Nhiệm kỳ qua (2008- 2013), phong trào thi đua lao động sáng tạo đã thúc đẩy công nhân viên chức, lao động (CNVC-LĐ) phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc.
Anh Phạm Văn Tâm và quy trình công nghệ sản xuất nước tương sạch.
Nhiệm kỳ qua (2008- 2013), phong trào thi đua lao động sáng tạo đã thúc đẩy công nhân viên chức, lao động (CNVC-LĐ) phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc.
Qua đó, góp phần tích cực trong việc đưa nền kinh tế địa phương tiếp tục tăng trưởng, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.
Sáng kiến trong công nghệ, ứng dụng vào đời sống
Ngày nay, ngoài nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị, CNVC-LĐ còn tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo ra những công cụ, vật dụng, cải tiến những quy trình trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, kinh tế, nông nghiệp, công nghệ thực phẩm… mang lại hiệu quả thiết thực, có khả năng ứng dụng vào đời sống, lợi ích kinh tế cao, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Giải pháp nghiên cứu cải tiến quy trình công nghệ sản xuất nước tương bằng phương pháp hóa giải của nhóm tác giả Phạm Văn Tâm (Sở Khoa học Công nghệ) là một sáng kiến hiệu quả thiết thực trong đời sống.
Do có sự xuất hiện của 3MCPD trong nước tương, nhóm đã nghiên cứu cơ chế phát sinh ra 3MCPD và cải tiến quy trình công nghệ sản xuất nước tương bằng phương pháp hóa giải, thủy phân bánh dầu bằng acid HCI với tỷ lệ 60%, sau đó phân hủy 3MCPD xuống dưới mức 0.01mg/kg, đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Hiện nay giải pháp đã được chuyển giao áp dụng tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Trước việc thịt, cá bày bán tràn lan ở chợ, chưa chú ý đến an toàn vệ sinh thực phẩm, chị Lưu Kim Hằng- cán bộ Phòng Công thương huyện Tam Bình đã thực hiện đề tài “Khảo sát hiện trạng bảo quản thịt, cá và thủy- hải sản tươi sống trên địa bàn chợ Tam Bình” và đề xuất phương pháp bảo quản thích hợp. Sau khi đi thực tế, chị đã lấy mẫu đại diện các loại thịt, cá và thủy- hải sản tươi sống bày bán ở chợ Tam Bình đem phân tích lấy mẫu ở phòng thí nghiệm.
Từ đó, chị tìm ra chất bảo quản thực phẩm và các chỉ tiêu sinh hóa để đánh giá chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau đó, chị còn phát phiếu thăm dò để thu thập thông tin từ người tiêu dùng và xin ý kiến của các ngành chuyên môn và các chuyên gia để đề xuất giải pháp bảo quản theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm.
Sáng kiến này đã góp phần nâng cao nhận thức của người bán hàng ở chợ Tam Bình trong bảo quản thực phẩm. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong cách lựa chọn thực phẩm để chế biến.
Đề tài bảo quản thực phẩm tươi sống của chị Hằng sẽ giúp cho người dân an tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sáng tạo đồ dùng, nâng chất giảng dạy
Để không khí lớp sinh động, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh qua trực quan sinh động; các giáo viên của Trường THCS Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình) đã nghiên cứu sáng tạo ra những đồ dùng dạy học mang lại hiệu quả cao trong các tiết dạy.
Thầy Trịnh Điền Hải- giáo viên môn Sinh học của trường đã tạo ra mô hình đồi có rừng- đồi trọc minh họa cho bài học. Bằng các vật liệu đơn giản, thầy đã tạo ra 2 khu đồi thu nhỏ, một bên là đồi có rừng, có đầy đủ cảnh quan vùng đồi núi, hệ sinh thái rừng, tác dụng của rừng là chống xói mòn, ngăn chặn lũ lụt, hạn hán, bảo vệ mạch nước ngầm...
Ngược lại, đồi trọc là đồi không có cây xanh, không có hệ sinh thái rừng sẽ xói mòn, gây lũ lụt, hạn hán, thiệt hại cho con người. Mô hình trực quan sinh động này đã giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về hệ sinh thái rừng, tác dụng của rừng và đời sống sinh vật, con người, từ đó giáo dục học sinh có ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.
Cô Lê Thị Út, cũng dạy môn Sinh học tại Trường THCS Mỹ Thạnh Trung, muốn học sinh hiểu rõ hơn về quá trình quang hợp và trao đổi chất của cây, đã sáng tạo ra mô hình “Cây có hoa” bằng cách sử dụng một thân cây thật có đầy đủ các bộ phận thân, rễ, cành và cắt dán lên hoa lá, sau đó cô khoan lỗ vào thân cây gắn hai hệ thống đèn chớp xanh, đỏ chạy trên thân cây, sử dụng hai công tắc điều chỉnh để biểu diễn quá trình vận chuyển nước, các chất dinh dưỡng trong thân cây và quá trình quang hợp của cây.
Sáng kiến của cô đã giúp các em rất thích thú học, hiểu bài hơn; mô hình này còn dạy được nhiều nội dung, nhiều môn học như mỹ thuật, thực vật, trang trí và sử dụng cho các hoạt động ngoại khóa.
Cô Hoàng Thị Mai Huệ- Hiệu trưởng trường cho biết, đây là những giáo viên có thâm niên trong nghề, bằng kinh nghiệm của mình họ đã tự nghiên cứu làm ra các mô hình dạy học rất thiết thực, thu hút các em yêu thích môn học và hiểu bài sâu hơn, tạo không khí lớp sinh động, rất hiệu quả.
Cô Lê Thị Út đang dạy học sinh quá trình trao đổi chất trên “Cây có hoa”.
Việc phát động thi đua, phát huy sáng kiến trong lao động không chỉ mang tính đơn lẻ mà đã trở thành phong trào rộng khắp, trong nhiệm kỳ qua (2008- 2013), Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp phát động phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, đã có hơn 21.000 lượt cá nhân đạt lao động tiên tiến, trên 25.000 cá nhân đạt chiến sĩ thi đua các cấp; 116 tập thể lao động xuất sắc; 26 lao động được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương lao động các loại.
13 tác giả được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo, 7 tác giả đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, 798 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và 11.757 đề tài sáng kiến, cải tiến cấp cơ sở… đã làm lợi cho Nhà nước trên 45 tỷ đồng.
Bài, ảnh: HẢI YẾN- XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin