Chiến sĩ Nguyễn Văn Bảy (sinh năm 1950), thuộc Tiểu đoàn 857 đã hy sinh trong trận đánh vào sân bay Vĩnh Long, Xuân Mậu Thân 1968. Một câu chuyện buồn, cảm động về người lính, nhưng kết thúc có hậu.
Trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy.
Chiến sĩ Nguyễn Văn Bảy (sinh năm 1950), thuộc Tiểu đoàn 857 đã hy sinh trong trận đánh vào sân bay Vĩnh Long, Xuân Mậu Thân 1968. Một câu chuyện buồn, cảm động về người lính, nhưng kết thúc có hậu.
Từ chợ Nha Mân rẽ trái khoảng 9km, đến cầu Bằng Lăng lại tiếp tục rẽ trái khoảng 1km nữa cặp theo con rạch Bằng Lăng, thì đến nhà của ông Nguyễn Tấn Thành (58 tuổi), là em ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy còn gọi là Bảy Quắn.
Chúng tôi nghe lại câu chuyện của gần nửa thế kỷ, về một thời đạn bom ác liệt của vùng chữ V Châu Thành, những hình ảnh về người anh trai của mình vẫn còn in đậm trong hồi ức của ông Thành.
Anh Bảy tôi có mái tóc quăn, nên thường gọi “chết danh” là Bảy Quắn- ông Thanh kể lại:
Hồi đó, nhà ba má làm ruộng nhiều lắm, những lúc rảnh tôi hay chạy lúp xúp theo anh Bảy, dẫn chó ra đồng săn chuột. Năm 1966, giặc đánh phá vùng này dữ quá, rất nhiều thanh niên, cả thiếu niên cũng đòi cước tuổi lên để đi bộ đội.
Còn nhớ anh Bảy có nói với tôi rằng: “Anh ráng làm tiếp ba má xong mùa lúa này nữa, rồi anh sẽ đi bộ đội”. Nói vậy thì nghe vậy, chớ gia đình cũng không biết anh vào bộ đội thuộc đơn vị nào, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn thường tạt về thăm nhà. Những lần anh về thăm là tôi “đeo dính”, vì khoái cây súng CKC, hình như hồi đó gọi là cây K1 gì đó, thực ra lúc đó tôi vẫn còn nhỏ lắm, nhưng có lần được anh Bảy dẫn ra ruộng cho bắn thử mấy phát “đã” lắm”!
Trong 2 năm đi bộ đội, anh Bảy thường về thăm nhà. Đến trận đánh Xuân Mậu Thân 1968, sau đó giặc phản công dội bom, ruồng bố dữ lắm, cho nên gia đình, cả làng xóm đều phải gói ghém đồ đạc xuống xuồng tản cư ra ngoài cù lao Nha Mân lánh tạm. Ông già tôi thỉnh thoảng cứ bơi xuồng về trong này để dò hỏi, vì lâu quá sao không thấy tin tức gì của anh Bảy.
Vào tháng 10/1968, ba lại bơi xuồng về trong xóm, nhưng tới rạch Mù U thì nước cạn phải đậu xuồng lại ngồi chờ. Tụi lính từ trong bót Hang Mai, thấy mấy chiếc xuồng đậu chùm nhum, đã gọi điện cho pháo binh cùng với đạn từ trong đồn tỉa ra.
Ba tôi đã chết ngay tại đó vì trúng mảnh pháo. Từ đó, coi như mất liên lạc luôn, vì má và mấy anh em cũng không dám về trong này nữa. Mà có về cũng không biết dò hỏi ở đâu.
Ở luôn ngoài Nha Mân học hành được chút đỉnh, ở tuổi 15- 16 tôi trôi dạt lên tận Sài Gòn làm thuê kiếm sống, cho đến sau năm 1975 mới quay về quê ở rạch Bằng Lăng này. Đến năm 1976 thì má tôi mất vì bệnh. Có cất công đi tìm kiếm anh Bảy, nhưng thông tin đơn vị không có nên nghe người này, người nọ chỉ thì đi tìm hù hơ, hù hỡi vậy.
Thêm nữa, là thời chiến tranh thì địa bàn chiến đấu thuộc tỉnh Vĩnh Long, nhưng sau giải phóng thì Châu Thành lại thuộc về Đồng Tháp, cho nên hỏi thăm ở Tỉnh đội Đồng Tháp thì không có thông tin gì.
Thời gian trôi qua, ngày qua ngày, tháng qua tháng, kiếm miết rồi cũng mòn mỏi, mà còn phải lo làm ăn nữa. Cho nên, chỉ biết rằng anh đã hy sinh nhưng đành chịu không tìm được hài cốt đang nằm ở đâu?
Cho đến khi Thiếu tướng Đoàn Thắng về dự lễ cất nhà đồng đội cho ông Sấm, thì ông Thành nhớ lại là anh Bảy mình có đi bộ đội cùng đợt với ông Sấm, nên tìm tới dò hỏi, thì được hướng dẫn xuống Vĩnh Long gặp đồng chí Phạm Phi Hùng và đồng chí Mười Quẹo, có lẽ sẽ có được thông tin chính xác.
Ông Thành kể rằng: “Anh Mười Quẹo bảo, đâu chú tả lại hình dáng người anh của chú coi. Tôi nói: Anh tôi nước da ngăm, có mái tóc quăn, nên gọi là Bảy Quắn. Đến lúc này, anh Mười mới xác nhận rằng anh Bảy tôi đã hy sinh trong trận đánh vào sân bay Xuân Mậu Thân 1968.
Ông Thành cũng cảm thấy phần nào nhẹ nhõm trong lòng. Cũng vì đi tìm anh mà ba ông đã trúng đạn pháo giặc mà chết dọc đường, còn má thì đến chết vẫn đau đáu nỗi đau về đứa con trai hy sinh mà không biết đang nằm ở nơi nào. Sau đó, Vĩnh Long đã tổ chức tìm được hài cốt của 35 chiến sĩ hy sinh trong đó có chiến sĩ Nguyễn Văn Bảy.
Tuy nhiên, phải mất đến 4 năm sau mới có thể hoàn thành thủ tục để được công nhận liệt sĩ. Đó là nỗ lực lớn của Tỉnh Đội Vĩnh Long, kết hợp với Tỉnh Đội Đồng Tháp, cũng như Sở LĐ- TB và XH của 2 tỉnh. Đặc biệt, là sự giúp đỡ trực tiếp của Thiếu tướng Phạm Phi Hùng và đồng chí Mười Quẹo.
Trung tuần tháng 3/2013, theo chân đoàn công tác của Tỉnh Đội Vĩnh Long, có sự tham gia của Thiếu tướng Phạm Phi Hùng- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tỉnh Đội trưởng Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Mười (Mười Quẹo)- nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 857, chúng tôi chứng kiến buổi lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (Bảy Quắn), tại ấp Tân An, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành (Đồng Tháp).
Buổi lễ được tổ chức đơn giản, nhưng trang nghiêm, xúc động và ấm áp tình đồng đội; trong niềm vui mừng, hạnh phúc của người thân, gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy.
Bài, ảnh: QUANG THUẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin