
Cách đây 38 năm, vào những ngày tháng 4 lịch sử, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, quân và dân miền Nam với khí thế như vũ bão, đồng loạt nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chấm dứt chế độ thực dân kiểu mới trên đất nước ta, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Bộ đội ta làm chủ hoàn toàn sân bay quân sự Vĩnh Long 1/5/1975.Ảnh: TL BÁO VĨNH LONG
Cách đây 38 năm, vào những ngày tháng 4 lịch sử, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, quân và dân miền Nam với khí thế như vũ bão, đồng loạt nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chấm dứt chế độ thực dân kiểu mới trên đất nước ta, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trong bản hùng ca của đất nước, có sự đóng góp quan trọng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Vĩnh Long, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, đầu tháng 4/1975, Tỉnh ủy Vĩnh Long chỉ thị cho toàn Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Long xúc tiến công tác chuẩn bị. Mỗi địa phương đều có kế hoạch chuẩn bị tấn công nổi dậy của địa phương mình theo phương hướng “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”.
Tỉnh ủy xác định nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này là nhanh chóng củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang mạnh cùng lực lượng chính trị, binh vận hùng hậu, cả nông thôn và thành thị, bao vây, chia cắt và tiến công địch trên địa bàn toàn tỉnh, giành thắng lợi cuối cùng.
Đến thời điểm trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta gấp rút xây dựng thêm 2 tiểu đoàn bộ đội tỉnh, mang phiên hiệu Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 4. Như vậy, đến thời điểm này, tỉnh có 4 tiểu đoàn bộ binh, cùng với các đơn vị địa phương quân của các huyện và du kích các xã. Tổng quân số trong toàn tỉnh lên đến khoảng 6 ngàn tay súng, chưa kể 2 trung đoàn bộ đội chủ lực khu.
Mọi công tác xây dựng và chuẩn bị lực lượng, kế hoạch tổng tấn công và nổi dậy, hưởng ứng Chiến dịch Hồ Chí Minh, đều được chuẩn bị chu đáo.
Ngày 18/4/1975, thực hiện sự chỉ đạo của khu, ta dùng pháo 105 ly bắn cấp tập vào đại bản doanh Vùng 4 chiến thuật của địch, dùng pháo 120 ly pháo kích vào sân bay Trà Nóc. Trung đoàn 3 đánh thẳng vào Trung đoàn 31 (Sư đoàn 21) và Trung đoàn 16 (Sư đoàn 9) của địch tại xã Đông Thành và xã Mỹ Hòa, gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Ngày 26/4/1975, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, quân và dân Vĩnh Long hình thành 3 mũi tấn công áp sát TX Vĩnh Long, đồng thời tiến hành bao vây chặt các chi khu Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít, Bình Minh, cắt đứt giao thông để không cho địch có cơ hội chi viện từ Cần Thơ.
Với sức tấn công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, quân và dân ta đã bao vây, làm tiêu hao sinh lực địch, vừa kềm chặt, vừa căng địch ra trên khắp các địa bàn để đánh. Sức tấn công của quân dân ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào ở các đô thị trong tỉnh nổi dậy giành quyền làm chủ ở nhiều nơi; sức đề kháng của địch ngày càng yếu ớt.
Ngày 28/4/1975, Tỉnh ủy Vĩnh Long nhận được điện của Khu ủy và Quân khu 9, chuẩn bị tấn công đồng loạt các thị xã vào đêm 29/4/1975, cùng ngày với Sài Gòn để giải phóng miền
Ban Chỉ huy Tiền phương đang đóng ở Xã Xỉ (An Đức, Châu Thành)… liền họp bàn kế hoạch, bố trí lực lượng tấn công địch, hậu cứ Sư đoàn 9 ở sân bay Vĩnh Long. Trung đoàn 1 áp sát hậu cứ Trung đoàn 16 địch ở Long Hồ.
Đêm 29/4/1975, ta đưa một bộ phận biệt động, thông tin và một số cán bộ chỉ đạo thị xã vào ém trong nội ô, điều 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 1 từ Ba Càng lên phối hợp với Trung đoàn 3 tiến vào TX Vĩnh Long để thực hiện phương án tiến công từ ngoài vào kết hợp với nổi dậy bên trong.
Trong tình thế tuyệt vọng, Chính phủ Dương Văn Minh đầu hàng trưa ngày 30/4/1975, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, nhưng tên Tỉnh trưởng Vĩnh Long vẫn tuyên bố tử thủ, không tuân lệnh đầu hàng.
Đến 15 giờ ngày 30/4/1975, các mũi vũ trang của ta đã thọc sâu vào các điểm quan trọng, lực lượng biệt động hoạt động mạnh, tạo điều kiện cho phong trào quần chúng trong nội ô nổi dậy. 18 giờ ngày 30/4/1975, trên Quốc lộ 4, binh lính bỏ súng ống, xe pháo ngổn ngang tìm đường trốn chạy.
Trong khi đó, phong trào quần chúng nổi dậy làm chủ thị xã càng mạnh và rộng rãi ở các phường, cùng lúc Chi khu Cái Nhum, Tam Bình, Bình Minh, Trà Ôn, Vũng Liêm bị ta bao vây siết chặt đang trong tình trạng nguy ngập.
Trước tình hình không thể cứu vãn nổi, Đại tá Lê Trung Thành- Tỉnh trưởng ngụy quyền Vĩnh Long qua vận động, kêu gọi kiên trì của Bộ chỉ huy tiền phương giải phóng TX Vĩnh Long đã buộc phải chấp nhận ra lệnh cho binh lính buông súng đầu hàng vào lúc 20 giờ ngày 30/4/1975, tránh được một cuộc đổ máu, hy sinh.
Kể từ thời khắc này quân ta tiến vào làm chủ thị xã và trong đêm 30/4 tỉnh Vĩnh Long được hoàn toàn giải phóng. Ngày 1/5/1975, nhân dân Vĩnh Long xuống đường vui mừng chiến thắng.
Sau giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long, quân và dân Vĩnh Long khắc phục hậu quả sau chiến tranh, vượt qua khó khăn, kiên cường trong lao động, sản xuất; thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng phát triển vững mạnh, giàu và đẹp.
NGUYỄN SAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin