Mạng xã hội

07:04, 13/04/2013

Mấy hôm nay, vài người bạn phương xa hỏi sao không lên Facebook chơi. Nhà báo nhà beo gì mà chẳng biết tham gia mạng xã hội, dở tệ.

Mấy hôm nay, vài người bạn phương xa hỏi sao không lên Facebook chơi. Nhà báo nhà beo gì mà chẳng biết tham gia mạng xã hội, dở tệ.

Ấm ức chữ dở tệ nên cũng quyết “lên mạng” một phen. Té ra cái xã hội ảo này… xã hội thật. Một người suốt ngày làm việc trong văn phòng cũng có thể có hàng trăm, thậm chí cả ngàn người bạn, qua những con đường kết nối chằng chịt. Thôi thì hình ảnh, hoa hoét, yêu đương, giận hờn, buồn tủi... tất cả đều có đủ. Nhưng xem ra hiệu quả nhất là tự “PR” bản thân, tất cả đều có thể “bày” ra cho mọi người tha hồ mà chiêm ngưỡng.

Nhưng mạng xã hội có thật sự là phương tiện tốt để kết nối cộng đồng?

Theo một nhà nghiên cứu đang làm việc cho Facebook- mạng xã hội lớn của thế giới và đang được ưa thích nhất tại Việt Nam, thì trên mạng xã hội, một người có thể có rất nhiều bạn, nhưng thật ra họ chỉ kết nối được với một số rất ít người. Cụ thể là một người có 500 người bạn trên Facebook, nhưng chỉ kết nối từ 10-17 người đối với nam và 16- 26 người đối với nữ. Cho nên, nhiều người cho rằng mạng xã hội chỉ tăng kết nối chiều rộng chứ không giúp kết nối chiều sâu. Hay nói cách khác là chỉ có “cảm giác kết nối” mà thôi.

Tuy vậy, mạng xã hội lại rất thích hợp là nơi hẹn hò và “kết đôi”, cho nên nó lại đang trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc vợ chồng ly hôn.

Lang thang, lang thang trên thế giới ảo, tôi bỗng nhớ quyển “Cô đơn trên mạng” của nhà văn Ba Lan Janusz Leon Wisniewski. Một chuyện tình yêu giữa người phụ nữ xinh đẹp và cô đơn dù đã có chồng là một giáo sư lịch lãm tên Jakub. Chuyện tình trên mạng đầy ắp cảm xúc. Cho đến một ngày không thể không xảy ra: họ quyết định gặp nhau ngoài đời- qua muôn trùng khoảng cách về không gian lẫn định kiến xã hội. Để cuối cùng, rất bất ngờ: mỗi người tự quyết định quay về chốn cũ- trong những quan hệ và ràng buộc xã hội thực tại của mình.

Thật ra, không phải đợi đến những kết nối ảo ảo thật thật trên mạng, mà nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Lưu Chấn Vân cũng đã từng viết tiểu thuyết “Điện thoại di động”- khi mà những hồ hởi ban đầu sớm kéo theo những vấn đề rắc rối trong quan hệ gia đình và xã hội khác.

Khi mà công nghệ mới tham gia vào đời sống của mỗi cá nhân, rồi đây, có lẽ phải nói đời thay đổi khi… công nghệ thay đổi.

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh