Nhà trí thức yêu nước- bác sĩ y đức Phùng Văn Cung

05:05, 17/05/2013

Ngày 15/5/2013, Tỉnh ủy Vĩnh Long, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, UBMTTQ Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Nhà trí thức Phùng Văn Cung với cách mạng miền Nam”.

QUANG THUẦN- THÚY QUYÊN


Bác sĩ Phùng Văn Cung tại Trường Đại học Y Hà Nội.
Ảnh: TL

Ngày 15/5/2013, Tỉnh ủy Vĩnh Long, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, UBMTTQ Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Nhà trí thức Phùng Văn Cung với cách mạng miền Nam”.
 
Cuộc hội thảo thu hút 23 tham luận của các đại biểu, nhà khoa học, đại diện dòng họ Phùng. Qua hội thảo, Ban tổ chức đã có những kết luận chủ yếu về nhà trí thức Phùng Văn Cung.

Thứ nhất: Phùng Văn Cung sinh ra và lớn lên trong một gia đình, dòng họ có truyền thống hiếu học, học giỏi đỗ đạt thành tài, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống yêu nước. Ông sớm trở thành một trí thức bác sĩ- thầy thuốc nổi tiếng, không chỉ với tư cách một bác sĩ giỏi chuyên môn, mà chủ yếu do uy tín về y đức của người thầy thuốc.

Thứ hai: Bác sĩ Phùng Văn Cung sớm có tinh thần yêu nước và từ yêu nước ông đã hoạt động cách mạng, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Sa Đéc trong Cách mạng Tháng Tám 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm trong thời kỳ có Hiệp định Genève (7/1954) theo một cách riêng với niềm tin tưởng về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, về miền Bắc xã hội chủ nghĩa và thắng lợi của cách mạng giải phóng miền Nam.

Thứ ba: Là một trí thức yêu nước, bác sĩ Phùng Văn Cung có quyết tâm cách mạng lớn, bí mật thoát ly thành phố vào chiến khu hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.

Từ cuối năm 1960 đến kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cho đến cuối đời suốt hơn 20 năm hoạt động chuyên tâm làm nhiệm vụ cách mạng, cuộc đời, tên tuổi của ông gắn liền với những sự kiện lớn của cách mạng miền Nam và cách mạng cả nước.
 
Ông tham gia sáng lập và lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, với cương vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương lâm thời rồi Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận; thành lập và lãnh đạo Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, với cương vị Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới và Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới TP Hồ Chí Minh…

Những nhiệm vụ, trọng trách được ông thực thi với tinh thần của một trí thức yêu nước nhiệt thành, một chiến sĩ cộng sản mẫu mực. Cuộc sống của ông đơn giản và liêm khiết, luôn đặt lợi ích của dân tộc, của Đảng, Nhà nước và nhân dân lên trên hết.

 
Căn nhà dòng họ Phùng tại Khóm 1, Phường 9- TP Vĩnh Long.
Ảnh: QT- TQ

Thứ tư: Những tố chất về tư tưởng, quan điểm, tư cách, những cống hiến đóng góp cho cách mạng miền Nam, cách mạng cả nước của một trí thức yêu nước- bác sĩ y đức- đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam Phùng Văn Cung là những nhân tố quan trọng tạo nên con người lịch sử, nhân vật lịch sử được Đảng, Nhà nước, nhân dân tôn vinh và lưu danh tên tuổi; gia đình, dòng họ quý mến tự hào.

Hội thảo này đã nêu một đề nghị xác đáng là Đảng bộ, chính quyền, MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, TP Vĩnh Long, các địa phương liên quan, căn cứ vào chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người có công lao đóng góp cho cách mạng phối hợp với gia đình, dòng họ để có những hình thức lưu danh, lưu niệm nhân vật lịch sử cách mạng Phùng Văn Cung đúng đắn, thỏa đáng, trọn nghĩa, vẹn tình.

 

Ông Lê Tiến Nam- nguyên Trưởng Ban Hành chính- Quản trị, Phó Bí thư chi bộ Văn phòng cơ quan Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam: “Có nhiều ký ức đẹp và xúc động về bác Sáu Cung”


Bác sĩ Phùng Văn Cung là trí thức đầu tiên đã từ bỏ cơ ngơi, tài sản ở Sài Gòn, đưa cả gia đình vào chiến khu R.

Tuy nhiên, bác Sáu Cung nhanh chóng hòa nhập với tập thể cơ quan. Bác luôn động viên hai cô con gái vui tươi, phấn chấn trong điều kiện kháng chiến vô cùng gian khổ. Tiếp xúc với bác Sáu Cung, chúng tôi luôn nhận được những nụ cười đôn hậu và lạc quan, chưa bao giờ nghe một lời than phiền hay nỗi ưu tư.

Điều làm chúng tôi cảm mến và xúc động nhất là mỗi khi đến thăm hỏi trò chuyện cùng anh em cán bộ nhân viên và chiến sĩ làm công tác bảo vệ, phục vụ, bác Sáu Cung luôn quan tâm đến việc ăn uống, cũng như sức khỏe của mọi người.

Ông Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long: “Phùng Văn Cung là sứ giả miền Nam


Trước tình hình cuộc chiến tranh chống Mỹ đang trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, sự xuất hiện Trưởng phái đoàn miền Nam ra thăm miền Bắc, vị sứ giả miền Nam- Phùng Văn Cung như vì sao sáng rực trước tình hình trong nước và thế giới rất được quan tâm theo dõi và chú ý.

Cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam hàng chục năm qua từ thế bị động đối phó chuyển sang thế chủ động giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Bản báo cáo của ông Phùng Văn Cung như bản anh hùng ca tuyệt đẹp vừa thắm đượm tình nghĩa Bắc- Nam , được các chiến sĩ và đồng bào miền Bắc lắng nghe đầy cảm kích và xúc động.

Hình ảnh Phùng Văn Cung được Bác Hồ ôm hôn thắm thiết, là biểu tượng cao quý đối với nhân dân miền Nam . Phùng Văn Cung trở thành sứ giả rất đặc biệt thời kháng chiến, có ý nghĩa to lớn, luôn sống mãi trong lòng nhân dân ta.

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hồng Trung: “Cảm xúc hình ảnh hai bàn tay trắng”

Qua lời kể của người con dâu của Phùng Văn Cung- bác sĩ Lê Thị Kim Hà, thì ông là trí thức lớn, có những đức tính giản dị, đã bỏ lại tất cả nhà cửa, tài sản lớn lao đưa cả gia đình tham gia cách mạng với “hai bàn tay trắng”.

Khi đã đến tuổi nghỉ hưu, tại số nhà 15 đường Tú Xương (Quận 3- TP Hồ Chí Minh), ngôi biệt thự của bác sĩ Phùng Văn Cung- nguyên Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cứ mỗi tuần vào ngày chủ nhật, “hai bàn tay trắng” lại cầm chắc ghi đông xe đạp từ Quận 3 đến Phú Nhuận để trò chuyện với vợ chồng Lê Thị Kim Hà- Phùng Ngọc Ẩn và hai cháu nội.

Trước khi mất, “hai bàn tay trắng” của ông còn nắm chặt bàn tay của Kim Hà và Ngọc Ẩn, căn dặn cặn kẽ từng lời: “Khi ba mất rồi thì các con trả căn biệt thự ba đang ở cho Nhà nước”.

Là người lính quân y già, nên tôi cảm thấy mình như người trong cuộc; có những tư liệu trở thành bài học sống động cho những lớp thầy thuốc xã hội chủ nghĩa, hãy đọc và chiêm nghiệm, mà chịu khó tự rèn luyện mình, để trở thành người thầy thuốc thực sự có đạo đức.

Tiến sĩ Phùng Thảo- Ban liên lạc họ Phùng: “Đề nghị đặt tên đường Phùng Văn Cung”


Chúng ta tự hào về Phùng Văn Cung, người trí thức thầy thuốc nhân dân. Ông là tấm gương sáng về người chiến sĩ cộng sản đã hy sinh tất cả cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chúng tôi đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long và các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem xét, xây nhà kỷ niệm, đặt tên đường Phùng Văn Cung ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long.

QUANG THUẦN- THÚY QUYÊN (thực hiện)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh