Trước thềm Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Vĩnh Long lần VII, nhiệm kỳ 2013- 2018, phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với các cán bộ hội nông dân cấp xã- phường về những trăn trở và mong muốn của hội viên.
Trước thềm Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Vĩnh Long lần VII, nhiệm kỳ 2013- 2018, phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với các cán bộ hội nông dân cấp xã- phường về những trăn trở và mong muốn của hội viên.
Ông Văn Duy Phước- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường An (TP Vĩnh Long):
Tình trạng thừa hàng dội chợ ở nhiều mặt hàng nông sản vẫn tái diễn. Tuy có rất nhiều hội thảo tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên khó khăn vẫn quay quanh nông dân.
Đối với sản xuất lúa, giá cả trồi sụt thất thường; chăn nuôi đa số bị lỗ. Bên cạnh, tình trạng sâu đục trái bưởi, cam; chổi rồng trên nhãn đang làm khó cho nông dân. Vì thế, cần quan tâm đến đầu ra, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trên cơ sở nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Minh Tâm- Phó Chủ tịch Hội Nông dân Phường 3 (TP Vĩnh Long):
Tỉnh hội nên quan tâm đầu tư nhiều hơn cho nông dân thành phố vì nhiều mặt hàng được tiêu thụ tại chỗ. Kiến nghị nhiệm kỳ tới, tỉnh hội cần sớm cụ thể hóa Quyết định 673-QĐ/CP của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận số 61 của UBND tỉnh về quỹ hỗ trợ nông dân để thực hiện các mô hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ông Võ Văn Hải- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thạnh (Tam Bình):
Cần bình ổn giá vật tư nông nghiệp để nông dân đỡ lo lắng khi vào vụ sản xuất. Hiện xã Hòa Thạnh chưa có cánh đồng mẫu lớn nên hầu hết người dân đều mong muốn được đầu tư trên địa bàn để có cơ hội tiếp cận với mô hình sản xuất hiện đại này.
Ông Ngô Viết Sơn- cán bộ nông nghiệp kiêm phụ trách xây dựng nông thôn mới xã Long Mỹ (Mang Thít):
Hội cần mạnh dạn chuyển đổi mô hình mới. Bên cạnh đó, nông dân cần phải tận dụng diện tích để thâm canh, đa canh, giúp nâng cao thu nhập, đồng thời địa phương cần tranh thủ các dự án hỗ trợ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Lê Quang Thảo- Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp (Trà Ôn):
Việc tái đầu tư của nông dân luôn gặp khó và thường bị động. Trong khi đó, ngành chuyên môn chưa định hướng được cho nông dân trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, công tác vận động nông dân tham gia các mô hình sản xuất mới gặp nhiều thuận lợi, bà con đồng tình rất cao, như tham gia cánh đồng mẫu lớn. Điều đáng nói là đầu ra của mô hình này hiện chưa được khai thông.
Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng được người dân chú trọng, nhưng khi cho thu hoạch lại ứ đầu ra vì giá thấp. Ví dụ như lúa thơm OM4900 những năm trước có giá trên dưới 6.000 đ/kg thì ở vụ Đông Xuân năm nay lại rớt xuống dưới 5.000 đ/kg, nông dân không có lời bao nhiêu.
Ông Lê Văn Ngôn- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Quới Trung (Vũng Liêm):
Tôi mong hội quan tâm hơn trong công tác đào tạo nghề cho hội viên gắn với giải quyết việc làm để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực tại địa phương và khơi dậy phong trào hội.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác liên kết với các ngành nông nghiệp, khuyến nông và là cầu nối giữa nông dân và các ngành chuyên môn để có thể gắn kết, hỗ trợ hội viên trong phát triển sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Văn Quang- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hiếu (Vũng Liêm):
Tôi đề nghị cần mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội ngay từ đầu năm của nhiệm kỳ để lãnh đạo hội các cấp nắm bắt được quy trình hoạt động và lãnh đạo hội tốt hơn. Hiện, hội cơ sở rất mong có thêm nhiều dự án và nguồn vốn về cơ sở để hỗ trợ hội viên nông dân thi đua, phát triển mô hình sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh, cần quan tâm xây nhà cho hội viên gặp khó khăn về nhà ở để hội viên có thể an cư, lạc nghiệp trên chính quê hương mình và cùng gắn bó với hội, xây dựng hội ngày càng vững mạnh.
LÊ SƠN- XUÂN TƯƠI-
HOÀNG MINH (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin