Không đổi tên nước, giữ Điều 4 là cần thiết

07:05, 22/05/2013

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992- Phan Trung Lý đã khẳng định như vậy khi trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý DTSĐHP năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân


Qua 37 năm, quốc hiệu, quốc huy, quốc kỳ, quốc ca đã trở thành “máu thịt” trong mỗi công dân Việt Nam. Ảnh: VINH HIỂN

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992- Phan Trung Lý đã khẳng định như vậy khi trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý DTSĐHP năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân

Giữ nguyên tên nước để bảo đảm tính ổn định

Ông Phan Trung Lý cho biết, đa số các ý kiến của nhân dân đề nghị tiếp tục giữ nguyên tên nước là “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tên gọi này đã sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay, được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp. 

Ông cho biết cũng có ý kiến đề nghị lấy lại tên gọi “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” vì nó gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị một số tên gọi khác. Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến nêu trên, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy tên nước “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hoặc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ.

Song việc giữ nguyên tên nước “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

Hầu hết các ý kiến nhân dân tán thành việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, tán thành bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Ông Phan Trung Lý báo cáo Quốc hội về vấn đề này như sau: Trước hết, cần khẳng định rằng, việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết.

Quy định này là kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp hiện hành, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta.

Dự thảo đã bổ sung quy định về bản chất của Đảng theo tinh thần mới của Cương lĩnh, đó là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”.

Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy nên nhân dân ta mới thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp- đạo luật cơ bản của Nhà nước. 

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại- Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bạc Liêu- cho rằng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện trong hiến định kỳ này là hoàn toàn phù hợp với vai trò sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo Nhà nước và xã hội trong thời gian qua cũng như nhấn mạnh quyết định vai trò này trong thời gian tới.

Đồng thời, bà còn băn khoăn trong giải trình về sự cần thiết thành lập hội đồng bảo hiến cũng như hội đồng bầu cử quốc gia: “Tôi thấy cần phải cân nhắc có cần thiết hay không khi Hiến pháp đầu tiên của nước ta vào năm 1946 đến nay. Tuy là tổ chức này không có nhưng quá trình thực hiện không có gì vướng, nảy sinh cần thiết phải có chế định mới về tổ chức để gây cho bộ máy thêm cồng kềnh và quá trình hoạt động vẫn chưa được quy định rõ chức năng, quyền hạn như thế nào mà mình bấm nút thông qua thì chưa đồng tình”.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- Đặng Thị Ngọc Thịnh: (ảnh)

 

Tỉnh Vĩnh Long xem việc lấy ý kiến nhân dân về DTSĐHP năm 1992 là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013. Với kết quả ban đầu, tỉnh ta tổ chức thu thập ý kiến của người dân bằng nhiều hình thức và đến nay đã thu được hàng trăm ngàn ý kiến đóng góp của người dân.

Về nội dung mà cử tri quan tâm cũng như Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long quan tâm như xác định chủ thể của Việt Nam (tên nước, quốc kỳ, quốc ca, lãnh thổ của Việt Nam ).

Xung quanh vai trò lãnh đạo của Đảng, hầu hết các ý kiến của người dân đều khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là lãnh đạo duy nhất của toàn xã hội hiện nay và người dân đặt niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tôi cho rằng việc giữ Điều 4 của Hiến pháp là xác định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội là hết sức cần thiết. Về quyền và nghĩa vụ của công dân cũng như quyền của con người cũng được xác định rõ trong Hiến pháp.

Theo tôi, xác định như thế để khẳng định được nhân quyền không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn mang tính chất toàn cầu. Đây là vấn đề người dân quan tâm mà đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long rất ủng hộ.
 
Ngoài ra, còn có vấn đề tế nhị mà tôi nghĩ cần khẳng định: lực lượng vũ trang là lực lượng công cụ bảo vệ đất nước, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân cũng như bảo vệ Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, Người dân rất đồng tình với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này như xác lập quyền công hữu về đất đai hiện nay. Trong đó, khái niệm “sở hữu toàn dân” định cho người dân có những quyền liên quan đến quyền sử dụng đất của mình.

Đến ngày 30/4/2013, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về DTSĐHP năm 1992. Nhìn chung, các ý kiến nhân dân tán thành với các nội dung cơ bản của Dự thảo do Uỷ ban DTSĐHP công bố, đồng thời nhân dân cũng tham gia nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm cả về nội dung, kỹ thuật lập hiến đối với hầu hết các chương, điều của Dự thảo.

THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh