Nằm trong rừng cây giá tỵ chạy dọc theo Quốc lộ 20, đoạn giáp ranh giữa 2 huyện Định Quán và Tân Phú (Đồng Nai) là quần thể hang động dài nhất khu vực Đông Nam Á vừa được Viện Sinh học nhiệt đới Việt Nam và Hội Hang động Berlin (Đức) phát hiện sau gần 2 tháng thám hiểm.
Nằm trong rừng cây giá tỵ chạy dọc theo Quốc lộ 20, đoạn giáp ranh giữa 2 huyện Định Quán và Tân Phú (Đồng Nai) là quần thể hang động dài nhất khu vực Đông Nam Á vừa được Viện Sinh học nhiệt đới Việt Nam và Hội Hang động Berlin (Đức) phát hiện sau gần 2 tháng thám hiểm.
Đây là hang động có nguồn gốc dung nham do núi lửa phun, còn đậm nét hoang sơ, bí ẩn; là nơi trú ngụ của hàng ngàn con dơi và nhiều loại động vật khác sinh sống.
Cửa xuống hang dung nham ở Tân Phú |
Dẫn chúng tôi tham quan hang động, ông Sáu Yểng, ngụ tại xã Phú Lộc (Tân Phú), cho biết: “Ở khu vực này có tới 3 hang dơi, mỗi cái cách nhau chừng vài trăm mét. Người dân ở đây đã biết tới các hang này từ nhiều năm trước bởi có cửa lộ thiên và rất nhiều dơi trú ngụ. Có điều chẳng ai quan tâm tới kích thước và giá trị khoa học của nó mà chủ yếu là bắt dơi để bán”.
Theo quan sát của chúng tôi, cửa hang có kích thước khá rộng, đủ cho 2 đến 3 người vào cùng lúc, xung quanh là những tảng đá lớn. Vào sâu bên trong phải dùng đèn pin cỡ lớn hoặc đèn măng-sông chiếu sáng.
Độ rộng, hẹp, cao, thấp trong hang khác nhau, có chỗ rộng tới hơn chục mét, cao từ 3 đến 4m, nhưng cũng có nhiều đoạn hẹp chưa tới 1m và phải cúi rạp người xuống mới chui qua được. Hang động có tổng chiều dài hơn 400m với nhiều nhánh, nằm theo hình cong. Phía trên và hai bên hang có các tảng nhũ thạch, dung nham tua tủa.
Chính những chỗ lồi lõm tự nhiên ấy là nơi trú ngụ của đàn dơi cùng nhiều loại động vật khác. Không khí trong hang khá ngột ngạt, ẩm ướt và có mùi khó chịu do quá nhiều phân dơi. Vào mùa mưa, một số nơi trong hang đọng nước, sình lầy rất khó vượt qua.
Theo ông Trương Bá Vương, thành viên nhóm khảo sát (Viện Sinh học nhiệt đới Việt Nam), từ tháng 2-2013, các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát 11 hang dung nham tại Đồng Nai với tổng chiều dài 1,8km.
Hang dơi ở Tân Phú được hình thành bởi các nham dung thạch, có sự ngăn cách do sụp đổ, đứt gẫy tạo ra hai hang là Hang dơi 1 và Hang dơi 2. Hang dơi 1 có một đoạn dài 437m, liên tục, không đứt gãy. Tính cả phần sụp đổ giữa 2 hang dơi thì hang động này có tổng chiều dài 534m và được coi là hang dung nham dài nhất Đông Nam Á hiện nay. Trước đó, hang dung nham Gua Lawah ở Indonesia có chiều dài chỉ 400m.
Nhiều chỗ trong hang khá rộng |
Như vậy, việc phát hiện ra hang động dung nham ở Đồng Nai là một thành công về mặt khoa học, gắn với những giá trị lịch sử, tự nhiên. Đồng thời, đây là công trình thiên nhiên độc đáo cần được lưu giữ, bảo tồn. Tuy nhiên, thời gian đã làm cho một vài chỗ trong hang bị sụt.
Đồng thời, tình trạng soi đèn, căng lưới bắt dơi, quét phân dơi về bán đã làm đàn dơi ít dần. Anh Bùi Chìu Khoắn, người đã từng tham gia bắt dơi, kể: Vài năm trước, có một nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh đặt chúng tôi mỗi ngày 50kg dơi, giá bán khoảng 400.000 đồng/kg. Được một thời gian, lượng dơi cung cấp không đều, không đủ nên họ cắt hợp đồng. Dù vậy, mỗi lần vào hang tôi cũng phải bắt được cả một bao tải.
Trao đổi với anh Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tân Phú, chúng tôi được biết: Hiện nay, phòng đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND huyện và ngành chức năng cấp trên để có hướng tuyên truyền, quản lý và bảo vệ hang động.
Trước mắt, phòng đã tiến hành khuyến cáo nhân dân tự giác giữ gìn, bảo vệ hang dơi, không bắt dơi làm ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên và phá vỡ tính đặc thù của hệ thống hang động độc đáo này.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin