Đến hẹn lại lên, mỗi khi đầu mùa vụ giá phân bón lại “làm giá”. Thêm vào đó, tình trạng phân kém chất lượng, phân lậu diễn ra ngày càng nhiều, khiến nông dân sản xuất đã khó lại thêm khó.
Giá tăng, nông dân cần cân nhắc sử dụng phân, thuốc để giảm chi phí.
Đến hẹn lại lên, mỗi khi đầu mùa vụ giá phân bón lại “làm giá”. Thêm vào đó, tình trạng phân kém chất lượng, phân lậu diễn ra ngày càng nhiều, khiến nông dân sản xuất đã khó lại thêm khó.
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, có thể thấy phân là yếu tố quan trọng đối với nhà nông. Thế nhưng, trong những năm gần đây giá phân lên xuống thất thường gây ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất của nông dân lẫn thương nhân kinh doanh phân.
Theo ghi nhận, tại nhiều đại lý, doanh nghiệp kinh doanh phân bón, hầu hết các loại phân urê đều đã tăng từ 30.000- 50.000 đ/bao 50kg so với trước tết. Hiện phân urê Phú Mỹ có giá 450.000- 500.000 đ/bao 50kg, urê Cà Mau khoảng 485.000 đ/bao 50kg, DAP Trung Quốc 700.000- 730.000 đ/bao…
Bị ảnh hưởng trước tiên nhất chính là nông dân- người trực tiếp sản xuất. Đứng trước thông tin phân bón tăng, người nông dân nào cũng ngao ngán. “Nhưng buộc phải mua chứ không thể để cây lúa “đói” được- chú Tư Hưng (Bình Phước- Mang Thít) thở dài. Giải pháp chú đặt ra là “tiết kiệm hơn trước, hạn chế bón phân thừa”.
Gia đình thuộc diện hộ nghèo, hai vợ chồng anh Nguyễn Đình Cường (Hòa Tịnh- Mang Thít) chỉ có hơn công ruộng làm kế sinh nhai. Anh Cường nói: “Trừ chi phí phân thuốc, cày xới… còn lời chừng 300.000đ. Trả được một phần tiền rồi “khất” để mùa sau trả tiếp. Thu hoạch lúa xong, tôi phải kiếm thêm việc để làm thêm, chứ chi phí trồng lúa bây giờ cao quá, làm không đủ ăn như trước”.
Đang nhẩm tính trả tiền phân, cô Trần Thị Lệ (Long Phước- Long Hồ) cho biết: “Có vài chục công ruộng mới thu hoạch xong nhưng chưa bán được bao nhiêu. Tính ráng chờ ít bữa coi giá lúa có “nhích” thêm không. Cuối mùa tính tiền phân, thuốc, cày, xới, cắt,… không còn lời bao nhiêu. Nghe giá phân tăng mà oải quá”.
Phân tăng, nhiều đại lý, doanh nghiệp kinh doanh phân bón cũng “đau đầu” vì bắt đầu vụ mới mà chưa thu hồi được vốn. Cô Bùi Thị Kim Chi- chủ DNTN Phước Thành- kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (Khóm 3- thị trấn Long Hồ- Long Hồ) nói:
“Đầu mùa và cuối mùa vụ là phân lại tăng, giữa mùa có giảm chút đỉnh. Thời điểm này năm trước là tôi thu tiền phân, thuốc được khoảng 60- 70% rồi, năm nay hiu quá, xong vụ Đông Xuân rồi mà mới thu chừng 30%. Năm trước, cuối vụ là tui bắt đầu nhập hàng nhiều để dự trữ rồi. Năm nay chưa dám, còn chờ nông dân bán lúa mới dám nhập, chứ không là ôm hàng, khó bán”.
Kinh tế khó khăn, chi phí cao nên “giải pháp” của nhiều người dân là không để lúa “đói” nhưng cũng không để “quá no”. Hiểu được điều này, nhiều chủ đại lý không còn dám ồ ạt nhập hàng như trước. Cô Chi cho biết thêm, “không dám nhập hàng nhiều, bán hết thì nhập tiếp”.
Gần 30 năm kinh doanh vật tư nông nghiệp, cô Nguyễn Thị Yến- chủ đại lý vật tư nông nghiệp Năm Yến (Hòa Tịnh- Mang Thít) cho biết: “Khổ nhất là khi nông dân bán không được giá, thu hồi vốn không được, không có tiền lấy hàng. Đến mua phân hầu như ai cũng than bán lúa không được, khất đến mùa sau. Có mấy người thuê đất trồng lúa, không có thế chấp tôi cũng bấm bụng bán chịu luôn, vậy mà có người trồng lúa thua lỗ 3- 4 vụ liên tiếp rồi trốn đi nơi khác, quỵt luôn”.
Dù vậy, cô vẫn bán cho nông dân rồi đến ngân hàng vay tiền nhập hàng với “hy vọng mùa sau nông dân sẽ trúng mùa được giá”.
Không chỉ giá phân làm khó nông dân mà tình trạng phân bón nhập lậu, kém chất lượng đang càng ngày ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Điều này khiến cho nông dân và cả người kinh doanh phân đều không tránh khỏi lo lắng.
Một chủ đại lý bán phân ở Mang Thít nói: “Phân kém chất lượng thì giá rẻ hơn mà làm y như thật. Nông dân thấy chỗ nào bán rẻ thì mua, vậy là mình mất mối”.
Theo Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Long, trong những năm gần đây tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép phân bón, phân giả, kém chất lượng xảy ra càng ngày càng phổ biến.
Đặc biệt, năm 2013 được nhận định là năm thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp. Để đảm bảo chất lượng phân bón trong sản xuất, các lực lượng chức năng đã tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
Song song đó, bên cạnh việc siết chặt quản lý, kiểm tra của cơ quan chức năng, người dân cũng cần đến những nơi uy tín để mua, đừng vì cái lợi rẻ trước mắt mà để thất thu mùa vụ. Cần cân nhắc hơn trong việc sử dụng phân bón sao cho thích hợp, đầy đủ, tránh trường hợp lạm dụng bón phân thừa gây lãng phí.
Ông Nguyễn Thế Công- thanh tra viên Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long cho biết: Thời gian tới, thanh tra sở sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế… tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm, giúp nông dân an tâm sản xuất. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin