghiệp của mình, vẫn phải gắn bó với nó.
Theo báo cáo của Cục Thống kê lao động, nguyên nhân gây thiệt mạng nhiều nhất chính là rơi từ trên cao xuống.
Ông Nguyễn Văn Th. (ấp Tân Quới Đông, Trường An- TP Vĩnh Long)- hiện đang làm thầu xây nhà ở một khu tái định cư tại TP Vĩnh Long cho biết: “Trước nay, chúng tôi không mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động. Tuy nhiên, chúng tôi có trang bị dụng cụ bảo hộ và sẽ không cho người lao động làm việc trên cao nếu sức khỏe không tốt. Đối với các công trình nguy hiểm như gần đường dây điện cao thế, thì phải thỏa thuận với người lao động trước khi bắt tay làm việc, bởi an toàn là trên hết”.
Với anh Hồ Minh Trung, đây là nghề chân chính giúp anh nuôi gia đình nên “tuy cực mà vui”. Anh nói: “Tui cũng tự hào mình là người đi xây mái ấm cho mọi người”.
Còn một chiến sĩ công an đang công tác ở Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết, được các cấp lãnh đạo quan tâm bồi dưỡng tư tưởng, nghiệp vụ cùng những kỹ năng cần thiết trong chiến đấu, để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra, song điều quan trọng nhất của các chiến sĩ Công an nhân dân là luôn yêu nghề và không ngại hiểm nguy.
Bài, ảnh: HẢI YẾN- XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin