Chương trình sách giáo khoa còn nặng nề, quá tải ở các cấp học

07:04, 22/04/2013

Hôm nay (22/4/2013), Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Vĩnh Long do ông Nguyễn Thanh Bình- Phó trưởng Đoàn ĐBQH làm trưởng đoàn đã đến giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại huyện Tam Bình

Hôm nay (22/4/2013), Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Vĩnh Long do ông Nguyễn Thanh Bình- Phó trưởng Đoàn ĐBQH làm trưởng đoàn đã đến giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại huyện Tam Bình.

Buổi sáng, đoàn đã làm việc tại Trường THCS Loan Mỹ- nơi có 36 cán bộ giáo viên và 368 học sinh (HS), trong đó có 14 giáo viên giỏi cấp tỉnh và trên 250 HS Khmer, chiếm tỷ lệ gần 70% số HS toàn trường. Tuy cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng chức năng nhưng 3 năm gần đây, tỷ lệ HS khá giỏi tăng đáng kể, từ 57% lên 70%.

Chính sách miễn giảm học phí được thực hiện đúng quy định. Về chương trình, sách giáo khoa, nhà trường cho rằng phần lớn nội dung chương trình phù hợp với việc đổi mới phương pháp giảng dạy, tuy nhiên, có một số bài quá dài, rèn luyện nhiều kỹ năng khiến HS khó tiếp thu; một số nội dung trình bày phức tạp, khó hiểu.

Đoàn cho rằng giáo viên Khmer của trường còn ít (2) và tỷ lệ HS bỏ học 4,1% là khá cao, cần phân tích rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục; Hội đồng sư phạm nhà trường cần nghiên cứu sâu hơn để có những kiến nghị cụ thể, thiết thực về chương trình, sách giáo khoa, các điều kiện phục vụ dạy và học phù hợp thực tế, đặc thù của người Khmer nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo yêu cầu đổi mới hiện nay. 

Chiều cùng ngày, đoàn có buổi làm việc cùng UBND huyện. Qua đó cho thấy, việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo đảm chất lượng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông kịp thời. Tuy nhiên, tính khả thi của một số văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, còn nhiều bất cập.

Chương trình sách giáo khoa phổ thông từ năm 2010 đến nay đã kế thừa, phát huy được ưu điểm của các chương trình trước đây, nội dung cơ bản bảo đảm được tính khoa học, hiện đại.
 
Song, còn nặng nề, quá tải ở các cấp học; một số môn học đặt ra yêu cầu cao; nội dung còn trừu tượng, chưa chuẩn xác, thiếu thống nhất gây khó khăn cho giáo viên và HS; còn nhiều bất cập trong giảm tải cho HS và giáo viên.
Hiện Tam Bình có 68 trường mầm non, phổ thông; trong đó có 13 trường đạt chuẩn quốc gia.
 
Đội ngũ cán bộ giáo viên trên 2.000 người, 100% đều đạt chuẩn, hơn 43% cán bộ, giáo viên là đảng viên. Việc thực hiện chính sách, chế độ cho CBGV đúng quy định. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Huyện đã thực hiện tự chủ tài chính trong các cơ sở giáo dục từ năm 2010.

Chất lượng hai mặt giáo dục của bậc trung học năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp THPT năm học qua đạt trên 97%. Huyện đã xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và xây dựng xã nông thôn mới.

 Dịp này, huyện kiến nghị tỉnh tiếp tục tập trung quản lý nâng cao chất lượng giáo dục, kiểm tra chặt chẽ việc dạy thêm học thêm, tăng cường giải pháp bồi giỏi, nâng kém; nghiên cứu chế độ phụ cấp công vụ cho cán bộ phòng GD-ĐT ngoài biên chế hành chính; có chủ trương, chính sách đối với giáo viên dôi dư sau khi sáp nhập lớp, trường vì hiện nay có nhiều trường, lớp ít học sinh; đồng thời xây dựng đề án phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT. 

TRÂM ANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh